Thứ sáu, 26/04/2024 | 01:26
RSS

TP.HCM nghiên cứu cho tiểu thương chợ truyền thống bán luân phiên

Thứ bảy, 26/06/2021, 07:30 (GMT+7)

Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu các địa phương xem xét, nghiên cứu mô hình Quận 8 đang áp dụng là có thể bố trí tiểu thương trong chợ truyền thống buôn bán luân phiên theo ngày. Còn các chợ đầu mối phải có phương án hoạt động cụ thể.

Sự kiện:
TP.HCM

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp trên địa bàn, đặc biệt là nhiều ổ dịch tại các chợ đầu mối, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 TP.HCM trong chiều nay (25/6), Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các địa phương xem xét, nghiên cứu mô hình Quận 8 đang áp dụng là có thể bố trí tiểu thương trong chợ truyền thống buôn bán luân phiên theo ngày. Còn các chợ đầu mối phải có phương án hoạt động cụ thể.

TP.HCM nghiên cứu cho tiểu thương chợ truyền thống bán luân phiên

Người dân đi Chợ Bà Chiểu (Phường 1, quận Bình Thạnh) bắt buộc phải khai báo y tế, đeo khẩu trang, sát khuẩn, đo thân nhiệt khi vào chợ. Ảnh: Kim Vân

Giảm mật độ khu cách ly bằng cách ly F1 tại nhà

Trước diễn biến phức tạp về tình hình dịch bệnh COVID-19 tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn góp ý với Thành phố một số vấn đề. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, hiện nay việc cách ly F1 trên địa bàn thành phố đang tăng cao, gây áp lực lên các cơ sở cách ly, đặc biệt là cho nhân viên y tế.

Điển hình như tại Khu cách ly Ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM, chỉ cách ly khoảng 2.000 người nhưng nhân viên y tế đang kiệt sức. Tại đây không có nhân viên thu tiền hằng ngày, nhân viên y tế phải kiêm nhiệm thực hiện mọi việc kể cả thu tiền của người cách ly. Ngoài ra, tình trạng ứ đọng rác thải chưa kịp xử lý. Thêm vào đó, người cách ly sau 21 ngày được hoàn thành việc cách ly và được trở về nhưng vẫn phải chờ thêm 2-3 ngày sau vì chưa có kết quả xét nghiệm nên chịu áp lực tâm lý.

TP.HCM nghiên cứu cho tiểu thương chợ truyền thống bán luân phiên

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại buổi họp Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM chiều 25/6. Ảnh: TTBC

"Có lẽ chúng ta nên tập trung ở những khu cách ly cho đảm bảo. Sáng nay Bộ Y tế cũng đã ký quyết định cho thí điểm cách ly tại nhà. Nếu chúng ta có trường hợp nào có điều kiện thì nên tranh thủ để giảm bớt tần suất, mật độ trong các khu cách ly của thành phố", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, vấn đề quan trọng của TP.HCM hiện nay là đánh giá được tình hình diễn biến dịch tới đâu, kiểm soát kiềm chế ở mức độ nào, để từ đó mới có biện pháp xử lý, nếu đánh giá không đúng tình hình thì hậu quả khó lường. Đối với các chuỗi lây nhiễm tại Thành phố, khi vừa khoanh vùng kiểm soát được chuỗi này lại phát triển các chuỗi lây nhiễm mới, điều đó cho thấy so với ngày 27/5, các điểm và chuỗi lây nhiễm bất chợt và rất khó lường. 

Vừa qua, TP.HCM đã thực hiện các giải pháp trong Chỉ thị 10, đạt kết quả nhất định nhưng tình hình còn diễn biến phức tạp vì vậy phải xem xét các biện pháp cao hơn.

Nghiên cứu tổ chức chợ luân phiên

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, các giải pháp trong Chỉ thị 10 của UBND TP.HCM so với Chỉ thị 16 của Thủ tướng cũng tương tự, chỉ có điều chợ chưa cấm và cũng không thể cấm việc lưu thông hàng hóa, dẫn đến đứt gãy sản xuất trong việc phát triển kinh tế xã hội Thành phố cần các biện pháp kiên quyết hơn, triệt để hơn. Lấy ví dụ một chợ thủy sản ở Trung Quốc trở thành ổ dịch lây lan bùng phát dịch bệnh, Phó Thủ tướng tán thành việc cấm chợ, phải "cắn răng chịu đựng", vì hiện nay xuất hiện nhiều ca nhiễm từ các khu chợ có mật độ giao thương lớn, nếu không khéo sẽ mất kiểm soát.

TP.HCM nghiên cứu cho tiểu thương chợ truyền thống bán luân phiên

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng TP.HCM đã thực hiện các giải pháp trong Chỉ thị 10, đạt kết quả nhất định nhưng tình hình còn diễn biến phức tạp vì vậy phải xem xét các biện pháp cao hơn. Ảnh: TTBC

Tiếp thu ý kiến đóng góp của Phó Thủ tướng Trường Hòa Bình và Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đánh giá đợt dịch lần này tại Thành phố con số đã vượt qua 2000 ca nhiễm, TP.HCM đã trải qua 9 ngày liên tiếp có số ca nhiễm trên 100 ca, đặc biệt từ 6h ngày 24/6 đến 06 giờ ngày 25/6, Thành phố ghi nhận 667 ca nhiễm, là con số cao nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, các ca nhiễm trong số này phần lớn trong khu cách ly phong tỏa, chỉ có 10 trường hợp đang điều tra để xác định nguồn lây. Do đó, về cơ bản Thành phố vẫn đang kiểm soát được tình hình. Đáng lo ngại nhất là các chuỗi lây nhiễm tại khu công nghiệp và chợ đầu mối.

Cũng theo ông Nguyễn Thành Phong, TP.HCM sẽ kết thúc đợt giãn cách lần 2 vào ngày 30/6, các sở ngành, quận huyện phải đánh giá lại việc triển khai các giải pháp trong Chỉ thị 10 trên địa bàn và đề ra các giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong 5 ngày giãn cách còn lại.

TP.HCM nghiên cứu cho tiểu thương chợ truyền thống bán luân phiên

Chủ tịch UBND TP.HCM - Ông Nguyễn Thành Phong cho hay, TP.HCM nên tính toán, nghiên cứu mô hình Quận 8 đang áp dụng là có thể bố trí tiểu thương trong chợ buôn bán luân phiên theo ngày. Ảnh: TTBC

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng yêu cầu tăng cường phát huy vai trò của các tổ COVID cộng đồng, đề nghị cứ 300 hộ dân phải có 1 tổ COVID cộng đồng và phát huy tối đa trên tinh thần đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để phát hiện kịp thời các trường hợp có nguy cơ.

Đối với chợ truyền thống, có thể nghiên cứu mô hình bán hàng của Quận 8 đang áp dụng, có thể là luân phiên cách ngày. Còn chợ đầu mối phải có phương án cụ thể. Sở Công Thương cần thảo luận với các quận, huyện và TP Thủ Đức để yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết về thực hiện tiêu chí an toàn trong phòng chống COVID-19. Trường hợp nào vi phạm cam kết lập tức tạm ngưng kinh doanh.

Đối với công tác phòng chống dịch tại công sở, cơ quan nhà nước, cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng chống dịch, thực hiện khử khuẩn, giãn cách và tăng cường họp trực tuyến. Đối với các cuộc họp bắt buộc phải tổ chức trực tiếp thì phải có văn bản xin ý kiến của địa phương.

Kim Vân
Theo GiadinhNet