Chủ nhật, 19/01/2025 | 15:12
RSS

Xe khách đâm xe PCCC trên cao tốc: Cả hai xe đều có lỗi

Thứ tư, 21/03/2018, 14:22 (GMT+7)

Nguyên Phó trưởng Phòng Hướng dẫn luật, điều tra, xử lý TNGT nói về vụ tai nạn giữa xe PCCC và xe khách.

Xe khách đâm xe PCCC trên cao tốc: Cả hai xe đều có lỗi
Xe khách đâm xe PCCC trên cao tốc: Cả hai xe đều có lỗi

Đại tá Trần Sơn, nguyên Phó trưởng Phòng Hướng dẫn luật, điều tra, xử lý tai nạn giao thông (Cục CSGT - Bộ Công an).

Liên quan đến vụ tai nạn giữa xe PCCC và xe khách trên tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ hôm xảy ra hôm 18/3, nhiều cuộc tranh luận nổ ra trên mạng xã hội về hành vi điều khiển của tài xế cả hai xe tại thời điểm xảy ra tai nạn. 

Trước câu hỏi, xe PCCC nhập làn cao tốc có đúng luật? tài xế xe xử lý như vậy có gây nguy hiểm? Đại tá Trần Sơn, nguyên Phó trưởng Phòng Hướng dẫn luật, điều tra, xử lý tai nạn giao thông (Cục CSGT - Bộ Công an) cho biết, tại điều 26 của luật GTĐB khi lưu thông trên đường cao tốc, các phương tiện thường được cho phép chạy với tốc độ rất cao, cụ thể tại cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ tốc độ chạy tối đa cho phép lên tới 100km/h.

"Trong điều kiện trời mưa mặt đường trơn trợt và tầm nhìn hạn chế, xe được chạy tới 100km/h thì người lái xe cứu hỏa dù được quyền ưu tiên nhưng cũng phải hết sức thận trọng chấp hành quy định khi nhập làn vào đường cao tốc, phải chú ý quan sát, phải đi vào làn đường theo quy định rồi mới được lưu thông bình thường. Qua clip ghi lại vụ tai nạn, có thể thấy rõ ràng lái xe cứu hỏa thiếu chú ý quan sát và chủ quan!" - ông Sơn nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Sơn cũng nhận định, do xe PCCC đi vào đường cao tốc không đi vào làn đường khẩn cấp mà đi hẳn sang làn đường dành cho phương tiện lưu thông với tốc độ cao nhất "tức là làn đường số 1" nên xe khách lao đến và không xử lý kịp do vậy đã đâm trực diện vào bên phải của xe cứu hỏa.

Nhiều người cũng bày tỏ thắc mắc, trong trường hợp đột ngột phát hiện xe PCCC, lái xe tải nên làm gì? Phải phanh hay đánh lái tránh? Phanh gấp có lật xe không? Đánh lái tránh có nguy hiểm hơn không vì xe sau có thể đâm vào. Hiện nay có thông tin xe khách chạy dưới 100km, không quá tốc độ, vậy nguyên nhân cú đâm này do đâu? Lái xe khách không chú ý quan sát không xử trí kịp hay xe PCCC sang đường quá đột ngột?

Đại tá Sơn bày tỏ quan điểm, khi phát hiện cự ly quá gần và đường trơn như vậy nếu đánh lái thì xe có thể lộn nhiều vòng. Trong trường hợp này, lái xe khách bị giật mình khi xe cứu hỏa đột ngột đi vào đường cao tốc như vậy, người lái xe khách đã không kịp xử lý. Ông Sơn nói thêm, xe khách đang chạy với tốc độ cao, đường trơn như vậy mà phanh gấp thì cũng không thể lường trước được hậu quả!

Trong vụ này, cơ quan điều tra phải xác định được tốc độ xe khách tại thời điểm xảy ra tai nạn, xe PCCC có phát đủ tín  hiệu báo hiệu quyền ưu tiên hay không, đại tá Sơn nói.

Cơ quan điều tra cần phối hợp với cơ quan giao thông để khám nghiệm hiện trường, điều tra, lấy lời khai của các bên có liên quan, lấy lời khai của nhân chứng chứng kiến vụ việc. Cuối cùng, dựa trên cơ sở video clip của các phương tiện giao thông ghi lại được, từ đó phân tích rồi mới tổng hợp tất cả những bằng chứng đã thu thập để xác định nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn và lỗi của từng bên.

Đây là vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Theo tôi cả 2 xe đều có lỗi, còn bên nào lỗi nghiêm trọng hơn thì còn phải chờ kết quả điều tra của cơ quan CSĐT!, vị Đại tá cho hay.

Cuối cùng, Đại tá Sơn kết luận, về lý thuyết trên đường cao tốc được chạy 100km/giờ, các xe thường phải giữ khoảng cách nhau 100m. Nếu xe khách thực hiện đúng điều đó sẽ nhìn thấy xe cứu hỏa đang đi ngược chiều từ xa để nhường đường hoặc giảm tốc độ. Về phía xe PCCC, cũng cần phải tuân thủ quy tắc đó, trước khi nhập làn và đối đầu xe ngược chiều phải tính toán được khoảng cách an toàn chứ không phải vì thực hiện quyền ưu tiên mà không giữ khoảng cách theo quy định" - ông Sơn nhấn mạnh.


Xem thêm: 
Xác định lỗi trong vụ xe cứu hỏa va chạm xe khách ở cao tốc

Hoàng Nam- Huyền Trang
Theo báo Giao thông