Thứ bảy, 18/01/2025 | 16:13
RSS

Trường hợp tiếp xúc với F0 như thế nào được xem là F1?

Thứ năm, 30/12/2021, 11:58 (GMT+7)

Theo Công văn số 11042/BYT-DP V/v Điều chỉnh định nghĩa ca bệnh Covid-19 do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký, định nghĩa F1 đã có sự thu hẹp hơn so với giai đoạn trước.

Sự kiện:
Covid-19

Cụ thể, theo Công văn số 11042/BYT-DP V/v Điều chỉnh định nghĩa ca bệnh Covid-19 do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký, người được xác định là F1 nếu thuộc một trong 4 trường hợp sau:

Thứ nhất, người có tiếp xúc cơ thể trực tiếp (bắt tay, ôm, hôn, tiếp xúc trực tiếp dưới da, cơ thể) với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0.

Thứ hai, người đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp trong vòng 2 mét hoặc trong cùng không gian hẹp, kín và tối thiểu trong thời gian 15 phút với ca bệnh xác định (F0) và đang trong thời kỳ lây truyền của F0.

Thứ ba, người không đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp gần trong vòng 2 mét hoặc ở trong cùng không gian hẹp, kín với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0.

Thứ tư, người trực tiếp chăm sóc, khám và điều trị ca bệnh xác định (F0) khi đang trong thời kỳ lây truyền của F0 mà không sử dụng đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân (PPE).

Theo Bộ Y tế, điều chỉnh mới này giúp các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm và quản lý hiệu quả các ca nhiễm trong bối cảnh cả nước thực hiện thích ứng an toàn.

Trường hợp tiếp xúc với F0 như thế nào được xem là F1

Ảnh minh họa

Bộ y tế cũng cho biết, thời kỳ lây truyền của ca bệnh xác định (F0) được tính từ 2 ngày trước khi khởi phát (đối với ca bệnh xác định không có triệu chứng thì thời kỳ lây truyền được tính từ 2 ngày trước ngày được lấy mẫu có kết quả xét nghiệm dương tính) cho đến khi kết quả xét nghiệm âm tính hoặc giá trị CT>30.

Nếu người tiếp xúc gần (F1) có ít nhất 2 trong số các biểu hiện lâm sàng như sốt; ho; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác; giám hoặc mất khứu giác; đau, nhức đầu; tiêu chảy; khó thở; viêm đường hô hấp sẽ trở thành ca bệnh nghi ngờ. Lúc này, người nghi ngờ cần xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc rRT-PCR để xác định tình trạng dương tính.

Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới với các biến chủng có khả năng lây lan nhanh và gây nguy hiểm như Delta và Omicron. Tại Việt Nam dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát, tuy nhiên số ca mắc mới có xu hướng tăng tại một số tỉnh, thành phố.

Ngày 16/12, Bộ Y tế quy định F1 đã tiêm đủ liều vaccine được cách ly tại nhà, bởi hiện nay nhiều tỉnh, thành đã đạt tỷ lệ bao phủ vaccine cao. Từ tháng 7, Bộ Y tế hướng dẫn cách ly F1 tại nhà, áp dụng cho tất cả tỉnh thành trên toàn quốc. Tuy nhiên, việc cách ly F1 tại nhà chủ yếu được thực hiện tại TP HCM và các tỉnh phía Nam. Từ giữa tháng 11, Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc bắt đầu thực hiện.

Đến ngày 28/12, Bộ Y tế cho phép các địa phương sử dụng test nhanh để xác định ca nhiễm và khỏi Covid-19, bên cạnh xét nghiệm PCR như lâu nay. Các chuyên gia nhận định hướng dẫn này sẽ giúp giảm thời gian chờ kết quả của F0 và công việc cho nhân viên y tế.

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại