Thứ sáu, 22/11/2024 | 00:26
RSS

Xét tuyển bằng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế: Rộng cửa đầu vào đại học

Thứ hai, 04/01/2021, 09:18 (GMT+7)

Mùa tuyển sinh 2021, nhiều trường ĐH cho biết vẫn duy trì đa dạng các phương thức tuyển sinh. Trong đó, không ít trường ĐH ưu tiên thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (được cộng thêm điểm thành phần vào kết quả xét tuyển hoặc xét tuyển thẳng). Xu hướng tuyển sinh này đang được nhiều thí sinh lựa chọn.

Nhiều ưu tiên chứng chỉ ngoại ngữ trong tuyển sinh đại học Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Tại Việt Nam, IELTS được coi là một trong những chứng chỉ hiện được nhiều trường ĐH sử dụng làm tiêu chuẩn đầu vào hoặc điều kiện tốt nghiệp với học sinh, sinh viên.

Theo thống kê của Đề án tuyển sinh năm 2020 cho thấy, có tới 13 trường ĐH mở rộng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển với chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (IELTS ở mức 5.0 - 6.5 điểm). Đơn cử, Trường ĐH Ngoại thương xét tuyển thẳng HS có chứng chỉ quốc tế IELTS 6.5 trở lên + điểm 3 năm học với HS chuyên Toán, Lý, Hóa, Văn và ngoại ngữ trong hệ thống trường THPT chuyên trong cả nước hoặc chứng chỉ quốc tế IELTS 6.5 trở lên + điểm thi THPT học sinh không chuyên.

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng tuyển thẳng thí sinh có Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, cụ thể: IELTS 6.5 trở lên /TOEFL ITP 550 trở lên/TOEFL iBT 90 trở lên và có tổng điểm thi THPTQG năm 2020 của môn Toán và 1 môn bất kỳ (trừ môn Tiếng Anh) đạt từ 14 điểm trở lên (gồm điểm ưu tiên) sẽ được ưu tiên xét tuyển.

ĐH Bách khoa Hà Nội: Xét tuyển thẳng và xét tuyển ưu tiên thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS đạt từ 5.5 trở lên (hoặc quy đổi tương đương đối với các chứng chỉ khác) được cộng điểm khuyến khích vào tổng điểm xét tuyển (quy về thang điểm 30) cho các ngành, chương trình đăng ký xét tuyển với tổ hợp xét tuyển không có môn tiếng Anh. Mức cộng tối đa 2 điểm đối với các tổ hợp môn xét tuyển không có môn tiếng Anh và tối đa 1 điểm đối với các tổ hợp môn xét tuyển có môn tiếng Anh.

Ngoài chứng chỉ tiếng Anh IELTS, một vài năm trở lại đây, chứng chỉ tiếng Anh SAT (Scholastic Aptitude Test) cũng được nhiều thí sinh lựa chọn. Đây là một trong những kỳ thi chuẩn hóa cho việc đăng ký vào một số trường ĐH của Mỹ. Đơn cử như với việc tuyển sinh vào các trường thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, yêu cầu đặt ra là thí sinh có kết quả SAT đạt điểm từ 1100/1600 hoặc 1450/2400 trở lên (chứng chỉ còn hạn sử dụng trong khoảng thời gian 2 năm kể từ ngày dự thi tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển)…

Đại diện trường ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, quốc tế hóa giáo dục là một xu hướng phát triển chung của các trường ĐH thế giới và Việt Nam. Đây là một xu thế tất yếu góp phần nâng cao chất lượng, trải nghiệm học tập toàn cầu. Thông qua các phương thức xét tuyển ĐH năm 2020, ĐH Quốc gia Hà Nội đã và đang trong quá trình thúc đẩy hội nhập giáo dục ĐH ở Việt Nam với nền giáo dục thế giới. Việc đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục qua những phương thức xét tuyển ĐH mới giúp nâng cao chất lượng đầu vào, qua đó sinh viên nhà trường giỏi ngoại ngữ, thành thạo kỹ năng cơ hội học tập trong môi trường quốc tế ngay tại Việt Nam.

Việc các trường dành chỉ tiêu để xét tuyển học sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế hoặc tuyển thẳng ngoài mục tiêu lựa chọn số học sinh giỏi giúp các thí sinh giỏi tiếng Anh có thêm nhiều cơ hội khi xét tuyển vào các trường, ngành học có tính cạnh tranh cao. Hơn nữa, khi ra trường các em rất dễ cạnh tranh với nguồn nhân lực quốc tế, cơ hội việc làm luôn rộng mở.

Dung Hòa
Theo Đại đoàn Kết