Thứ bảy, 18/01/2025 | 13:48
RSS

Truy xuất nguồn gốc thực phẩm bếp ăn tại 215 trường học trên địa bàn Hà Nội

Thứ năm, 10/11/2022, 09:20 (GMT+7)

Trong năm 2022, Hà Nội tập trung kiểm soát bếp ăn tập thể trường học tại 10 quận, huyện với 215 trường trọng tâm truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Sự kiện:
Hà Nội

Trao đổi với Thông tấn xã Việt Nam bà Hoàng Thanh Hương - Trưởng phòng giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến tháng 9/2022, Hà Nội thành lập hơn 900 đoàn thanh kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm 4.493 bếp ăn tập thể trường học và bếp ăn bán trú khu công nghiệp; xử lý vi phạm hành chính 10 cơ sở với số tiền phạt là 132 triệu đồng.

Đặc biệt, trong năm 2022, Hà Nội tập trung kiểm soát bếp ăn tập thể trường học tại 10 quận, huyện gồm: Đống Đa, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Long Biên, Ba Vì, Đông Anh, Đan Phượng, Phúc Thọ, Quốc Oai với 215 trường trọng tâm truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Bà Hương nhận định, so với các trường mầm non, việc kiểm soát tình hình dinh dưỡng bữa ăn tại các nhóm lớp mẫu giáo độc lập tư thục có phần khó hơn. Sở GD&ĐT Hà Nội đã tăng cường kiểm soát công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại tất cả các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập để bảo đảm an toàn cho trẻ.

Hằng năm, Sở GD&ĐT Hà Nội đều có hướng dẫn về chuyên môn, trong đó hướng dẫn về công tác tổ chức bữa ăn bán trú cho trẻ; thực hiện phân cấp quản lý, quản lý hoạt động cấp phép và sau cấp phép với các nhóm lớp mẫu giáo độc lập tư thục.

“Sau dịch Covid-19, Sở GD&ĐT Hà Nội đặc biệt tăng cường tuyên truyền, kiểm tra để đảm bảo công tác an toàn thực phẩm tại các nhóm lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, chúng tôi cũng huy động sự tham gia giám sát của cha mẹ trẻ; các đoàn thể tại địa phương; đồng thời, xây dựng các nhóm lớp điểm về chăm sóc nuôi dưỡng…”, bà Hương nói.

Truy xuất nguồn gốc thực phẩm bếp ăn tại 215 trường học trên địa bàn Hà Nội

Ảnh minh họa

Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT thông tin thêm, thời gian tới, cơ quan chức năng tiếp tục tập trung rà soát quy trình chuẩn, từ nguyên liệu đầu vào, quy trình chế biến, quy trình bếp ăn một chiều, yếu tố con người… Đặc biệt truy xuất nguồn gốc thực phẩm tận nơi sản xuất và cung cấp thực phẩm.

Chính quyền các cấp, ngành Công thương, Nông nghiệp cần quyết liệt trong quá trình truy xuất nguồn gốc bởi các đơn vị cung ứng thực phẩm, lấy nhiều nguồn hàng từ nội địa, ngoại địa nhập vào bếp ăn trường học, không để xảy ra sự cố mất an toàn thực phẩm trong trường học.

Liên quan đến vấn đề này, chia sẻ trên Báo Kinh tế và Đô thị, ông Đặng Thanh Phong, Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra các bếp ăn trường học theo phân cấp. Qua kiểm tra, giám sát, nếu phát hiện vi phạm về an toàn thực phẩm có thể yêu cầu nhà cung cấp dừng ngay việc cung ứng thực phẩm, suất ăn đối với bếp ăn trường học.

Với các nhà trường, ông Phong đề nghị phải đảm bảo những thực phẩm được đưa vào bếp ăn trường học đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đơn vị cung cấp phải chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm.

Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 4.526 cơ sở giáo dục, trong đó có 4.538 bếp ăn tập thể và khu nấu ăn khác. Các hình thức bếp ăn tập thể trường học đang triển khai gồm: Tự tổ chức nấu, liên kết ký hợp đồng với nhà thầu, ký hợp đồng cung cấp suất ăn sẵn. Trung bình khoảng 480 - 500 suất ăn/ngày/trường.

Từ năm 2010 đến năm 2021, Hà Nội có 27 vụ ngộ độc thực phẩm với tổng số 640 người mắc, không có trường hợp tử vong. Trong đó có 8 vụ ngộ độc tại bếp ăn tập thể trường học, chiếm tỷ lệ 47,1%.

 

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại