Thứ năm, 28/03/2024 | 20:17
RSS

Vụ trâu chọi húc chủ ở Đồ Sơn: Lời kể của vợ nạn nhân chứng kiến cảnh chồng mình bị trâu húc chết

Thứ ba, 04/07/2017, 10:52 (GMT+7)

Sau 10 năm chăm đấu ngưu thuê, ông Hướng lần đầu đăng ký tham gia lễ hội. Thế nhưng dường như lần đầu là lần cuối ông được tham gia lễ hội chọi trâu này.

Tối ngày 2/7, không khí gia đình Đinh Xuân Hướng (phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, Hải Phòng) dường như chùng lại. Cái chết của người chủ bị trâu húc khiến nhiều người thực sự bàng hoàng.

Theo chia sẻ của bà Đỗ Thị Phương (SN 1976, vợ ông), bà dường như vẫn chưa hết bàng hoàng trước sự ra đi của chồng. Bà Phương cũng chính là người chứng kiến cái giây phút định mệnh chú trâu số 18 dùng sừng húc tung chồng bà bên không trung. Ở trên khán đài, bà dường như chết lặng.

Trâu húc chết người\

Hình ảnh chú trâu húc chết người ở Đồ Sơn. Ảnh Tri Thức Trực Tuyến

Bà Phương chia sẻ rằng, lúc đầu khi thấy trâu húc chồng mình bà còn tưởng là nó húc nhầm. Thế nhưng sau đó con trâu tiếp tục quay lại húc, quăng quật. Khi người ta khiêng ông Hương ra khỏi rào chắn, chân bà như dính phải keo và không thể nào nhấc lên nổi.

Được biết, khi đưa vào bệnh viện Việt – Tiệp, y bác sĩ kết luận ông Hướng bị đa chấn thương, vết thương ở đùi quá sâu không thể cầm máu. Ông Hướng đã chết lâm sàng và không có cơ hội chữa trị.

Nói về chú trâu số 18 được ông Hướng chăm sóc, bà Đinh Thị Hường (54 tuổi, chị gái ông Hướng) cho biết em trai bà mua lại ở miền Tây Nam Bộ từ năm 2016. Có hơn 10 năm kinh nghiệm nuôi trâu chọi thuê nhưng đây là lần đầu tiên ông Hướng đứng tên đăng ký chủ trâu.

Quản ngưu bị trâu húc chếtChị gái của ông Hướng kể lại câu chuyện. Ảnh Tri Thức Trực Tuyến

Bà Hường cũng như người dân xung quanh kể, trong quá trình nuôi con trâu số 18, ông Hướng đầu tư rất nhiều thời gian và tiền của. Hàng ngày, người chủ thường xuyên phải cho người đi cắt cỏ cho trâu ăn, cho trâu tập luyện, cho xuống sông bơi. Thậm chí, trâu chọi còn thường xuyên cho ăn mía, sâm và các loại thuốc bổ.

Bà Phương, vợ ông Hướng có chia sẻ rằng, cách thời điểm diễn ra lễ hội 2 tháng, ông Hướng còn thường xuyên mua nước mía về cho trâu uống, đi hàng chục km để cắt cỏ cho trâu ăn. Cách ngày chọi 2 tháng, thời điểm quan trọng, ông Hướng lúc nào cũng kè kè bên cạnh để chăm sóc, bồi bổ, mong ngày xuất trận.

Được biết, trâu số 18 được ông Hướng và bạn mua ở miền Tây với giá 100 triệu vào cuối năm 2016. Trâu có ngoại hình đẹp, cặp sừng rộng, to và rất dũng mãnh. Chú trâu này đã hạ 5 đối thủ tại cuộc tuyển chọn trong Nam đều bằng đòn "móc hàm". Khi đưa về nuôi, thời gian đầu, trâu rất dữ, hễ thấy ai mặc áo sặc sỡ, đặc biệt màu đỏ, vàng lại gần, cho dù cả chủ là nó vùng lên đòi tấn công. Theo thời gian, trâu thuần và tỏ ra hiền lành.

Theo lời bà Phương, trước ngày thi đấu ông Hướng có bảo chú trâu chọi này có vấn đề. Khi bước vào cuộc thi, khi thấy cờ màu đỏ chú trâu dường như “nổi điên” và không kiểm soát được. Ông Hướng còn phải xin vào mang dây thừng buộc trâu ra đình để trình.

Được biết, sau khi ông Hướng xảy ra vụ việc, bà Phương đã ủy quyền cho người mua chung trâu với chồng mình để giải quyết. Sau khi chú trâu bị bắn hạ để lấy mẫu xét nghiệm, người bạn của ông Hướng đã làm đơn lên phường, quận, ban tổ chức xin hỗ trợ 86 triệu đồng. Sau đó, người này tiếp tục làm đơn xin hỗ trợ thêm nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi.

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được khôi phục (năm 1999) đến nay chưa bao giờ xảy ra trường hợp trâu húc chủ như lần này. Những ngày qua, người dân Đồ Sơn bàn tán rất nhiều nhưng không ai có thể lý giải được. Hiện tại, người dân chỉ trông chờ vào kết luận của các cơ quan chức năng.

Mai An (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN