Thứ bảy, 18/01/2025 | 13:37
RSS

240 nhà khoa học lên án WHO phớt lờ khả năng Covid-19 lây qua không khí

Thứ hai, 06/07/2020, 10:35 (GMT+7)

239 nhà khoa học ở 32 quốc gia đã gửi một bức thư ngỏ tới WHO nói có bằng chứng cho thấy Covid-19 có thể lây lan qua aerosol (khí dung).

Sự kiện:
Covid-19

240 nhà khoa học lên án WHO phớt lờ việc Covid-19 lây qua không khí
240 nhà khoa học lên án WHO phớt lờ việc Covid-19 lây qua không khí

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từ lâu cho rằng virus corona chủ yếu lây lan qua những giọt bắn lớn từ đường hô hấp khi người bị nhiễm bệnh ho và hắt hơi. Những hạt này sẽ nhanh chóng rơi xuống đất.

Tuy nhiên, 239 nhà khoa học ở 32 quốc gia đã gửi một bức thư ngỏ tới WHO nói có bằng chứng cho thấy Covid-19 có thể lây lan qua aerosol (khí dung). Họ cũng kêu gọi WHO xem xét lại các khuyến nghị của mình. Bức thư này sẽ được công bố trên tạp chí khoa học trong một tuần tới, New York Times đưa tin ngày 5/7.

"Chúng tôi chắc chắn 100% về điều này", Lidia Morawska, Giáo sư chuyên về khoa học khí quyển và kỹ thuật môi trường, thuộc Đại học ông nghệ Queensland (Australia) đại diện cho 239 nhà khoa học, nói.

Theo nhận định của nhóm chuyên gia này, các giọt bắn có kích thước siêu nhỏ có thể lơ lửng trong không khí trong thời gian dài. Điều này khiến cho các môi trường khép kín như xe buýt và các không gian chật hẹp khác trở thành môi trường tiềm ẩn nguy cơ lây lan cao.

Lây truyền qua aerosol lý giải cho các hiện tượng "siêu lây nhiễm" được ghi nhận ở nhiều nơi trên thế giới như chuỗi lây nhiễm giữa các thực khách tại một nhà hàng ở Trung Quốc hay các thành viên một ban nhạc ở Washington, nhóm chuyên gia quốc tế nhấn mạnh.

Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 4/7 tuyên bố sẽ không tiếp tục thử nghiệm thuốc chống sốt rét hydroxychloroquine cũng như kết hợp các loại thuốc điều trị HIV là lopinavir/ritonavir trên các bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện do những loại thuốc này không hạn chế được tỷ lệ tử vong.

Tuyên bố của WHO nêu rõ: “Các kết quả thử nghiệm tạm thời cho thấy hydroxychloroquine và lopinavir/ritonavir có hiệu quả rất thấp, hoặc không thể làm giảm tỷ lệ tử vong của người mắc Covid-19 nhập viện khi so sánh với tiêu chuẩn chăm sóc. Các điều tra viên thống nhất sẽ ngừng hoạt động thử nghiệm ngay lập tức”.

Ngoài ra, WHO cũng đang nghiên cứu tác dụng tiềm tàng của thuốc kháng virus Remdesivir do hãng dược phẩm Gilead Sciences của Mỹ sản xuất đối với bệnh nhân Covid-19.

Kim Hảo (t/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN