Xe ô tô nhập khẩu năm 2018 khó giảm giá như mong đợi.
Năm 2018, khi thuế nhập khẩu nội khối ASEAN về 0%, mức giá sau thuế của một số dòng xe có thể giảm, tuy nhiên giá lăn bánh khó giảm vì thuế trước bạ có thể tăng kịch trần.
Ở phân khúc xe hơi bình dân, nhiều thương hiệu ô tô trong nước đã dần chuyển dịch cơ cấu từ lắp ráp sang nhập khẩu nguyên chiếc những mẫu xe ăn khách từ Thái Lan, Indonesia… Điển hình nhất là Toyota Việt Nam liên doanh này đã chuyển mẫu xe SUV ăn khách Fortuner sang nhập khẩu từ đầu năm 2017 hay. Honda Việt Nam cũng đã chuyển sang nhập khẩu Civic và mới đây là CR-V từ Thái Lan. Đây cũng là động thái được dự báo trước khi các hiệp định thương mại có hiệu lực từ 1/1/2018, theo báo giao thông
Khi các hiệp định ưu đãi thuế quan Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) được áp dụng năm 2018 thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc sẽ được giảm về 0% đối với các mẫu xe đạt yêu cầu. Nhiều người tiêu dùng trong nước cũng kỳ vọng đây sẽ là thời điểm thích hợp để sở hữu xe hơi khi lượng cung cũng như mẫu mã xe dồi dào và đa dạng.
Tuy nhiên, Nghị Định 116/2017/NĐ-CP với nhiều rào cản về mặt kỹ thuật được dựng lên để bảo vệ công nghiệp sản xuất ô tô trong nước đã khiến gió xoay chiều. Quy định khó nhất đối với xe nhập khẩu là quy định phải kiểm định theo từng lô xe được nhập về Việt Nam. Theo đánh giá, với quy định này một số mẫu xe nhập khẩu trong khu vực dự kiến trước đây sẽ giảm giá mạnh khi thuế về 0% sẽ không còn nhiều lợi thế.
Bên cạnh đó, theo Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho rằng đến năm 2018, không phải tất cả dòng xe đều đạt được tỷ lệ nội địa hóa 40% trong nội khối ASEAN để hưởng mức thuế nhập khẩu ưu đãi từ 0-5%, Tri thức trực tuyến đưa tin.
Ngoài ra, giá bán xe hơi còn chịu ảnh hưởng của các loại thuế khác như TTĐB, phí trước bạ và các loại phí khác. Vì vậy việc giảm thuế nhập khẩu nhưng nếu tăng các loại phí khác thì giá xe cũng không thể giảm.
Ở góc nhìn chuyên gia, ông Nguyễn Mạnh Thắng, quản trị diễn đàn Otofun cho rằng: "Khi chính sách thuế giảm, đồng nghĩa với ngân sách bị thâm hụt. Chính phủ sẽ phải cân đối thu chi để đảm bảo cân bằng ngân sách. Vì vậy giá xe có thể giảm, nhưng tổng số tiền để sở hữu chiếc xe thì không thể giảm".
Năm 2018, khi thuế nhập khẩu nội khối ASEAN về 0%, tuy nhiên Nghị định 140/2016/NĐ-CP về phí trước bạ được Chính phủ ban hành áp dụng từ ngày 1/1/2017, từ năm 2018, quy định các địa phương có thể tăng phí trước bạ từ 10% như hiện nay lên mức 15%.
Đối với Hà Nội phí trước bạ có thể tăng lên từ 17-18% thay vì mức 12% như hiện nay. Vì vậy, giá trước khi đăng ký có thể giảm nhưng mức giá lăn bánh thực tế của xe có thể không giảm, thậm chí tăng.