Thứ sáu, 29/03/2024 | 15:54
RSS

3 thói quen khiến người trẻ dễ mắc ung thư vú

Thứ năm, 19/11/2020, 13:26 (GMT+7)

Lee không ngờ mình được chẩn đoán mắc ung thư vú giai đoạn 2 khi tuổi còn quá trẻ chỉ vì 3 thói quen xấu người trẻ nào cũng dễ mắc phải.

3 thói quen xấu khiến người trẻ dễ mắc ung thư

Annie Lee, 36 tuổi, sống tại Hong Kong đã chiến đấu với căn bệnh ung thư vú suốt 5 năm nay. Giữa năm 2015, Lee bất ngờ sờ thấy cục u cứng một bên vú trong khi tắm. Cô ngay lập tức đến bệnh viện siêu âm, chụp X-quang vú và sinh thiết khối u kết luận cô mắc ung thư vú giai đoạn 2.

Là một nhà giao dịch cổ phiếu tại một ngân hàng đầu tư, Lee không nghi ngờ sự tăng trưởng của bệnh ung thư; lúc đó cô mới 31 tuổi. Cô đã quay lại bác sĩ một mình để biết kết quả sinh thiết.

Lee kể lại: “Đó là lúc tôi cảm thấy toàn thân mình lạnh toát. Tôi gọi cho chồng giục anh đến bệnh viện càng nhanh càng tốt”.

Trong gia đình Lee chưa từng có ai mắc ung thư vú. Dù biết mình không phải là người có lối sống đặc biệt lành mạnh nhưng cô chủ quan vì mình còn trẻ.

Lee thú nhận, mình là một người nghiện công việc. Cô bắt đầu làm việc lúc 8h sáng, đôi khi rời văn phòng lúc 11 giờ đêm. Lee không có thời gian tập thể dục. Lee là tín đồ của sô cô la, thức ăn nhanh bao gồm bánh mì kẹp thịt và khoai tây chiên.

Lee chia sẻ: “Khi căng thẳng, bạn thực sự muốn ăn một thứ gì đó có hại cho cơ thể”.

Thế hệ trẻ không hề biết rằng, thiếu hoạt động thể chất, thường xuyên căng thẳng, chế độ ăn uống không lành mạnh là những yếu tố chính gây ung thư vú

3 thói quen khiến người trẻ dễ mắc ung thư vú

(Ảnh minh họa)

Ung thư vú là bệnh ung thư phổ biến nhất đối với phụ nữ Hong Kong. Cơ quan đăng ký ung thư Hồng Kông ghi nhận 4.373 trường hợp ung thư vú xâm lấn trong năm 2017, tăng 6,5% so với 4.108 trường hợp của năm trước. Tuổi trung bình của những người mắc bệnh là 57.

Bác sĩ Yvonne Tsang Yee Yan, một chuyên gia về phẫu thuật tổng quát ở Hồng Kông cho biết những trường hợp như của Lee rất phổ biến. Trong số tất cả các trường hợp ung thư vú, ung thư di truyền chỉ chiếm 10 đến 15% các trường hợp. Cô nghi ngờ các yếu tố nguy cơ như lười vận động, sống căng thẳng và hút thuốc đang góp phần làm tăng số ca mắc bệnh.

Trong vòng 9 tháng, Annie trải qua điều trị hoá chất, phẫu thuật và xạ trị. May mắn, cô đã hồi phục và sống tốt suốt 5 năm qua.

Để chiến đấu với ung thư vú, Lee đã tham gia các lớp học đi bộ đường dài, chơi Pilates, chơi gôn, khiêu vũ đồng thời nhận được sự hỗ trợ từ những người đã vượt qua căn bệnh này.

3 thói quen khiến người trẻ dễ mắc ung thư vú

Lee mắc ung thư vú khi chỉ mới hơn 30 tuổi. 

Lee cũng may mắn nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ cơ quan, lãnh đạo đồng ý cho cô nghỉ phép trong suốt quá trình điều trị. Khi quay lại công việc, cô cũng được rút ngắn thời gian làm việc trong tuần và số giờ làm việc mỗi ngày.

Lee nói: “Hãy ưu tiên sức khỏe và cân bằng các nghĩa vụ trong cuộc sống. Đừng đánh đổi sức khỏe của mình để lấy của cải, đó là một thỏa thuận tồi”.

Phát hiện sớm đồng nghĩa với việc cơ hội đánh bại căn bệnh này rất cao. Bác sĩ Tsang trích dẫn tỷ lệ sống sót sau 5 năm của Tổ chức Ung thư Vú Hồng Kông là 97,5% đối với chẩn đoán giai đoạn 1.

Bác sĩ khuyên: “Phụ nữ ở mọi lứa tuổi nên tự kiểm tra vú hàng tháng, trong vòng một tuần sau kỳ kinh nguyệt. Những phụ nữ trẻ có triệu chứng nên siêu âm và xin lời khuyên của bác sĩ về việc có nên chụp quang tuyến vú hay không”.

5 triệu chứng của ung thư vú

Một khối u, cục u hoặc dày lên ở vú của bạn.

Những thay đổi trên da, chẳng hạn như nhăn nheo, lõm hoặc phát ban.

Khó chịu và dai dẳng hoặc đau ở vú hoặc nách.

Thay đổi hình dạng hoặc kích thước của vú.

Tiết dịch từ núm vú, phát ban núm vú hoặc thay đổi hình dạng của núm vú.

T. Linh (Theo SCMP)
Theo GĐVN