Thứ sáu, 29/03/2024 | 21:46
RSS

Vì sao không khám nghiệm hiện trường vụ Đường Nhuệ chiếm giữ Công ty Lâm Quyết?

Chủ nhật, 13/06/2021, 16:45 (GMT+7)

Trong kết luận điều tra vụ Đường Nhuệ cho người chiếm giữ Công ty Lâm Quyết (Thái Bình), Công an TP.Thái Bình (Thái Bình) có làm rõ các nội dung vợ chồng chủ Công ty Lâm Quyết tố giác.

Đường Nhuệ dọa giết, đưa hình ảnh gia đình chủ Công ty Lâm Quyết lên mạng

Cụ thể, với nội dung tố giác Đường Nhuệ (Nguyễn Xuân Đường, SN 1971, TP.Thái Bình) đe dọa đánh, giết và đưa hình ảnh gia đình ông Nguyễn Văn Lẫm (SN 1962, Giám đốc Công ty Lâm Quyết) lên mạng xã hội Facebook, Công an TP.Thái Bình qua điều tra đã có kết luận.

Theo đó, do ông Lẫm và bà Phạm Thị Quyết (SN 1967, vợ ông Lẫm) vay của vợ chồng Đường Nhuệ 1,7 tỷ đồng. Đường đòi nợ nhiều lần nhưng vợ chồng ông Lẫm không trả, không thống nhất được phương án trả nợ nên Đường Nhuệ đã bức xúc, điện thoại chửi vợ chồng ông Lẫm, đồng thời đưa thông tin lên mạng tìm vợ chồng ông Lẫm để đòi nợ.

Theo Công an TP.Thái Bình, việc làm đó không có mục đích đe dọa đánh, giết vợ chồng ông Lẫm. Thực tế Đường không làm những điều như mình đã nói, sau đó Đường đã tự gỡ bỏ nội dung trên khỏi trang Facebook của mình.


Công an TP.Thái Bình kết luận, Đường Nhuệ đưa thông tin gia đình ông Lẫm lên mạng mục đích là để đòi nợ, không có mục đích đe dọa đánh, giết vợ chồng ông Lẫm. (Ảnh chụp màn hình trang mạng xã hội Facebook của Đường Nhuệ)

 Về nội dung con trai chủ công ty Lâm Quyết khai ngoài Bùi Mạnh Tiến (Tiến "trắng", con nuôi Đường Nhuệ) thường xuyên ăn ngủ, sinh hoạt trong văn phòng của Công ty Lâm Quyết ra còn có Bằng Bạch, Bình Phê ở cùng Tiến.

Công an TP.Thái Bình nêu trong kết luận điều tra, Đào Văn Bằng (SN 1986, Tiền Phong, TP.Thái Bình) và Nguyễn Xuân Bình (SN 1976, Hoàng Diệu, TP.Thái Bình) không thừa nhận đi cùng Tiến ăn, ngủ, sinh hoạt trong văn phòng của công ty.

Ngoài lời khai của con trai chủ Công ty Lâm Quyết, không còn tài liệu chứng cứ nào khác thể hiện Bằng, và Bình ăn ngủ, sinh hoạt cùng Tiến ở văn phòng Công ty Lâm Quyết.

Cơ quan điều tra tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ các đối tượng cùng Tiến ở tại Công ty Lâm Quyết từ ngày 3/10/2017 đến ngày 19/10/2017 để xử lý theo quy định của pháp luật

Công an lý giải lý do không khám nghiệm hiện trường

Trong quá trình điều tra, ông Lẫm, bà Quyết và luật sư bảo vệ quyền lợi cho vợ chồng ông Lẫm có đơn đề nghị Cơ quan điều tra phải khám nghiệm hiện trường, trả lại công ty cho ông Nguyễn Văn Lẫm.

Công an TP.Thái Bình kết luận, trong quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Thái Bình đã áp dụng đầy đủ các biện pháp điều tra cần thiết để thu thập chứng cứ làm sáng tỏ nội dung vụ án.


Trong đó, có hoạt động điều tra tại hiện trường. Cụ thể, này 4/12/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra công an TP.Thái Bình chủ trì, cùng Viện Kiểm sát nhân dân TP.Thái Bình, có sự chứng kiến của chính quyền địa phương và vợ chồng ông Lẫm.


Theo Công an TP.Thái Bình, đơn vị này không khám nghiệm hiện trường vụ án liên quan Đường Nhuệ chiếm giữ Công ty Lâm Quyết vì các dấu vết không đảm bảo tính khách quan, liên quan.

Cơ quan điều tra đã xác định, mô tả chi tiết vị trí sơ đồ Công ty Lâm Quyết, vẽ sơ đồ, chụp ảnh ghi nhận chi tiết toàn bộ tình trạng Công ty Lâm Quyết. Quá trình điều tra xác định, từ ngày 19/10/2017 đến nay, Công ty Lâm Quyết không có ai ở lại trông coi, quản lý dẫn đến tình trạng công ty bị xáo trộn rất nhiều như: Cổng công ty không có khóa, các phân xưởng, kho không có cửa, bên trong không có máy móc, thiết bị lao động sản xuất, không có nguyên vật liệu phục vụ quá trình sản xuất, cây cỏ dại mọc um tùm tại nhiều địa điểm trong công ty…

Theo Công an TP.Thái Bình, tình trạng trên là do nhiều nguyên nhân tác động trong thời gian dài.

"Đánh giá các dấu vết trên do các đối tượng gây ra khi xâm nhập, chiếm giữ Công ty Lâm Quyết từ 13/10/2017 đến 19/10/2017 là không khách quan. 

Do vậy, thời điểm tiến hành hoạt động điều tra trên, Cơ quan điều tra không phát hiện thu giữ dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử gì có ý nghĩa đến việc giải quyết vụ án" – kết luận điều tra của Công an TP.Thái Bình nêu rõ.

Công an TP.Thái Bình cho biết, đối chiếu với quy định tại Điều 86, quy định về chứng cứ và Khoản 1, Điều 201 Bộ luật Tố tụng Hình sự, quy định về khám nghiệm hiện trường là để phát hiện dấu vết của tội phạm, thu giữ vật chứng, tài liệu, đồ vật dữ liệu điện tử có ý nghĩa với việc giải quyết vụ án, nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Thái Bình không tiến hành khám nghiệm hiện trường vì các dấu vết trên không đảm bảo tính khách quan, tính liên quan.

Hoạt động điều tra tại hiện trường đã được Cơ quan điều tra tiến hành đầy đủ, thể hiện chi tiết trong biên bản, sơ đồ, bản ảnh lập ngày 4/12/2020 tại Công ty Lâm Quyết, đã được coi là nguồn chứng cứ để chứng minh tội phạm.

Ngoài ra, trong quá trình điều tra vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Thái Bình cũng đã thu thập kết quả khám nghiệm hiện trường được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Thái Bình tiến hành vào ngày 15/5/2018 tại Công ty Lâm Quyết, trong quá trình điều tra vụ án "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", xảy ra tại TP.Thái Bình.

Phạm Hiệp
Theo Dân Việt