Trước khi tìm hiểu về hội chứng Peter Pan, hãy cùng làm quen với nhân vật đặc biệt này. Chắc hẳn tuổi thơ ai cũng từng xem phim hoạt hình về không còn xa lạ với hình tượng chú bé Peter Pan. Peter Pan là cậu bé biết bay mãi mãi có hình hài của một đứa trẻ ở vùng đất Neverland trong cổ tích. Cùng với sự giúp đỡ của cô bé Wendy, nàng tiên Tinkerbell, Peter Pan đã nhiều lần chống lại bọn cướp biển độc ác và có những cuộc phiêu lưu kỳ thú.
Do không bao giờ lớn nên Peter Pan chỉ làm bạn với trẻ con, khi những đứa trẻ lớn lên, chúng sẽ quên người bạn này. Câu chuyện về Peter Pan và những người bạn đã khiến bao thế hệ trẻ nhỏ say mê. Thậm chí, các nhà làm phim còn không ít lần biến tấu hình tượng này khi cho Peter Pan trưởng thành nhưng quên hết về quá khứ.
Peter Pan không chỉ là nhân vật hoạt hình nổi tiếng mà còn là tên của một chứng bệnh lạ kỳ trên thực tế. Với nhiều người, hội chứng Peter Pan không hẳn là bệnh mà là một hiện tượng xã hội Nó ám chỉ những người tuy đã đủ tuổi trưởng thành nhưng tính cách và suy nghĩ vẫn như một đứa trẻ. Họ không chịu lớn, không chịu nhận trách nhiệm và đôi khi hồn nhiên, ngây thơ một cách quá đáng.
Những người bị chứng Peter Pan có thể đã lên chức ông bà, cha mẹ nhưng vẫn mang tư tưởng thích ăn bám, hay làm nũng với những người xung quanh và coi trọng việc vui chơi hơn hết thảy. Họ rất sợ phải cáng đáng công việc trong gia đình, gánh trách nhiệm ở nơi làm việc hay đơn giản là thừa nhận bản thân đã sai.
Những người mang tâm lý Peter Pan vì sợ ràng buộc và trách nhiệm nên thường trốn tránh chuyện yêu đương. Khác với những người bình thường, họ không thích một mối quan hệ dài lâu dù đó là hôn nhân. Hội chứng này còn thể hiện ở cách ăn mặc và sở thích. Người mang hội chứng này thích ăn mặc theo phong cách teen hay đua đòi theo các trào lưu của giới trẻ.
Hệ lụy đáng sợ nhất của hội chứng Peter Pan là một bộ phận không nhỏ người trưởng thành không có chí tiến thủ và tinh thần làm việc. Họ chỉ muốn hưởng thụ, chờ được giúp đỡ và ăn bám. Không khó bắt gặp những trường hợp có gia đình, cha mẹ đã già vẫn phải nai lưng kiếm tiền cho đứa con đã đến tuổi trung niên. Âu cũng một phần do lối sống bao bọc con cái thái quá của không ít bậc làm cha làm mẹ.