Không xác nhận nhập học vì những lý do này
Theo thống kê của Bộ GDĐT sau khi kết thúc thời gian xác nhận nhập học, số thí sinh trúng tuyển đại học đợt 1 là là 612.283, chiếm 61,1% so với thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT và chiếm 92,7% so với số thí sinh đăng ký xét tuyển (660.258 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học).
Số thí sinh xác nhận nhập học đợt 1 trên hệ thống là 494.488, chiếm 49,3% so với số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT và chiếm 80,8% so với số thí sinh trúng tuyển đợt 1 trên hệ thống. Như vậy, có hơn 117.000 bị hủy kết quả trúng tuyển do không xác nhận nhập học.
Năm nay, số thí sinh xác nhận nhập học so với số thí sinh trúng tuyển ít hơn so với năm 2022. Năm ngoái, con số này là 81,6%.
Theo các chuyên gia, việc thí sinh không xác nhận nhập học có thể do nhiều nguyên nhân như thí sinh đổi hướng đi du học, học nghề, tham gia xét tuyển bổ sung do không đỗ ngành mình thích, hoặc học phí tăng cao.
Nhiều trường đại học đã đón tân sinh viên nhập học trong tháng 8/2023. Trong ảnh là tân sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội Ảnh: ULIS
Em Nguyễn Thị Vân Anh ở Hà Nội cho biết, với mức điểm xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT là 20 điểm - trong đợt xét tuyển đầu tiên, em đỗ ngành kinh doanh thương mại ở nguyện vọng 1, tuy nhiên, em lại thích ngành Marketing hơn nên từ chối xác nhận nhập học vào ngành mình đã trúng tuyển và tìm cơ hội xét tuyển bổ sung.
Vân Anh đã trúng tuyển ngành Marketing của Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp trong đợt xét tuyển bổ sung. Nữ sinh này cũng thừa nhận khi tham gia xét tuyển bổ sung, cô vừa mừng vừa run. Mừng vì có cơ hội được học ngành mình thích, run vì sợ điểm chuẩn có thể cao hơn so với mức điểm xét tuyển của cô.
Còn thí sinh Lê Thị Hà ở Nam Định cho hay, Hà đăng ký nguyện vọng 1 ngành mình thích là ngành Thương mại điện tử nhưng không đỗ nên em tìm các trường ở Hà Nội có xét tuyển bổ sung ngành này ở đợt 2 dù biết rủi ro khá lớn.
Thí sinh Tống Trung Anh ở Phú Thọ chia sẻ rất thích ngành Răng-Hàm-Mặt nên lựa chọn đăng ký nguyện vọng xét tuyển ở một số trường đại học ngoài công lập do điểm chuẩn có thể phù hợp với học lực. Tuy nhiên, mới đây, Trung Anh hay tin trường này tăng học phí, một học kỳ phải đóng học phí hơn 40 triệu cho ngành Răng-Hàm-Mặt nên nam sinh này đã không xác nhận nhập học mà đợi ôn thi lại năm sau, tìm cơ hội ở các trường có học phí "vừa tầm" so với hoàn cảnh gia đình.
Lưu ý cho thí sinh xét tuyển bổ sung
Theo tìm hiểu của PV, năm 2023, có khá ít các trường đại học công lập ở Hà Nội xét tuyển bổ sung, số lượng chỉ tiêu cũng không nhiều như năm trước. Thậm chí các trường top trên và top giữa gần như đã tuyển sinh đủ chỉ tiêu, số ít chỉ tiêu tuyển bổ sung ở các chương trình đào tạo quốc tế hoặc tuyển bổ sung cho phân hiệu ở các tỉnh, thành khác. Ví dụ như Học viện Ngân hàng xét tuyển bổ sung 2023 nhưng chỉ dành cho phân viện Phú Yên, hay Trường Đại học Thương mại cũng chỉ tuyển sinh bổ sung các chuyên ngành đào tạo trình độ đại học liên kết với các trường đại học đối tác nước ngoài…
TS. Lê Xuân Thành, Trưởng phòng Công tác chính trị - Sinh viên, Trường ĐH Mỏ - Địa chất (Hà Nội) cho biết, để xét tuyển bổ sung vào các trường đại học còn chỉ tiêu, thí sinh cần cập nhật, theo dõi thông tin mới nhất về xét tuyển bổ sung của trường mà mình dự định xét tuyển. TS Thành cũng lưu ý thí sinh cần, nghiên cứu kỹ lưỡng để chọn "điểm rơi" đúng và trúng, khoảng cách an toàn nhất là có mức điểm cao hơn 3 điểm so mức điểm chuẩn đợt 1.
Việc tìm hiểu thông tin, cân nhắc kỹ lưỡng là điều cần thiết, giúp thí sinh chọn đúng ngành nghề theo năng lực cùng môi trường đào tạo phù hợp.
ThS Phạm Doãn Nguyên – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM cho rằng, thí sinh có nhiều cơ hội khi xét tuyển, theo quy chế quyền lợi được đảm bảo tối đa, việc lựa chọn ngành học liên quan đến tương lai, sự nghiệp của các em, vì vậy, thí sinh có thể từ chối không nhập học đợt 1, lựa chọn trường, ngành để theo đuổi đam mê, nguyện vọng, sở thích, sở trường...
Tuy nhiên, ông Nguyên cũng khuyến cáo, trong trường hợp không trúng tuyển đợt tiếp theo thì thí sinh phải chờ xét tuyển năm sau, chậm nhịp so với lứa tuổi…