Thứ bảy, 27/04/2024 | 17:23
RSS

Viêm mũi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Thứ hai, 07/08/2023, 17:10 (GMT+7)

Viêm mũi ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh. Để giúp người bệnh hiểu tường tận về bệnh lý này, chúng tôi xin được chia sẻ tới bạn những thông tin tổng quát về khái niệm, phân loại, nguyên nhân và cách điều trị viêm mũi. Mời bạn cùng theo dõi trong bài viết này nhé.

Viêm mũi

I. Viêm mũi là gì? 

Viêm mũi là tình trạng kích ứng và viêm niêm mạc mũi, xuất hiện sưng phù nề trong khoang mũi. Người bị viêm mũi thường có các biểu hiện chảy nước mũi, hắt hơi, ngứa, tắc nghẹt mũi.

Bệnh lý này đang ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội hiện đại. Viêm mũi có thể gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe người bệnh trong thời gian ngắn (cấp tính) hoặc trong thời gian dài (mạn tính).

II. Viêm mũi có mấy loại? 

Dựa theo mức độ và nguyên nhân gây viêm mũi, các chuyên gia đã phân loại viêm mũi thành các dạng như sau:

1. Viêm mũi cấp tính

Viêm mũi cấp tính thường diễn ra trong thời gian ngắn (dưới 4 tuần). Viêm mũi cấp thường bùng phát trong mùa lạnh. Bệnh có thể tiến triển độc lập hoặc kết hợp với một vài bệnh nhiễm trùng cấp tính khác như cảm lạnh, cảm cúm...

Nguyên nhân gây bệnh thông thường là do vi rút, vi khuẩn, dị ứng hoặc một số tác nhân khác gây nhiễm trùng trong niêm mạc mũi. Bệnh bắt đầu với các hiện tượng phù nề niêm mạc, chảy nước mũi, viêm khoang mũi.

2. Viêm mũi mạn tính

Viêm mũi mạn tính là tình trạng viêm mũi kéo dài từ 3 tháng trở lên. Thường nguyên nhân là do viêm mũi cấp tính không được điều trị dứt điểm mà chuyển biến thành hoặc do đi kèm với các bệnh lý viêm nhiễm trùng xoang, viêm họng mạn tính.

3. Viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng là tình trạng mắc bệnh viêm mũi do tác nhân dị ứng gây nên. Mũi bị kích ứng bởi các yếu tố dị nguyên như khói, bụi bẩn, phấn hoa, lông động vật...

Viêm mũi dị ứng

4. Viêm mũi không dị ứng

Viêm mũi không dị ứng là tình trạng xuất hiện viêm niêm mạc mũi không liên quan đến tác nhân dị ứng hoặc phản ứng miễn dịch. Dưới đây là một số dạng của viêm mũi không dị ứng:

4.1. Viêm mũi vận mạch (vô căn)

Viêm mũi vận mạch còn có tên gọi khác là viêm mũi vô căn, vì đây là bệnh lý mà các nhà khoa học chưa tìm được chính xác nguyên nhân gây bệnh mặc dù đã trải qua các xét nghiệm cần thiết thậm chí dùng cả xét nghiệm tế bào học. 

Bệnh thường khởi phát sau khi các mạch máu trong mũi bị giãn rộng ra gây xung huyết do tác động hay tiếp xúc nào đó. Triệu chứng của viêm mũi vận mạch khá giống viêm mũi dị ứng gồm những biểu hiện như: hắt hơi, sổ mũi, tắc nghẹt mũi, chảy nước mũi nhiều.

4.2. Viêm mũi xuất tiết

Viêm mũi xuất tiết là tình trạng viêm niêm mạc mũi do tiết dịch nhầy quá nhiều gây nên. Bệnh lý là có thể là biến chứng của viêm xoang, cảm cúm, viêm mũi họng cấp.

Đặc trưng của người mắc bệnh viêm mũi xuất tiết có biểu hiện xuất huyết và phù nề lan tỏa diện rộng bên trong niêm mạc mũi.

4.3. Viêm mũi teo

Viêm mũi teo là tình trạng xảy ra khi xương mũi, niêm mạc mũi bị teo nhỏ lại, đồng thời chức năng khứu giác cũng vì thế mà suy giảm. Tình trạng này kéo dài khiến cho vi sinh vật sinh sôi và phát triển, kích thích xuất hiện tình trạng viêm.

Viêm mũi teo được chia là 2 loại là nguyên phát (xảy ra đột ngột, do chế độ dinh dưỡng hoặc nội tiết, bệnh tự miễn...) và thứ phát (biến chứng bệnh lý hoặc hậu phẫu).

4.4. Viêm mũi do thuốc

Khi bị nghẹt mũi, nhiều người thường sử dụng các loại thuốc thông mũi (có thể ở dạng xịt mũi hoặc nhỏ mũi). Vì loại thuốc này cho tác dụng nhanh nên nhiều người đã lạm dụng sử dụng chúng quá mức và gây “phản tác dụng”.

Khi sử dụng quá liều lượng hay lạm dụng thuốc thông mũi sẽ gây kích ứng niêm mạc dẫn tới bệnh viêm mũi do thuốc.

Tình trạng này thường xảy ra do lạm dụng thuốc chứa hoạt chất như phenylephrine hoặc oxymetazoline.

Lạm dụng thuốc xịt mũi gây viêm mũi

III. Nguyên nhân gây viêm mũi 

Theo các chuyên gia, viêm mũi có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Bên cạnh những nguyên nhân đi kèm phân loại bệnh đã kể bên trên, phổ biến một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm mũi như sau:

  • Tuổi tác: Càng lớn tuổi thì nguy cơ mắc viêm mũi càng cao, số liệu thống kê cho biết tỷ lệ chiếm đa số là sau độ tuổi 20- 25.
  • Giới tính: Theo nghiên cứu, phụ nữ dễ mắc viêm mũi hơn là nam giới, đặc biệt là phụ nữ trong các thời kỳ đang mang thai, thời kỳ kinh nguyệt.
  • Mắc các bệnh về đường hô hấp: Điển hình là người bị hen suyễn có đường hô hấp trên nhạy cảm, dễ bị kích ứng với các tác nhân bên ngoài. Vì thế, người bệnh rất dễ bị viêm mũi.
  • Mắc bệnh lý khác: Tiểu đường, suy giáp, lupus ban đỏ, phổi mạn tính… dễ làm cho hệ thống miễn dịch suy giảm và làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm mũi.
  • Do tiếp xúc với một số tác nhân bên ngoài: Nhiều người nguy cơ cao bị mắc viêm mũi là những đối tượng thường xuyên tiếp xúc với các tác nhân như: phấn hóa, lông động vật, khói bụi, khói thuốc lá, không khí bị ô nhiễm…

IV. Phương pháp chẩn đoán

Dựa trên các triệu chứng lâm sàng của người bệnh, lời khai của người bệnh (đã mắc bệnh bao lâu, mức độ triệu chứng nặng hay nhẹ, tiền sử bệnh lý khác…) mà bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm chẩn đoán phù hợp. Cụ thể như:

  • Kiểm tra viêm mũi có liên quan đến dị ứng thông qua xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm trên da. 
  • Kiểm tra tổn thương hoặc sự thay đổi bất thường về cấu trúc mũi thông qua chẩn đoán hình đoán hình ảnh chụp CT.
  • Đánh giá tình trạng viêm trong mũi bằng nội soi.

V. Điều trị bệnh viêm mũi

Phụ thuộc vào nguyên nhân hoặc mức độ bệnh mà người bệnh sẽ được áp dụng phương pháp điều trị phù hợp. Cụ thể như sau:

Nếu viêm mũi liên quan đến dị ứng, thì biện pháp tốt nhất đó là tránh tiếp xúc với các tác nhân dị ứng (lông động vật, phấn hoa, bụi nhà). Đồng thời, người bệnh có thể sử dụng thêm một số loại thuốc điều trị triệu chứng, thuốc chữa dị ứng ví dụ như: thuốc kháng histamine, thuốc xịt mũi corticosteroid…

Trong trường hợp, viêm mũi là hậu quả của các bệnh lý khác thì cần giải quyết nguyên nhân từ bệnh đó, nhờ đó sẽ chữa khỏi viêm mũi.

Ngoài ra, cần kết hợp vệ sinh mũi hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý để loại bỏ bụi bẩn và dịch nhầy tích tụ trong các hốc xoang. Các tác nhân này có thể làm nặng thêm triệu chứng, gây kích ứng cho niêm mạc mũi và khiến cho bệnh trầm trọng hơn.

Nếu tình trạng viêm mũi là do bất thường về cấu trúc mũi thì người bệnh có thể chỉ định làm phẫu thuật để tạo hình lại mũi.

VI. Chế độ dinh dưỡng cho người bị viêm mũi 

Nếu có chế độ dinh dưỡng khoa học và hợp lý, tình trạng viêm mũi sẽ được cải thiện. Dưới đây là một số lưu ý về dinh dưỡng cho người bị viêm mũi:

1. Viêm mũi nên ăn gì?

Một số loại thực phẩm dưới đây rất tốt cho người bị viêm mũi:

- Thực phẩm giàu Vitamin C 

Vitamin C có vai trò quan trọng trong việc tăng cường miễn dịch, giúp người bị viêm mũi nhanh khỏi bệnh hơn. Dưỡng chất này có nhiều trong các loại thực phẩm như: dâu tây, đu đủ, khoai tây, súp lơ xanh, bưởi, cam…

Thực phẩm giàu Vitamin C tăng cường hệ miễn dịch hỗ trợ điều trị viêm mũi

- Thực phẩm giàu Omega-3

Theo các nghiên cứu, Omega-3 có tác dụng làm giảm hoạt động của các chất trung gian lipid gây viêm, nhờ đó ức chế phản ứng viêm và giúp cải thiện các triệu chứng viêm mũi.

Người bị viêm mũi có thể dễ dàng bổ sung Omega-3 thông qua một số thực phẩm như: cá hồi, cá mòi, cá cơm, hàu, hạt óc chó, đậu nành…

- Thực phẩm, đồ ăn có tính ấm

Loại thực phẩm này có tác dụng làm loãng dịch nhầy ở mũi xoang, tăng cường lưu thông trong xoang mũi. Gợi ý cho bạn một loại thực phẩm có tính ấm là: hành, tỏi, gừng…

- Gia vị có tinh dầu

Một số loại gia vị, rau thơm có chứa tinh dầu (rau mùi, bạc hà…) có tác dụng rất tốt trong việc giảm đau vùng mũi, giúp người bệnh cảm thấy đỡ mệt mỏi và dễ chịu hơn.

2. Người bị viêm mũi nên kiêng ăn gì?

Có nhiều loại thực phẩm không tốt hoặc không lành mạnh khiến cho tình trạng viêm mũi có thể bị nặng thêm. Và người bệnh nên tránh tiêu thụ hoặc sử dụng quá mức chúng, cụ thể như sau:

  • Sữa và các chế phẩm từ sữa (sữa chua, phô mai…) có thể làm tăng tiết dịch nhầy ở mũi, gây nên tình trạng tắc nghẹt mũi.
  • Đồ ăn cay nóng (mù tạt, ớt, hạt tiêu) có thể làm cho triệu chứng của người bị viêm mũi ngày càng nặng nề hơn, dễ bị hắt hơi, sổ mũi hoặc ngạt mũi.
  • Thực phẩm, đồ uống có chứa chất kích thích (cà phê, rượu bia…) có thể gây mất nước, làm suy giảm sức khỏe tổng thể, khiến cho bệnh khó hồi phục hơn.

VII. Phương pháp phòng ngừa viêm mũi

Viêm mũi có thể phòng ngừa từ sớm thông qua một số biện pháp như sau:

- Nên thường xuyên đeo khẩu trang khi đi ra ngoài đường, tránh xa khói bụi, khói thuốc.

- Giữ cho môi trường sống sạch sẽ, tránh sinh hoạt trong không gian quá khô và lạnh. Bạn nên điều chỉnh điều hòa về mức nhiệt độ khoảng 27-28oC.

- Tránh bị cảm lạnh, luôn giữ cơ thể ấm khi trời lạnh hoặc trời mưa.

- Xây dựng thói quen sinh hoạt khoa học, điều độ: Ngủ đủ giấc, tránh thức khuya, tích cực rèn luyện vận động để giúp tăng cường sức đề kháng, tăng khả năng chống đỡ của cơ thể trước các tác nhân bên ngoài.

- Hạn chế dùng chung các vật dụng cá nhân với người bị viêm mũi để tránh lây lan, chẳng hạn như: khăn mặt, khẩu trang…

Mong rằng qua những thông tin nêu trên, các bạn đã có góc nhìn chi tiết hơn về bệnh viêm mũi từ nguyên nhân đến cách điều trị. 

thông tin tư vấn

DS. Nguyễn Hiền
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại