Thứ sáu, 22/11/2024 | 04:48
RSS

Trung tá Đào Trung Hiếu: Biết nguy hiểm nhưng nhóm 'hiệp sĩ' vẫn đối mặt, đó là nghĩa cử hết sức cao đẹp

Thứ hai, 14/05/2018, 17:34 (GMT+7)

Theo trung tá Đào Trung Hiếu nhóm "hiệp sĩ" đã lường trước nguy hiểm nhưng vẫn đối mặt bất chấp nguy hại đến tình mạng, đây là nghĩa cử cao đẹp cần trân trọng.

Theo trung tá Đào Trung Hiếu nhóm hiệp sĩ đã lường trước nguy hiểm nhưng vẫn đối mặt bất chấp nguy hại đến tình mạng
Trung tá Đào Trung Hiếu. Ảnh Quỳnh An.

Liên quan đến nhóm "hiệp sĩ" khi bắt trộm đã bị tấn công khiến 2 người tử vong, chiều 14/5, trao đổi với PV, Trung tá, Nghiên cứu sinh Đào Trung Hiếu - Chuyên gia Tội phạm học - Bộ Công an đã luận giải những vấn đề xung quanh vụ việc này.

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về sự việc nhóm đối tượng trộm xe SH chống trả, sát hại nhóm "hiệp sĩ" vừa xảy ra tại TP Hồ Chí Minh?

Trung tá Đào Trung Hiếu: Trước hết thông qua phương tiện truyền thông, báo chí, tôi xin bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn của mình tới gia đình các "hiệp sĩ".  Xin được tri ân các anh - những người quả cảm đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ bình yên cuộc sống.

Nghe tin những hiệp sĩ đường phố gục ngã trước đường dao chống trả của bọn tội phạm manh động và liều lĩnh, bản thân tôi hết sức bàng hoàng. Từng là lính hình sự, nhiều lần đối mặt với tội phạm trong những nhiệm vụ tấn công trấn áp tội phạm, chúng tôi hiểu rõ những nguy cơ có thể xảy ra. Nhưng đó là chúng tôi gánh vác sứ mệnh để làm công việc mạo hiểm đó, còn ở đây là những người dân thường, không chế độ, không lương bổng.

Chỉ với trách nhiệm công dân, cùng bản tính nghĩa hiệp, họ đã tình nguyện bước vào đội ngũ những người tham gia, hỗ trợ cơ quan chức năng bài trừ tội phạm. Tôi biết họ đã nhiều lần đối diện với hiểm nguy khi đánh bắt tội phạm đường phố, họ thừa hiểu tính nguy hiểm của công việc này. Tuy vậy, tình yêu với cuộc sống, trách nhiệm với bà con cô bác đã nâng bước chân họ trong hành trình đầy nguy hiểm này.

Phải thấy rõ điều ấy, chúng ta mới có sự tri ân sâu sắc trước những con người quả cảm đó, xúc động thực sự trước gương hy sinh cao đẹp của họ vì bình an cho tất cả mọi người.


Trung tá Đào Trung Hiếu chia sẻ về "hiệp sĩ" bắt cướp ở Sài Gòn

Được biết hoàn cảnh gia đình của các "hiệp sĩ" gặp rất nhiều khó khăn. Đây là lúc cộng đồng cần thể hiện lòng biết ơn bằng những hành động cụ thể. Đó có thể là việc quyên góp, ủng hộ tài chính để giúp đỡ những gia đình những người bị nạn đỡ phần khó khăn, vơi bớt đau thương. Đó có thể là việc tạo cơ hội công ăn, việc làm, đi học cho vợ con, thân nhân gia đình họ…. 

Phóng viênViệc cổ vũ  nhân rộng phong trào "hiệp sĩ"  giữ gìn ANTT, ông đánh giá như thế nào?

Trung tá Đào Trung Hiếu: Tôi thấy đó là việc rất cần thiết. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm, trách nhiệm bảo vệ bình yên cuộc sống không thể chỉ do một lực lượng đảm nhận, mà đó là trách nhiệm của toàn xã hội. Trong đó, mỗi người dân phải là một chiến sĩ trong mặt trận bảo vệ ANTT. 

Tôi được biết ở nhiều địa phương, việc người dân tự giác thành lập các tổ tự quản, các CLB phòng chống tôi phạm đã đem lại những hiệu quả rất tích cực trong công tác duy trì trật tự trị an. Ở đâu phong trào cơ sở tốt, ở đó tội phạm được kiềm chế, đẩy lùi. Bởi tội phạm luôn bước ra từ cửa một ngôi nhà nào đó. Cấp cơ sở mạnh giúp cho việc ngăn chặn tội phạm từ trứng nước. 

Hiện trường vụ bắt cướp tại Sài Gòn
Hiện trường vụ bắt cướp tại Sài Gòn

Phóng viênTheo ông các "hiệp sĩ" và người dân có được quyền bắt giữ tội phạm?

Trung tá Đào Trung Hiếu: Tôi cũng nhận được nhiều ý kiến thắc mắc về tính pháp lý của hành động bắt cướp của các hiệp sĩ. Nhiều người hỏi căn cứ pháp lý nào cho phép những người dân được quyền bắt tội phạm?

Xin thưa, theo quy định tại Điều 111 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, quy định về trường hợp phạm tội quả tang thì bất cứ người nào cũng có quyền bắt giữ. Đó là trường hợp đang phạm tội hoặc ngay sau khi phạm tội thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt. Như vậy, việc các hiệp sĩ bắt giữ những tên tội phạm khi chúng đang có hành vi trộm cắp tài sản là hoàn toàn được phép. 

Thực tế là cơ quan chức năng không thể luôn có mặt kịp thời tại những nơi xảy ra tội phạm, với sự vào cuộc của toàn xã hội, trong đó có các tổ tự quản, các CLB phòng chống tội phạm…chúng ta có thể kịp thời ngăn chặn tội phạm khi nó xảy ra.

Người dân cần chủ động hơn nữa trong sự nghiệp này, vì sự an toàn cho tất cả mọi người, trong đó có chúng ta. Đó là trách nhiệm công dân, đồng thời là nhiệm vụ cao cả của mỗi người đối với cộng đồng.

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về hành vi tàn ác của nhóm trộm xe SH?

Trung tá Đào Trung Hiếu: Có một đặc điểm trong tâm lý tội phạm rất phổ biến, đó là chúng rất sợ bị trừng trị, bị đi tù. Chúng thừa biết hành vi của mình vi phạm pháp luật chống lại xã hội, đi ngược lại các chuẩn mực đạo đức và pháp luật. Chúng sẽ bị trừng trị nếu bị bắt, sẽ phải gánh chịu những hậu quả pháp lý không mong muốn.

Do đó, bản năng tự vệ sẽ thôi thúc chúng thành hành động chống trả để triệt tiêu nguy cơ bị bắt. Trong vụ án này, người truy đuổi là bất cứ ai cũng sẽ bị chúng chống trả, kể cả là lực lượng chức năng. Bất cứ ai đẩy chúng vào khả năng bị bắt là chúng sẽ chống lại. Đây là phản ứng tâm lý của tội phạm mọi người cần biết khi bắt tội phạm.

Nhóm đối tượng lấ trộm chiếc xe máy SH bị các hiệp sĩ bắt giữ nên chống trả
Nhóm đối tượng lấ trộm chiếc xe máy SH bị các hiệp sĩ bắt giữ nên chống trả

Phóng viên: Theo ông, Công an TP.HCM có nên thành lập tổ công tác trấn áp tội phạm đường phố lực lượng 141 như Công an Hà Nội đã làm hay không?

Trung tá Đào trung Hiếu: Rất nên. Ttừng công tác tại Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội, trực tiếp tham gia chỉ huy hoặc xử lý cùng tổ công tác đặc biệt 14, tôi thấy việc triển khai các tổ công tác liên nghành, (cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông, cảnh sát hình sự), mật phục kết hợp hóa trang kết hợp lực lượng công khai chốt chặn trên các tuyến giao thông là hết sức có ý nghĩa trong việc phòng ngừa sớm tội phạm.

Vì trong quá trình di chuyển, tội phạm có thể vi phạm giao thông hoặc biểu hiện nghi vấn thì các trinh sát có thể tổ chức kiểm tra hành chính, khi đó nếu phát hiện trong người có hung khí thì lực lượng cảnh sát đã có thể bắt giữ, thu giữ hung khí từ đó ngăn chặn sớm một vụ trọng án có thể xảy ra.

Rất nhiều băng nhóm giang hồ dẫn quân đi để thanh toán nhưng trên đường đi gặp lực lượng 141 nên đã bị chặn lại. Như vậy, chúng ta đã tháo sớm ngòi nổ về an ninh trật tự.

Tôi cho rằng, tình hình an ninh trật tự TP.HCM rất phức tạp nên cần thiết duy trì các tổ công tác lưu động như 141, phối hợp với các tổ dân phòng tự quản, câu lạc bộ phòng chống tội phạm tạo thành thế trận đan xen giữa các lực lượng với nhau để phát hiện sớm và kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm.

Phóng viên: Đối với những "hiệp sĩ" đã hy sinh, pháp luật có quy định về chế độ chính sách gì cho họ? 

Trung tá Đào Trung Hiếu: Năm 2017 bộ công an có lấy ý kiến lần thứ 2 về quy chế xây dựng quỹ về phòng chống tối phạm có thưởng nóng 5 triệu đồng với cá nhân và 20 triệu đồng đối với tập thể với người dân tham gia bắt giữ phòng chống tội pham thì tôi cho rằng đây là việc làm hết sức cần thiết kịp thời động viên, khích lệ người dân tham gia sâu hơn nữa vào công tác giữ gìn  trật tự trị an.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có một quy định nào của pháp luật quy định rõ về chế độ đền bù, hỗ trợ người dân bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe tài sản khi tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm, nên khi xảy ra những tổn thất, việc vận dụng các quy định để hỗ trợ người dân còn gặp lúng túng.

Bên cạnh đó, đối chiếu với Pháp lệnh ưu đãi người có công, tôi thấy cần xác nhận LIỆT SĨ với những công dân hy sinh khi tấn công bắt giữ tội phạm, như trong vụ án vừa xảy ra.

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về hành vi các đối tượng?

Trung tá Đào Trung Hiếu: Hành vi của đối tượng không dừng lại ở tội trộm cắp tài sản, tội  giết người đã cấu thành. Nếu việc chống trả quyết liệt của nhóm tội phạm nhằm mang tang vật đi, thì có sự chuyển hóa tội phạm từ hành vi trộm thành cướp tài sản (đầu trộm đuôi cướp)

Phóng Viên: Qua việc này theo ông có nên trang bị vũ khí cho nhóm "hiệp sĩ" không thưa ông?

Trung tá Đào Trung Hiếu: Rất cần thiết phải trang bị công cụ hỗ trợ (áo giáp, găng bắt dao, dùi cui) cho các thành viên của câu lạc bộ phòng chống tội phạm. Bởi đây là tổ chức tự quản, tự thành lập của người dân, nhưng được cấp chính quyền cơ sở chấp thuận, có nơi do UBND phường, xã lập ra. Vì vậy, để bảo đảm an toàn cho thành viên các tổ chức này khi thực hiện nhiệm vụ, cần có sự huấn luyện về pháp luật, nghiệp vụ, kỹ năng xử lý tình huống cho họ. Bên cạnh đó cần có chế độ phụ cấp (điện thoại, xăng cộ) cho thành viên các tổ chức này để họ yên tâm và đỡ thiệt thòi khi phục vụ công việc chung.

Tôi từng tham dự các buổi sinh hoạt của các CLB phòng chống tội phạm gồm người lái xe ôm, tiểu thương làm việc ngoài đường, tượng tự như CLB hiệp sĩ trong TP Hồ Chí Minh. Tại đây họ được phổ biến các kiến thức pháp luật, như được bắt giữ tội phạm trong trường hợp nào, quy trình ra sao. Có CLB còn triển khai hướng dẫn các động tác võ thuật cơ bản phục vụ việc bắt giữ tội phạm.

Từ vụ án đau lòng này, tôi cho rằng cần sớm có quy chế chính thức về tổ chức và hoạt động của các tổ chức tự quản, các CLB phòng chống tội phạm; ban hành chế độ chính sách đãi ngộ thỏa đáng, đẩy mạnh việc đào tạo kỹ năng xử lý tình huống, đào tạo võ thuật, kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho các tổ chức tự quản, dân lập, các CLB phòng chống tội phạm… để chủ động giảm thiểu thiệt hại khi người dân tiếp cận đánh bắt tội phạm.

 

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi.

Cao Nguyên
Theo Đời sống Plus/GĐVN