Chủ nhật, 19/01/2025 | 13:56
RSS

Vẫn xin có BOT sân bay: Lý lẽ cách tiêu tiền

Thứ bảy, 24/03/2018, 16:15 (GMT+7)

Tổng công ty hàng không VN (ACV) muốn bổ sung dịch vụ đường dẫn vào nhà ga, muốn bổ sung khung giá đường dẫn vào nhà ga.

Vẫn xin có BOT sân bay
ACV vẫn đề xuất duy trì thu phí vào sân bay

Đó là một trong những nội dung được nhắc tới trong văn bản gửi Bộ GTVT mới đây của ACV. Cũng trong báo cáo này, ACV cho biết tất cả các cảng hàng không do ACV quản lý, khai thác đều thực hiện thu tiền sử dụng đường và sân đỗ ôtô.

Các cảng hàng không có tần suất hoạt động bay cao như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh có lưu lượng ôtô ra, vào đón, trả khách rất lớn nên thu riêng dịch vụ đường dẫn và dịch vụ sân đỗ ôtô.

17 cảng hàng không còn lại có tần suất hoạt động chưa cao chỉ thu một lần giá theo lượt cho cả dịch vụ sử dụng sân đường và sân đỗ ôtô, không giới hạn thời gian đỗ để chờ đón, trả khách tại nhà ga.

Theo ACV, toàn bộ số tiền thu được từ đây được doanh nghiệp này thực hiện đầy đủ nghĩa vụ ngân sách theo quy định và hạch toán vào kết quả kinh doanh của ACV.

Tiền đầu tư, nâng cấp, sửa chữa hệ thống kết cấu hạ tầng tại các cảng hàng không nói chung và hệ thống đường dẫn vào nhà ga nói riêng là từ quỹ đầu tư phát triển của ACV, không sử dụng ngân sách.

Bên cạnh đó, trong phương án cổ phần hóa ACV được Thủ tướng phê duyệt và đã được triển khai thực hiện, toàn bộ giá trị tài sản nhà ga và đường dẫn vào nhà ga đã được xác định lại giá trị và tính vào giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa.

ACV cũng cho rằng đường dẫn vào nhà ga sân bay là đường giao thông nội bộ, được quy định tại Nghị định số 102/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay; dịch vụ đường dẫn vào nhà ga là dịch vụ phi hàng không thiết yếu, bắt buộc sử dụng, không thuộc danh mục giá dịch vụ do Bộ GTVT quy định khung giá.

Nhưng theo các quy định hiện hành, dịch vụ đường dẫn vào nhà ga chưa nằm trong danh mục dịch vụ phi hàng không thiết yếu. Vì vậy, để tiếp tục thu phí xe ra vào sân bay, ACV kiến nghị Bộ GTVT bổ sung dịch vụ đường dẫn vào nhà ga thành dịch vụ phi hàng không thiết yếu tại cảng hàng không, sân bay; bổ sung khung giá đường dẫn vào nhà ga.

Trước đó, ngày 24/1, Bộ GTVT đã làm việc với Bộ Tài chính và ra thông cáo khẳng định việc ACV thu giá dịch vụ sử dụng sân đường vào sân bay là cần thiết để bù đắp nguồn vốn đã bỏ ra đầu tư cũng như duy tu, bảo trì, bảo dưỡng, quản lý khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ khai thác cảng hàng không.

Bộ GTVT cho biết đã chỉ đạo nghiên cứu đề xuất bổ sung dịch vụ trên vào danh mục dịch vụ phi hàng không thiết yếu tại cảng hàng không để quản lý chặt chẽ hơn đối với việc cung cấp và thu tiền dịch vụ sử dụng đường dẫn vào nhà ga.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 2/2, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng cho biết Bộ GTVT đã báo cáo lên Chính phủ về việc thu phí vào sân bay. Sau đó, phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã chỉ đạo rà soát lại, giao Bộ GTVT chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính để có giải pháp, báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/3.

Tuy nhiên, việc thu phí này trước đó đã được các chuyên gia chỉ rất rõ về việc bất hợp lý.

Cụ thể, chia sẻ với Đất Việt, TS Nguyễn Thiện Tống Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách khoa TP.HCM cho rằng sân bay nào trên thế giới cũng cần phải có đường để đưa khách đi vào và đường cho khách ra. Sân đường vào sân bay là một công trình phụ trợ của sân bay.

Người sử dụng sân bay phải đóng khoản phí để được đi trên con đường dẫn tới sân bay là hết sức vô lý.

"Đây không khác gì là một con đường BOT của sân bay. Khi đã làm sân bay thì phải tạo điều kiện cho người sử dụng được ra vào sân bay. Nhưng lại bắt người dân đóng khoản tiền phí để được ra vào sân bay, tôi cho rằng đây là 'bắt chẹt' người dân và không luật nào quy định điều đó cả", TS. Nguyễn Thiện Tống nhận xét.

Đồng tình, TS Phạm Sanh đặt ra nhiều câu hỏi, con đường trước đó được đầu tư bằng tiền ngân sách xã hội vì sao lại thu phí khi người dân đi trên đường? Ngoài ra, Bộ GTVT quản lý các nhà khai thác sân bay trên cả nước chứ không riêng sân bay Tân Sơn Nhất để tính toán thu phí đường dẫn như vậy.

Đặc biệt, có nhiều ý kiến chuyên gia đánh giá nếu tiếp tục thu phí đường dẫn vào sân bay mà không có phương án quản lý phù hợp sẽ dẫn đến tình trạng thiếu minh bạch, lợi ích nhóm.

Bởi lẽ số tiền thu được từ việc thu phí sử dụng đường dẫn vào sân bay hàng năm là rất lớn (550 tỷ/4 năm/19 cảng hàng không).


Xem thêm: 
CSGT bị thu phí 100K khi đi qua BOT cấp bản

Sơn Ca
Theo Đất việt