Nói về sự hình thành vụ trụ, đa số các nhà nghiên cứu cho rằng vũ trụ được hình thành từ một vụ nổ được gọi là Big Bang xảy ra cách ngày nay hơn 13 tỉ năm. Sau vụ nổ kinh hoàng này, vũ trụ từ một điểm tồn tại ở trạng thái đặc đã trở nên rất nóng và giãn nở với tốc độ nhanh. Sau đó, nhiệt độ lạnh của vũ trụ đã khiến năng lượng bức xạ chuyển đổi thành rất nhiều hạt proton, electron và neutron.
Khác với sự nhanh chóng hình thành nên những hạt hạ nguyên tử này, phải mất hàng nghìn năm sau vụ nổ Big Bang, vũ trụ mới xuất hiện những nguyên tử trung hòa điện. Hidro là nguyên tố đầu tiên. Cùng với nó là liti và heli với số lượng nhỏ. Các siêu đám thiên hà, các thiên hà và các ngôi sao… tiếp đó mới được hình thành lên bởi sự hội tụ của các đám mây siêu khổng lồ chứa những nguyên tố nguyên thủy.
Vậy vũ trụ hình gì? Với việc sử dụng suy luận logic, các nhà khoa học đều cho rằng vũ trụ có giới hạn. Nhà thiên văn học Luminet công tác ở đài Thiên văn Paris đã cho rằng vũ trụ có hình dạng hoàn hảo như một quả bóng với 12 mặt. Tuy nhiên, Janna Leven - nhà khoa học đến từ trường ĐH Columbia (NewYork) lại cho rằng vũ trụ có dạng hình hộp chữ nhật.
Nhóm các nhà thiên văn thuộc Viện Nghiên cứu Vật lý Phân tử Vũ trụ (ĐH Innsbruck, Áo) do TS Markus Haider đứng đầu lại cho rằng vũ trụ tồn tại dưới mạng lưới lưới như mạng nhện bởi những vật chất trong sợi tơ. Ông Haider và
cộng sự đã sử dụng dữ liệu từ dự án Illustris để tìm hiểu chi tiết mạng lưới trong vũ trụ và mô phỏng trên máy tính sự hình thành, tiến hóa của các dải ngân hà, từ đó các nhà khoa học có thể tính toán lượng sợi tơ cũng như các dải ngân hà ở trong đó.
Các kết quả nghiên cứu trên đều thể hiện các quan điểm khác nhau của các nhà khoa học trong quá trình đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi Vũ trụ hình gì. Tuy nhiên, cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về hình dạng thực sự của nơi được gọi là vũ trụ.