Thứ sáu, 29/03/2024 | 20:07
RSS

Vụ cô gái bị bạn trai đánh biến dạng: Có phạm thêm tội bắt giữ người trái pháp luật?

Thứ năm, 05/01/2017, 15:29 (GMT+7)

Liên quan đến vụ cô gái bị bạn trai đánh bầm dập, luật sư Hoàng Tùng phân tích, hành vi này có nhiều tình tiết tăng nặng do trước đó nghi phạm đã từng phạm trọng tội và đánh đập cô gái nhiều lần.

Như Đời sống Plus đưa tin, ngày 3/1/2017, chị Hà Thị H., 24 tuổi (hộ khẩu tại huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) đến trụ sở Công an phường Ngọc Khánh tố cáo việc: Chị có quen anh Đ. (32 tuổi, hiện ở phố Đào Tấn, Hà Nội). Sau một thời gian quen nhau thì chị H. quyết định chia tay vì không hợp nhưng anh Đ. liên tục đeo bám, ép chị phải nối lại tình cảm.

Đỉnh điểm, anh Đ. đã dùng dây điện, đèn pin hành hạ chị H. thâm tím người khiến chị hoảng sợ, bỏ trốn khỏi nhà anh Đ. và đến Công an phường Ngọc Khánh trình báo. Công an phường cho biết đã đưa chị H. đi giám định thương tật đồng thời đang tiến hành làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật

cô gái bị bạn trai đánh biến dang

Luật sư Hoàng Tùng

Từ chia sẻ của nạn nhân, từ thông tin báo chí đăng tải luật sư Hoàng Tùng (thuộc Văn phòng Luật sư Trung Hòa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) có bài phân tích, nhận định và để bạn đọc cùng tham khảo:

Trước hết, theo chị H. kể thì anh Đ. đã tác động trái pháp luật đến thân thể gây tổn hại cho sức khỏe của chị H. xâm phạm đến quyền được bảo vệ sức khỏe của con người mà Hiến pháp đã quy định và tại Điều 104 – Bộ Luật hình sự tội Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác​.

Về nguyên tắc thì mọi hành vi tác động trái pháp luật đến thân thể của người khác mà gây thiệt hại về sức khỏe cho họ đều được coi là hành vi trái pháp luật trừ một số trường hợp do phòng vệ chính đáng, trong phạm vi yêu cầu của tình thế cấp thiết,... Hậu quả nguy hiểm của tội phạm đã để lại những vết thương đó là những vết bầm tím khắp tay chân làm suy giảm sức khỏe của chị H.

cô gái bị bạn trai đánh biến dạng kêu cứu

Cô gái bị bạn trai đánh biến dạng, bầm tím khắp người. Ảnh Quỳnh Anh

Bên cạnh đó Anh Đ. còn dùng đèn pin 3 khúc để đánh chị H. Hành vi này thì theo quy định tại mục 3.1 của Nghị Quyết số 01/2006/ NQ-HĐTP ngày 12/05/2006 của HĐTP TANDTC và mục 2.1, 2.2 mục 2 Phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/04/2003 của HĐTP TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự.

“Phương tiện nguy hiểm” là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khoẻ của người bị tấn công.

Về vật có sẵn trong tự nhiên, ví dụ: gạch, đá, đoạn gậy cứng, chắc, thanh sắt...”.

Chân dung kẻ đánh cô gái biến dạng

Chân dung kẻ đánh bạn gái bầm dập. Ảnh Quỳnh Anh

Như vậy, anh Đ. dùng đèn pin là vật cứng - phương tiện nguy hiểm để đánh, hành hung chị H thì thuộc trường hợp dùng hung khí nguy hiểm theo hình thức tăng nặng để định khung hình phạt cho tội danh.

Vì chưa có kết quả giám định chính xác tỉ lệ thương tật của chị H. nên không thể định khung hình phạt nào cho anh Đ.

Ngoài ra, anh Đ. còn nhiều lần gây thương tích cho chị H. thuộc trường hợp phạm tội nhiều lần với cùng một người trong suốt thời gian quan hệ tình cảm từ tháng 06/2016 đến khi chị H. ra trình báo với Công an phường Ngọc Khánh là cuối tháng 12/2016.

Thời gian vụ việc xảy ra mới được gần 6 tháng. Và tất cả những lần phạm tội anh Đ. chưa bị xử lý vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự (5 năm đối với tội ít nghiêm trọng; 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng).

Cũng theo chị H. chia sẻ với báo chí thì, tối 21/12/2016 anh Đ. nhốt chị trong nhà vừa đánh bằng dây điện vừa bắt quỳ đến sáng. Với hành vi này thì tại Khoản 1, Điều 123 Bộ Luật hình sự quy định về hành vi bắt, giữ, giam người trái pháp luật: “Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.

Hành vi anh Đ. nhốt chị H. trong nhà cho đến sáng là hành vi bắt, giữ người trái pháp luật xâm phạm đến một trong các quyền tự do cá nhân quan trọng nhất của người công dân đó là quyền tự do về thân thể do pháp luật quy định. Anh Đ. đã cố ý dùng vũ lực và nhốt được chị H. trong nhà để bắt, giữ người trái pháp luật.

Cùng với đó, chị H. cho biết bị anh Đ. nhiều lần ép buộc chị phải quan hệ tình dục. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 113 - Bộ Luật hình sự: “Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm” và điểm b khoản 2 cùng Điều luật trên.

Từ lời kể của nạn nhân có thể thấy anh Đ. có dấu hiệu dùng mọi thủ đoạn để ép buộc chị H. phải đồng ý giao cấu với mình như tìm đến bạn bè, gia đình của chị H. để dọa nạt; cắt lông mi, thắt cổ, xả nước nóng vào mặt để hủy hoại nhan sắc của chị và sự việc đó cứ lặp đi lặp lại đến 3-4 lần; Nhiều lần chị định báo công an nhưng do anh ấy dọa nếu báo thì sẽ giết bạn bè, gia đình và các con chị.

Cùng với đó, anh Đ. là cố ý tạo ra tình trạng chị H. không thể tự mình có thể cắt đứt được mối quan hệ tình cảm giữa 2 người như sẽ tung ảnh quan hệ tình dục lên mạng cho mọi người biết và còn đe dọa sẽ giết người thân trong gia đình làm cho chị cảm thấy xấu hổ và  rất sợ hãi.

Bên cạnh đó, anh Đ. còn hứa hẹn sẽ không đánh đập chị nữa để khống chế tư tưởng nạn nhân. Và anh Đ. đã thực hiện hành vi này với lỗi cố ý trực tiếp, nhận thức rõ hành vi là nguy hiểm cho xã hội và thấy trước được hậu quả xảy ra là xâm phạm đến danh dự nhâm phẩm của chị H mà vẫn thực hiện.

Ngoài ra, anh Đ. thực hiện tất cả hành vi đối với chị H. là lỗi cố ý và vừa mới chấp hành xong hình phạt tù 12 năm tù về tội giết người (tội rất nghiêm trọng). Theo khoản 2 Điều 49 - Bộ Luật hình sự: “Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:

a) Đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;

b) Đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý”.

Vì thế, anh Đ. tái phạm nguy hiểm là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo Điều 48 - Bộ Luật hình sự.

Trách nhiệm của xã hội trong phòng chống Bạo lực gia đình

Thực trạng vấn đề Bạo lực gia đình đang là vấn đề nóng và có chiều hướng gia tăng, gây tổn hại đến tính mạng, nhân phẩm người phụ nữ và tan vỡ hạnh phúc gia đình. Để thể hiện rõ chức năng, vai trò của tổ chức Hội đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng cho phụ nữ và trẻ em, Hội LHPN xã, phường cần tích cực tham gia thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình, tập trung vào một số vấn đề như sau:

Một là, trung đẩy mạnh công tác tham mưu với Đảng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-TW của Bộ Chính trị về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước” và đẩy mạnh thực hiện Luật Bình đẳng giới; xây dựng chương trình hành động và phối hợp với các ngành, đoàn thể hướng dẫn triển khai thực hiện Luật Phòng chống bạo lực gia đình cho hội viên, đoàn viên tại địa phương.

Tham mưu xây dựng thí điểm mô hình địa chỉ tin cậy ở cộng đồng theo Luật phòng chống bạo lực gia đình; thành lập mô hình nhà tạm lánh  để bảo vệ phụ nữ; đồng thời đề xuất với chính quyền áp dụng hình thức xử phạt đối với những trường hợp xãy ra BLGĐ nghiêm trọng gây nguy hại cho phụ nữ.

Hai là, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình; giáo dục truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; tổ chức tập huấn cho đội ngũ tuyên truyền viên về nội dung cơ bản của Luật phòng chống bạo lực gia đình;

Phối hợp đưa tin tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về Bình đẳng giới, về phòng chống bạo lực gia đình trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ phụ nữ, sinh hoạt Câu lạc bộ... cho cán bộ, hội viên, phụ nữ.

Thực hiện tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực và can thiệp, bảo vệ giúp nạn nhân bị BLGĐ ổn định cuộc sống.

Ba là, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, với ngành Tư pháp, Công an trong công tác tuyên truyền, vận động, nắm tình hình và tham gia giải quyết các vụ bạo lực gia đình có liên quan đến phụ nữ xảy ra trên địa bàn.

Nắm tình hình các gia đình tại địa bàn thông qua hoạt động của tổ chức Hội phụ nữ và công tác quản lý nhân khẩu của chính quyền địa phương để kịp thời phát hiện dấu hiệu, nguy cơ bạo lực gia đình để tuyên truyền, vận động.

Khi có bạo lực gia đình xảy ra tại địa bàn dân cư, cán bộ Hội phải kịp thời có mặt tại nơi xảy ra bạo lực, thông báo với tổ hòa giải và chính quyền, công an. Nếu vụ bạo lực gia đình ở mức phải đưa ra pháp luật, Hội phụ nữ hãy thể hiện được vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho phụ nữ. Nếu đưa ra pháp luật xử lý ly hôn thì cán bộ Hội là người tư vấn, hướng dẫn chị em viết đơn gửi đến nơi thẩm quyền giải quyết.

Bốn là, Chủ tịch Hội phụ nữ xã, phường khi thực hiện nhiệm vụ về phòng, chống BLGĐ, phải nghiên cứu kỹ các văn bản luật pháp để có kiến thức chuyên sâu và phương pháp làm việc; chú trọng bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ Hội làm công tác tư vấn, hòa giải tại cộng đồng, giúp chị em có kiến thức và kỹ năng thực hành trong các hoạt động tiếp cận, tư vấn và hỗ trợ nạn nhân để hoạt động hỗ trợ đạt hiệu quả tốt hơn.

Phòng chống bạo lực gia đình là một nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; trước hết mỗi thành viên trong gia đình phải có ý thức xây dựng gia đình; sự quan tâm vào cuộc thực hiện tốt Luật phòng chống Bạo lực gia đình của các cấp, các ngành, các tổ chức, các đoàn thể và cộng đồng xã hội; trong đó vai trò của Hội LHPN trong việc tuyên truyền giáo dục hội viên phụ nữ thực hiện tốt việc phòng chống bạo lực gia đình sẽ góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình văn hóa.

Nguyễn Nghĩa
Theo Đời sống Plus