Sinh viên ngành Kỹ thuật điện, Trường Điện - Điện tử, ĐH Bách khoa Hà Nội tập huấn tại UNDP. Ảnh: Thiên Anh.
Thời điểm này, hàng loạt các trường ĐH đã chủ động công bố đề án tuyển sinh sớm so với mọi năm để thí sinh tham khảo. Ngoài sự quan tâm dành cho các phương thức xét tuyển, chỉ tiêu, điểm chuẩn, học phí thì sinh viên cũng quan tâm nhiều tới các ngành học mới mở, bởi dù được các trường quảng cáo nhiều về cơ hội việc làm sau khi ra trường thì thực chất, đây vẫn là một ẩn số.
Đơn cử, ĐH Bách khoa Hà Nội vừa thông tin sẽ mở thêm một ngành học mới là Quản lý giáo dục Chỉ tiêu dự kiến là 60 sinh viên. Mặc dù đây không phải là ngành học lần đầu xuất hiện ở Việt Nam nhưng với ĐH Bách khoa Hà Nội vốn có truyền thống đào tạo các ngành kỹ thuật thì đây là một cái tên gây bất ngờ với nhiều người.
Học viện Phụ nữ Việt Nam thông tin sẽ mở ngành Kinh tế số, tuyển 60 sinh viên cho khóa tuyển sinh đầu tiên. Trường ĐH Kinh tế TPHCM cho biết sẽ mở thêm 2 ngành không thuộc lĩnh vực kinh tế là ArtTech (công nghệ nghệ thuật) thuộc ngành công nghệ thông tin và Chương trình điều khiển thông minh và tự động hóa thuộc ngành Trí tuệ nhân tạo.
Mở ngành học mới để hút thí sinh, đáp ứng nhân lực cho xã hội phát triển, tăng chỉ tiêu nhằm tạo cơ hội cho các em rộng cửa vào ĐH. Đây là lý giải của phần lớn các trường khi được hỏi về việc thay đổi trong tuyển sinh. Vấn đề đặt ra là khi mở một ngành mới, tăng chỉ tiêu…, các trường đều đưa ra quảng cáo về cơ hội việc làm đa dạng, thu nhập hấp dẫn, song không có lời cam kết nào về chất lượng đào tạo và việc làm đầu ra cho sinh viên. Thậm chí ngay cả Bộ GDĐT cũng khó quản lý hết được chất lượng các chương trình đào tạo mới mở và việc các trường tăng chỉ tiêu mỗi năm.
Tuy nhiên, theo phân tích của PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT, để mở ngành học mới, yêu cầu đặt ra với đội ngũ giảng viên là phải đạt trình độ từ thạc sĩ trở lên. Có những trường đã lách luật bằng cách chỉ cần ứng cử viên có trình độ thạc sĩ là các trường sẽ ký hợp đồng giảng dạy theo hình thức dài hạn nhưng thực chất là giảng viên thỉnh giảng. Bởi họ sẽ không làm việc toàn thời gian tại trường, không trực thuộc khoa, không làm giáo viên chủ nhiệm… như một giảng viên cơ hữu nhưng vẫn được trường đóng bảo hiểm đầy đủ như giảng viên chính thức.
Khi tính tỉ lệ giảng viên/sinh viên, một số trường vẫn tính cả những ngày này và đương nhiên sẽ được đưa vào như một tiêu chí quan trọng để đảm bảo, xác định chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm. Nhưng vì họ không kiêm nhiệm những công tác khác nên những giảng viên cơ hữu sẽ phải gánh thêm phần công việc này dẫn đến có thể quá tải hoặc chất lượng không được như yêu cầu đặt ra.
Về phía người học, vì tuyển sinh tăng chỉ tiêu trong khi cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên cơ hữu có hạn có thể ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra, người học tốt nghiệp nhưng bằng cấp không tương xứng với chất lượng đào tạo dẫn đến không đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động hiện nay cần nhân lực chất lượng cao.
Về phía người học, các chuyên gia khuyến cáo dù các ngành mới có thể có cơ hội việc làm, vị trí và vị thế việc làm tốt trong tương lai nhưng cũng giống như ngành hot hoặc các ngành truyền thống, thí sinh vẫn cần cân nhắc về sự phù hợp, năng lực, sở trường trước khi chọn ngành.
Trong đó, theo Về vấn đề này, PGS.TS Trần Trọng Nguyên - Giám đốc Học viện Chính sách và phát triển, ngày nay theo xu thế và sự phát triển của kinh tế - xã hội cũng như sự bùng nổ của khoa học, công nghệ kéo theo nhiều xu hướng mới ra đời và nhiều ngành nghề mới ra đời, nhiều ngành truyền thống cũng sẽ mất đi. Do đó, các trường ĐH cũng đã và đang thay đổi nhằm thích nghi với sự phát triển, đồng bộ cùng sự tiến bộ của khoa học, công nghệ, kinh tế xã hội… theo hướng chuyển đổi số. Trong đó, những ngành học mới chính là cơ hội mới cho sinh viên.