Thứ tư, 16/10/2024 | 09:41
RSS

Tranh cãi về việc thêm ngày nghỉ lễ 27.7

Thứ năm, 02/05/2019, 07:39 (GMT+7)

Một trong những nội dung đáng chú ý trong Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) đang được Bộ LĐTBXH đăng tải lấy ý kiến chính là việc bổ sung thêm ngày nghỉ lễ 27.7 trong năm.

Theo Dự thảo tờ trình Chính phủ về Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, Bộ LĐTBXH cho biết, trong quá trình chuẩn bị dự thảo, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung ngày 27.7 làm ngày nghỉ lễ để nhân dân có một ngày được nghỉ làm việc thực hiện những hoạt động thiết thực tri ân những người có công với cách mạng, với đất nước. Ban soạn thảo cho rằng ý kiến đề xuất bổ sung một ngày nghỉ lễ để tri ân người có công (vào ngày 27.7 dương lịch) là phù hợp.

Ông Mai Đức Thiện - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ LĐTBXH, đại diện tổ soạn thảo dự luật cho biết: “Việc chọn ngày 27.7 là ngày nghỉ lễ sẽ nâng tầm của Ngày Thương binh, liệt sỹ, với ý nghĩa tri ân tất cả những người có công với đất nước, với cách mạng, với các bậc tiền bối, với cha mẹ, người sinh thành, nuôi dưỡng và tôn vinh giá trị văn hóa Việt Nam”.

Tranh cãi về việc thêm ngày nghỉ lễ 27.7Theo đại diện Bộ LĐTBXH việc có thêm một ngày nghỉ lễ sẽ giúp nhân dân có thể tri ân tất cả những người có công với đất nước, với cách mạng. Ảnh: I.T

Thêm vào đó, việc tăng thêm một ngày nghỉ lễ cũng giúp cho người lao động có thêm một ngày nghỉ trong năm để vừa tri ân người có công, vừa nghỉ ngơi tái sản xuất sức lao động, vừa có thêm thời gian chăm lo gia đình và để góp phần kích thích các ngành dịch vụ phát triển.

Mặc dù vậy, theo ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH thì chưa nên bổ sung ngày nghỉ 27.7 vào lúc này. Theo ý kiến của ông Phạm Minh Huân, việc điều chỉnh tăng hay giảm số ngày nghỉ lễ của người lao động cần tính tới các tác động kinh tế xã hội.

“Năng suất lao động đang là một thế mạnh để cạnh tranh giữa các quốc gia trong xu thế toàn cầu và công nghệ 4.0. Trong khi đó, năng suất lao động của chúng ta còn khiêm tốn nếu so với các quốc gia trên thế giới cũng như trong khu vực. Việc có thêm 1 ngày nghỉ sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp” - ông Phạm Minh Huân nói.

Tranh cãi về việc thêm ngày nghỉ lễ 27.7Ông Phạm Minh Huân - Nguyên thứ trưởng Bộ LĐTBXH thì cho rằng năng suất lao động Việt Nam đang thấp, nên tính toán ngày nghỉ hợp lý để không gây khó khăn trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Ảnh: I.T

Bổ sung nhận định về quy định nghỉ lễ hiện nay, ông Huân cho biết: “Luật Lao động 2012 đã khá nhân văn khi đảm bảo trọn vẹn ngày nghỉ của người lao động. Theo đó, nếu ngày nghỉ trùng vào ngày cuối tuần, người lao động vẫn được nghỉ bù vào ngày liền kề tiếp theo. Tinh thần đó cần được phát huy".

Bất chấp những quan điểm trái chiều của đại diện người sử dụng lao động và một số chuyên gia, ông Lê Đình Quảng – Phó trưởng Ban quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) lại đồng tình với lý giải của Bộ LĐTBXH và cho rằng nên có thêm một ngày nghỉ cho người lao động.

Ông Quảng cho rằng, tất nhiên đứng ở góc độ của người sử dụng lao động, thì họ không muốn có thêm ngày nghỉ, vì nếu có thêm một ngày nghỉ thì doanh nghiệp vẫn phải cho lao động nghỉ làm, nhưng vẫn phải trả lương.

“Việc họ không mong muốn cũng là đúng thôi. Mình cũng chia sẻ với góc độ người sử dụng lao động. Mình có 2 kỳ nghỉ dài, thực tế mình chỉ có 10 ngày nghỉ  lễ Tết (Tết và 30.4, 1.5 và 10.3 (âm lịch) ngày 2.9) thấp hơn rất nhiều so với các nước trong Khu vực. Cụ thể: ở Campuchia nghỉ 28 ngày/năm; Brunei 15 ngày/năm; Indonesia 16 ngày; Malaysia 12 ngày, Myanmar 14 ngày, Philippine 12 ngày, Singapore 11 ngày; Thái Lan 16 ngày… Trong khi hiện Việt Nam chỉ 10 ngày/năm.

Thực tế ngày 30.4 và mùng 1.5, Việt Nam nghỉ chỉ có 2 ngày còn 2 ngày liên quan nghỉ cuối tuần và 1 ngày nghỉ nhưng đi làm bù.

“Trước đây Tổng Liên đoàn có đề xuất thêm một ngày vào 1 ngày Tết Dương lịch và ngày Tết Âm lịch hướng tới tổng ngày nghỉ 12 ngày, nhưng đề xuất này không được thông qua” – ông Quảng nói.

Còn theo bà Nguyễn Thị Lan Hương – Nguyên viện trưởng Viện Khoa học lao động thì xu hướng xã hội ngày càng phát triển, thì người ta càng tiến tới việc giảm giờ làm, tăng giờ nghỉ ngơi. “Xuất phát từ điều đó, Bộ LĐTBXH chọn ngày 27.7 là rất hợp lý, bởi đây là cơ hội để lao động được tái tạo sức lao động, chia đều ngày nghỉ trong năm, qua từng tháng, từng quý” – bà Hương nói.

Đại diện Bộ LĐTBXH cho biết, sau 60 ngày đăng tải Dự thảo Luật Lao động sửa đổi để lấy ý kiến thì Bộ LĐTBXH sẽ trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội xem xét thảo luận. Sau khi có ý kiến của Quốc hội thì Bộ sẽ tiếp tục đăng ải lấy ý kiến thêm nhiều lần nữa. Dự kiến, Cuối năm 2019 Quốc hội sẽ thảo luận để thông qua Luật Lao động sửa đổi.

Nguyệt Tạ
Dân Việt