Chủ nhật, 19/01/2025 | 09:30
RSS

VTV ém bản quyền World Cup 2018 để làm giá?

Thứ hai, 04/06/2018, 15:29 (GMT+7)

Cho đến trưa ngày 3/6, VTV vẫn khẳng định chưa đạt được thỏa thuận mua bản quyền phát sóng Vòng chung kết World Cup 2018. Trong khi đó, website của Infront Sports & Media đã hiện tên Việt Nam trong danh sách 26 nước châu Á sở hữu bản quyền truyền hình ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.

Đối tác đã chốt

Chỉ còn hơn 10 ngày nữa World Cup 2018 sẽ chính thức lăn bóng tại Nga. Cho đến thời điểm hiện tại, chưa một đài truyền hình nào ở Việt Nam chính thức thông báo đã sở hữu bản quyền World Cup 2018, thế nhưng trang web của của Infront Sports & Media đã hiện tên Việt Nam trong danh sách 26 nước châu Á sở hữu bản quyền truyền hình ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Việt Nam đứng cuối cùng trong danh sách này.

VTV ém bản quyền World Cup 2018 để làm giá
Việt Nam là quốc gia đứng cuối cùng trong danh sách 26 quốc gia châu Á có hợp đồng bản quyền phát sóng World Cup 2018 với Infront Sports & Media

Infront Sports & Media là đơn vị cung cấp bản quyền hình ảnh của World Cup 2018. Ở Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) là đơn vị đứng ra thương thảo để mua bản quyền phát sóng giải đấu này.

Người hâm mộ hiện nay đang khá sốt ruột vì VTV chưa công bố bản quyền World Cup. 

Trước đó, để tránh tình trạng cạnh tranh quyền phát sóng, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) đã kiến nghị VTV đứng ra đàm phán mua bản quyền World Cup 2018 đầy đủ trên các hạ tầng. Các thành viên của VNPayTV sẽ không mua bản quyền Word Cup 2018 mà kiến nghị VTV đàm phán mua bản quyền đầy đủ trên các hạ tầng trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Nếu có bản quyền, VTV sẽ khai thác trên toàn hệ thống các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam và các đơn vị khác tiếp sóng nguyên bản theo nội dung hợp đồng. Với quyết định này từ Hiệp hội, các nhà đài sẽ không còn đơn phương đàm phán, dẫn đến việc cạnh tranh nhau về giá.

Ém bản quyền để ép giá?

Trao đổi với Nhadautu.vn, một người hiểu biết trong lĩnh vực này cho rằng, VTV vẫn đang ém bản quyền phát sóng World Cup để xem xét tình hình quảng cáo, tài trợ, đàm phán với các nhà đài.

"Thứ nhất, họ sẽ xem tình tình quảng cáo, tài trợ như thế nào, chi phí bao nhiêu còn việc mua thì tôi đảm bảo là chắc chắn kiểu gì VTV cũng mua. Vấn đề là lợi nhuận như thế nào. Hai là VTV đàm phán với các đài trong nước về chia sẻ bản quyền ra sao. Họ vẫn đang ém bản quyền chứ khán giả yên tâm chắc chắn sẽ được xem World Cup", người này nói.

Trước đó, trao đổi nhanh với PV Nhadautu.vn qua điện thoại, ông Nguyễn Thành Lương - Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) cho biết: "Hiện chúng tôi chưa có xác nhận gì về việc mua bản quyền phát sóng World cup 2018 nên chưa thể nói điều gì".

“VTV vẫn đang trong quá trình đàm phán với đối tác, nên tất cả các thông tin đều phải bí mật”, Phó Tổng VTV nói thêm.

Đến trưa 3/6, nói với Nhadautu.vn, ông Lương vẫn khẳng định VTV đến giờ phút hiện tại chưa có bản quyền phát sóng World Cup 2018.

Mức giá bản quyền World Cup 2006 mà Việt Nam đã mua là 2 triệu USD, năm 2010 là 2,7 triệu USD và năm 2014 là 7 triệu USD.

Với truyền thống là đơn vị phát sóng miễn phí các kỳ World Cup trước, nếu có bản quyền phát sóng World Cup 2018, nhiều khả năng VTV sẽ vẫn duy trì nguồn thu chính qua quảng cáo để thu hồi chi phí bỏ ra mua bản quyền. VTV từng ghi nhận kỷ lục về giá quảng cáo tại World Cup 2014.

VTV ém bản quyền World Cup 2018 để làm giá
VTV từng ghi nhận kỷ lục về giá quảng cáo tại World Cup 2014.

VTV đã chào giá quảng cáo 350 triệu đồng cho 30 giây trong trận chung kết giải bóng đá World Cup 2014 (diễn ra tại Brazil từ 12/6 đến 13/7), tương ứng 11,7 triệu đồng mỗi giây và nếu quảng cáo 15 giây thì có giá 210 triệu đồng.

64 trận đấu World Cup 2014, theo những ước tính khiêm tốn nhất, đã mang lại cho nhà đài VTV chừng 1.000 tỷ doanh thu quảng cáo, tương đương 50 triệu USD, gấp nhiều lần so với số tiền 7 triệu USD đã bỏ ra để mua bản quyền.

Mua bản quyền World Cup được xem là món hời đối với nhà đài, quan trọng là món hời đó lớn đến đâu.


Xem thêm: Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Nhiều trạm BOT sai vị trí, mong cử tri 'thông cảm'

Anh Mai
Theo Nhà đầu tư