Thứ bảy, 20/04/2024 | 13:15
RSS

Tủ sữa mẹ miễn phí có thực sự an toàn?

Thứ ba, 21/02/2017, 09:03 (GMT+7)

Tủ sữa mẹ miễn phí đang nhận được sự quan tâm và ủng hộ của các bà mẹ trẻ. Tuy nhiên, bác sỹ lo ngại việc đảm bảo chất lượng sữa cũng như khuyến cáo nguồn cung cấp sữa có thực sự an toàn?

Tủ sữa mẹ miễn phí - cộng đồng đón nhận

Tuy chỉ mới bắt đầu được một tuần nhưng tủ sữa mẹ miễn phí đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm, ủng hộ của rất nhiều bà mẹ “bỉm sữa”. Chị Lê Huyền Trang - chủ nhân tủ sữa, ước tính đã có khoảng 700 túi sữa đến tay các em nhỏ, trung bình mỗi ngày có khoảng gần 100 túi sữa được cho đi kể từ khi tủ sữa ra đời.

Tủ sữa mẹ miễn phí của chị Lê Huyền Trang (bên phải) nhận được phản hồi tích cực từ cộng đồng

Chị Trang chia sẻ: “Không chỉ các mẹ tại TP.HCM các mẹ ở những tỉnh lân cận cũng tìm đến đây. Mẹ nào cũng mừng vì từ nay có được nguồn sữa mẹ dồi dào, tốt cho con mình vì sữa ở đây được bảo quản rất kỹ, được cho từ chính những bà mẹ đang cho con bú”.

Khi mới hình thành, tủ sữa của chị Trang cũng nhận không ít sự lo lắng về chất lượng sữa từ phía các bà mẹ. Chị Trang chia sẻ: “Tại bệnh viện, tôi được phản hồi từ các bác sỹ rằng 100% các mẹ mang thai đi sinh sẽ được xét nghiệm ít nhất 2 lần nên các mẹ sẽ biết mình có bị bệnh truyền nhiễm gì hay không. Nếu có thường bác sỹ sẽ khuyên mẹ không nên cho bé bú để tránh lây bệnh từ mẹ sang con. Do vậy, bản thân các bà mẹ cũng tự ý thức được việc mình có nên đi cho sữa hay không”. Chị Trang cho biết thêm, tủ của chị được bảo quản bốn lớp và sữa do chính nhân viên của chị mang về nên rất đảm bảo.

Các bác sỹ nói gì?

Theo bác sỹ Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm – thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1), việc cho sữa không đơn giản như cho bánh mì hay cho cơm và không thể theo phương pháp tự phát. Việc làm của chị Trang xuất phát từ cái tâm là rất tốt, tuy nhiên sẽ rất nguy hiểm nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ. Theo bác sỹ Khanh, trẻ có thể bị mắc những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như HIV, viêm gan siêu vi, lao… nếu uống phải nguồn sữa từ những người phụ nữ mắc bệnh này.

Các bác sỹ lo lắng về chất lượng sữa mẹ khi được cho

Không thể chỉ nghe bà mẹ nói là mình có bệnh hay không để xác minh nguồn sữa, mà hơn thế, cần có xét nghiệm và kiểm chứng rõ ràng thì mới biết được bệnh lý của người cho sữa. Chính vì thế, việc thành lập tủ sữa hay ngân hàng sữa cũng cần sự kiểm soát và đảm bảo chặt chẽ như đối với ngân hàng máu. Bác sỹ Khanh đưa ra lời khuyên đối với chị Trang - người tổ chức phong trào tủ sữa mẹ miễn phí, cần liên hệ phối hợp cùng các bác sỹ chuyên khoa tại các bệnh viện nhi, sản để đảm bảo được nguồn sữa tốt nhất đến với trẻ nhỏ.

Thêm nữa, cho dù là nguồn sữa đảm bảo thì việc vắt sữa ra bình cũng khiến chất lượng sữa giảm đáng kể. Bác sỹ Nguyễn Thị Hoa (Nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Phó chủ tịch Hội dinh dưỡng TP.HCM) khẳng định sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ nhưng chỉ trong trường hợp trẻ bú trực tiếp từ vú mẹ. Thậm chí sữa mẹ vắt ra bình rồi để cho con mình bú cũng không tốt. Bởi lẽ, sữa mẹ sẽ không còn vô trùng nữa và mất toàn bộ chất béo trong quá trình lưu trữ ở bình, trẻ bú vào sẽ không lên cân.

Trong thực tế nhiều bà mẹ muốn vắt sữa ra bình để kiểm soát lượng sữa hàng ngày mà con bú. Thế nhưng đây chính là một trong những nguyên nhân khiến trẻ suy dinh dưỡng. Hiện nay bác sỹ Hoa cũng đang điều trị cho một số trường hợp trẻ suy dinh dưỡng vì phải bú sữa mẹ vắt ra bình.

 


Theo Chất lượng Việt Nam