Gần đây, Zalo đã quyết định thu phí 5.000 đồng cho mỗi tin nhắn SMS khi người dùng đăng ký tài khoản mới hoặc 1.000 đồng cho mỗi tin nhắn SMS khi yêu cầu cấp lại mật khẩu. Điều đó gây bức xúc cho nhiều người dùng bởi trước đây, việc này hoàn toàn miễn phí.
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, việc thu phí người dùng đăng ký tài khoản mới được Zalo bắt đầu áp dụng từ vài ngày gần đây. Tuy nhiên thay vì công bố rõ ràng, nền tảng này lại "chơi chiêu" ép khéo người dùng phải nhắn tin đến đầu số dịch vụ di động để nhận mã kích hoạt và mất tiền.
Zalo thu phí tạo tài khoản mới gây bức xúc cho nhiều người dùng.
Hiện tại, Zalo vẫn chưa có phản hồi gì trước các thắc mắc của người dùng.
Trả lời PV Dân Việt, giảng viên quản trị kinh doanh chuyên gia công nghệ Dương Ngô Anh cho biết, việc Zalo thu phí tạo tài khoản mới và yêu cầu cấp lại mật khẩu có thể xuất phát từ nhiều lý do.
Thứ nhất, nhằm hạn chế tài khoản ảo và lạm dụng. Bởi nhiều người tạo tài khoản ảo để spam, lừa đảo hoặc sử dụng vào mục đích không chính đáng. Việc thu phí giúp hạn chế tình trạng này, vì mỗi lần tạo tài khoản mới phải trả tiền, làm giảm động cơ tạo hàng loạt tài khoản giả.
Trong khi theo Nghị định 163 về thi hành Luật Viễn thông, các dịch vụ viễn thông trên Internet phải xác thực người dùng qua số điện thoại hoặc thông tin định danh khác. Việc thu phí có thể giúp Zalo tuân thủ quy định này bằng cách xác thực số điện thoại chính chủ.
Thứ hai, nhằm tăng doanh thu và tối ưu hoạt động. Zalo là một nền tảng miễn phí, nhưng việc duy trì hệ thống cần chi phí lớn. Thu phí giúp Zalo có nguồn thu bù đắp chi phí vận hành, đặc biệt khi họ đang cố gắng phát triển dịch vụ theo mô hình kinh doanh bền vững hơn.
Thứ ba, hướng tới mô hình "freemium". Trước đó, Zalo đã áp dụng các gói thu phí cho doanh nghiệp và tài khoản cá nhân với nhiều tính năng nâng cao. Việc thu phí tạo tài khoản có thể là một bước trong chiến lược lâu dài để chuyển sang mô hình "freemium", nơi người dùng miễn phí bị giới hạn một số tính năng và phải trả phí để có trải nghiệm tốt hơn.
Thứ tư, giảm áp lực lên hệ thống. Tài khoản ảo và tài khoản không hoạt động gây lãng phí tài nguyên trên máy chủ. Thu phí giúp giảm số lượng tài khoản rác, tối ưu hóa hạ tầng và nâng cao chất lượng dịch vụ cho người dùng thực sự.
Tuy nhiên theo ông Dương Ngô Anh, việc đột ngột thu phí có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực. "Theo công bố của nền tảng này, Zalo hiện có 77,7 triệu người dùng thường xuyên hằng tháng, với 2 tỉ tin nhắn trao đổi hằng ngày. Nhưng việc thu phí có thể khiến nhiều người chuyển sang các ứng dụng miễn phí khác như Facebook Messenger, Telegram hoặc WhatsApp", vị chuyên gia công nghệ này nói.
"Với những người có thu nhập thấp, học sinh, sinh viên hoặc người lớn tuổi có thể bị ảnh hưởng khi họ không muốn hoặc không thể trả phí để tạo tài khoản. Vấn đề quan trọng có thể mất lòng tin của người dùng khi Zalo từng miễn phí nhiều năm nhưng gần đây liên tục có những chính sách thu phí".
Trước khi thu phí tạo tài khoản mới và cấp lại mật khẩu, Zalo đã ra chính sách giới hạn danh bạ tối đa 1.000 liên hệ, giảm dung lượng lưu trữ miễn phí từ 1GB xuống còn 500MB, đưa ra gói Zalo Business thu phí với một số tính năng nâng cao.
Theo chuyên gia công nghệ Dương Ngô Anh, việc thu phí tạo tài khoản (hoặc yêu cầu cấp lại mật khẩu) có thể mang lại lợi ích cho Zalo, nhưng đồng thời gây nhiều tác động tiêu cực đến người dùng.
Việc tiếp tục thu phí khi tạo tài khoản khiến người dùng cảm thấy Zalo đang ngày càng thương mại hóa và không còn là một nền tảng miễn phí thân thiện như trước. Điều này dễ làm mất lợi thế cạnh tranh khi các ứng dụng nhắn tin khác như Facebook Messenger, Telegram, Viber và WhatsApp đều miễn phí hoàn toàn khi tạo tài khoản. Nếu Zalo tiếp tục thu phí, người dùng có thể chuyển sang các nền tảng khác, làm giảm sức hút của Zalo trên thị trường. Các doanh nghiệp, cửa hàng đang sử dụng Zalo cũng có thể bị ảnh hưởng nếu khách hàng không còn muốn dùng Zalo để liên lạc
Một trong những lý do được đặt ra việc Zalo thu phí là hạn chế tài khoản ảo. Tuy nhiên, ông Dương Ngô Anh nhấn mạnh rằng, những người thực sự muốn tạo tài khoản ảo vẫn có cách lách luật, như dùng SIM rác (mua SIM giá rẻ để tạo tài khoản), sử dụng dịch vụ OTP ảo (nhiều trang web cung cấp số điện thoại ảo để nhận mã OTP), mua tài khoản Zalo đã tạo sẵn từ các nguồn không chính thống. Trong khi đó, người dùng thật lại là nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Thay vì thu phí, chuyên gia công nghệ Dương Ngô Anh đưa ra giải pháp: Zalo có thể áp dụng các biện pháp khác để hạn chế tài khoản ảo và tăng doanh thu như xác thực tài khoản bằng giấy tờ tùy thân (giống Facebook và Telegram làm với tài khoản doanh nghiệp), hay thu phí trên các tính năng nâng cao (thay vì tính phí khi tạo tài khoản), cộng thêm tăng cường kiểm duyệt và chống spam bằng AI thay vì dùng biện pháp thu phí.