Thứ sáu, 22/11/2024 | 08:53
RSS

Nam Định: Xót xa cảnh xế hộp tiền tỷ Mercedes E-Class bị nước biển 'chôn vùi'

Thứ hai, 24/06/2019, 10:41 (GMT+7)

Hai chiếc ô tô Mercede-Benz E-Class và Mitsubishi Triton bị ngập nước biển tại Cồn Mờ, Nghĩa Hưng, Nam Định vì chủ nhân mải đi chơi quên giờ thủy triều lên.

Theo Trí thức trẻ, chiều qua (22/6), hai chiếc ô tô Mercede-Benz E-Class và Mitsubishi Triton bị ngập nước biển tại Cồn Mờ, Nghĩa Hưng, Nam Định. Lý do được cho là chủ nhân mang xe ra  biển Cồn chơi, nhưng về quá muộn, nước biển dâng lên nhanh nên không kịp di chuyển xe lên.

Có thông tin hai chiếc xe đã được kéo lên bờ, với chi phí tổng chi phí kéo xe 20 triệu đồng. Một số người gần đó đã cảnh báo chủ xe về trước 3 giờ chiều, nhưng có vẻ như chủ xe không nghe theo lời khuyên.

Vụ việc đang gây được rất nhiều sự chú ý trên mạng xã hội Có người cho rằng, thiệt hại không dừng ở số tiền 20 triệu đồng, vì nước biển có muối, khi len lỏi vào khung gầm, động cơ, nội thất khiến các chi tiết kim loại nhanh bị ăn mòn, độ bền giảm nhanh chóng theo thời gian.

Bên cạnh đó, chủ xe cũng cần đem xe đi rửa cẩn thận để làm sạch nước biển. Dĩ nhiên, để rửa sạch hoàn toàn nước biển là điều không thể do đã len lỏi vào các ngóc ngách. Đó còn chưa kể tới chi phí thay mới một vài bộ phận.

Xót xa cảnh xế hộp tiền tỷ Mercedes E-Class bị nước biển cồn Vành 'chôn vùi'
Hình ảnh từ vụ việc. Ảnh: Autopro

Xe bị ngập nước thiệt hại vô cùng lớn. Theo ông Hà Minh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty AnyCar, chuyên kinh doanh xe cũ, nước đã đến nắp capo thì động cơ, hút gió cũng bị ngập. Khi đó, nước lọt vào trong các xy-lanh, thông qua hốc gió, hoặc hệ thống xả và nằm lại đó.

Cho dù xe có được mang đi xưởng để xử lý, nước đã được rút sạch ra khỏi xy-lanh, thì vẫn có nguy cơ xy-lanh “ngậm” nước, nổ máy vẫn có thể bị hiện tượng thủy kích. Nếu xe bị thủy kích thì nhẹ nhất cũng phải dỡ máy, thay tay biên và nặng là lốc máy vị vỡ, nứt thì phải thay động cơ.

Trường hợp không bị thủy kích, nhưng nguy cơ xy-lanh “ngậm” nước, cũng sẽ làm cho lòng xy-lanh có thể bị gỉ. Như vậy, động cơ sẽ "uống xăng như uống nước" và hoạt động không ổn định.

Ngoài động cơ, các bộ phận khác cũng thiệt hại vô cùng lớn. Nước sẽ phá hỏng hoặc gây trục trặc các bộ phận điện của xe. Hệ thống dây điện chạy quanh thân xe, các đầu nối sẽ bị nước thâm nhập, đặc biệt ở khu vực bệ trung tâm, để lại nhiều hậu quả sau này.

Bệ trung tâm là khu vực chứa rất nhiều hệ thống điều khiển phức tạp như hộp số, hệ thống điều khiển đa năng thông minh, đàm thoại, túi khí,... khi bị ngập nước sẽ dẫn đến các hậu quả lâu dài  như hoạt động trục trặc, tín hiệu không chính xác, dễ bị chập cháy.

Các bộ phận điều khiển bị ngập sớm nhất chính là những công tắc điều khiển ghế. Nước thâm nhập sẽ làm hỏng các mô-tơ, làm tê liệt bộ phận điều khiển ghế ngồi với xe có ghế ngồi điều chỉnh điện.

Cánh cửa xe bị ngập nước sẽ đọng rất nhiều nước bên trong, ảnh hưởng đến hệ thống loa và dây dẫn. Hệ thống chiếu sáng cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Cho dù có hút sạch nước và sấy khô, khả năng xảy ra các rủi ro sau này như đường dây bị chập cháy, hở, bị ăn mòn tại các tiếp điểm là khó tránh khỏi.

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN