Thứ bảy, 23/11/2024 | 17:06
RSS

Tránh trẻ tử vong vì uống sữa: Bác sĩ khuyến cáo các kiêng kỵ nhất định mẹ phải biết

Thứ ba, 27/12/2016, 12:03 (GMT+7)

Một bé mầm non đã chết tại lớp sau khi uống một cốc sữa đã dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả mọi người. Sữa là thực phẩm tốt nhưng kèm theo đó có rất nhiều kiêng kỵ mà mẹ nào cũng phải biết.

Bé mầm non chết tức tưởi sau khi uống sữa đậu nành

Mới đây, một bé trai đang ở tuổi mẫu giáo tên là Sơn Sơn (Trung Quốc) đã tử vong ở trường mẫu giáo sau khi uống một cốc sữa đậu nành. Sự việc này khiến cha mẹ, thầy cô và rất nhiều người đau lòng.

Mẹ của Sơn cho biết, buổi sáng chị có làm sữa đậu nành cho con uống như bình thường. Sau bữa sáng, mẹ còn cho bé mang theo một cốc để đến trường uống.

Tuy nhiên, khi vừa đến lớp được một lát thì bé cảm thấy buồn nôn, sau đó nôn ói liên tục và khó thở. Các cô giáo ngay lập tức gọi xe cấp cứu để đưa bé đến bệnh viện.

Sữa đậu nành là nguyên nhân dẫn đến cái chết của bé Sơn Sơn

Mặc dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng bé Sơn đã tử vong ngay sau đó ít giờ. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, gia đình và lực lượng chức  năng đã mời pháp y hộ trợ trong việc tìm ra nguyên nhân khiến bé Sơn tử vong.

Sau khi khám nghiệm và làm các xét nghiệm cần thiết, cơ quan chức năng kết luận, nguyên nhân dẫn đến cái chế của bé mầm non này là do cốc sữa đậu nành chưa được nấu chín kỹ.

Bác sĩ nói gì?

Sữa đậu nành được làm từ đậu tương có giá trị dinh dưỡng khá cao, cứ 100ml sữa đậu nành (100g đậu/lít) cung cấp 28kcalo, 3,1g chất đạm (protein), 1,6g chất béo, 0,4g gluxit, 18mg canxi, 1,2mg sắt và còn nhiều vitamin và chất khoáng khác.

Thầy thuốc ưu tú, thạc sĩ, bác sĩ Dzoãn Thị Tường Vi – Viện phó Viện Dinh dưỡng Lâm sàng cho biết, đậu nành là một nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, giàu chất đạm.

Trong sữa đậu nành, hàm lượng lysine cao hơn ngũ cốc, có thể bổ sung lượng lysine còn thiếu trong gạo và bột mì. Chất béo trong sữa đậu nành còn rất phong phú, hơn nữa còn chứa nhiều axit béo cần thiết, thích hợp cho quá trình phát triển của trẻ.

Do đó, có thể sử dụng sữa đậu nành xen kẽ với sữa bột cho con uống.

Tuy nhiên, bác sĩ Vi cũng khuyến cáo, trong sữa đậu nành sống có chứa một thành phần nguy hiểm, đó là chất saponin. Chất này có thể gây rối loạn đường tiêu hóa, dẫn đến buồn nôn, nôn và đau bụng, tiêu chảy…

Sữa đậu nành phải cẩn thận trong khâu chế biến - Bác sĩ Tường Vi chia sẻ

Ngoài ra, trong sữa đậu nành sống còn có chất chống trypsin, chất này có khả năng làm dạ dày bị giảm tiêu hóa protein, chỉ khi đun nóng đến 100 ℃ chất này mới có thể bị tiêu hủy.

Vì thế, riêng sữa đậu nành cần phải đun sôi hoàn toàn trước khi uống.

Để an toàn nhất, phải đun sữa sôi hẳn 100 độ, sau đó giảm nhỏ lửa và đun thêm 5 phút mới có thể sử dụng.

Không chỉ phải đun sôi sữa, khi nấu sữa cũng phải mở vung (nắp) nồi để cho chất độc hại trong sữa bốc hơi cùng với hơi nước.

Bác sĩ Tường Vi cũng đưa ra lời khuyên dành cho các bà nội trợ khi nấu và bảo quản sữa đậu nành cho gia đình: "Sữa đậu nành được nấu sôi tiệt trùng tại nhà hay mua ở ngoài chợ đựng trong chai/túi, nên cất trữ trong tủ lạnh (đặc biệt vào mùa hè) và uống hết lượng sữa trong chai/túi đã mở trong vòng 24 giờ. Với loại sữa đậu nành đựng trong hộp giấy đã được tiệt trùng, khi đã được mở hộp thì buộc phải được bảo quản trong tủ lạnh và dùng hết trong vòng 48 giờ”.

“Khi dùng sữa đậu nành cho trẻ em từ l tuổi đến 5 tuổi chỉ nên thay thế một phần sữa động vật, không nên thay thế hoàn toàn vì khi uống nhiều sữa đậu nành sẽ gây khó tiêu, đầy hơi, tiêu chảy do các chất dinh dưỡng trong đó không được hấp thu hết” bác sĩ Tường Vi cho hay.

Sữa đậu nành không được pha cùng đường màu nâu và không được uống khi đói bụng

 Những lưu ý đối với việc kết hợp thực phẩm đối với sữa đậu nành:

  • Không uống sữa đậu nành khi đói bụng
  • Không pha sữa đậu nành với đường nâu.
  • Không để sữa trong bình giữ nhiệt.
  • Không uống cùng với thuốc.
  • Trước và sau khi uống sữa 1 giờ không nên ăn cam quýt.
  • Nếu uống sữa trong thời gian dài phải kết hợp bổ sung kẽm.

Hải Bình
Theo Đời sống Plus