Thứ năm, 25/04/2024 | 23:29
RSS

TP.HCM có gần 40.000 người liên quan đến các ca bệnh Hội thánh Phục Hưng, SARS-CoV-2 đã lan đến Tây Ninh, Long An, Bạc Liêu

Thứ bảy, 29/05/2021, 14:26 (GMT+7)

Báo cáo với Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến Chính phủ sáng 29/5, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, chuỗi lây nhiễm tại Hội thánh với đặc điểm chủng virus lây nhanh, mạnh nên nguy cơ dịch tiếp tục lây lan tại TP.HCM là rất cao, thậm chí có thể lây lan đến các tỉnh, thành lân cận.

Sự kiện:
Covid-19 TP.HCM

TP.HCM có gần 40.000 người liên quan đến các ca bệnh Hội thánh Phục Hưng

TP.HCM hiện có hàng chục điểm cách ly, phong tỏa do liên quan đến chùm lây nhiễm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng.

Tốc độ lây nhiễm rất nhanh

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, tối 26/5 TP phát hiện 3 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Qua điều tra dịch tễ xác định cả 3 bệnh nhân đều là thành viên của tổ chức tôn giáo có tên Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, địa chỉ sinh hoạt tại quận Gò Vấp. Đến trưa nay (29/5), đã có 85 ca dương tính từ chuỗi lây nhiễm này.

Kết quả truy vết cho thấy, BN6293 (vợ mục sư, phụ trách Hội thánh) từng di chuyển ra Hà Nội từ ngày 23/4 đến 29/4, có triệu chứng bệnh từ ngày 13/5/2021.

Toàn thành phố có 16/22 địa phương có liên quan đến các ca bệnh gồm: TP.Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Nhà Bè, Bình Tân, Bình Chánh, quận 1, 3, 4, 5, 10, 12.

Tổng số F1: 958 người, 671 mẫu âm tính, 287 chờ kết quả. Tổng số F2: 37.921 người, 11.483 mẫu âm tính, 26.438 chờ kết quả.

Kết quả giải trình tự gen SARS-CoV-2 của 5 người bệnh đầu tiên trong chuỗi lây nhiễm liên quan Hội thánh đều thuộc biến chủng Ấn Độ. Như vậy, TP.HCM đã ghi nhận sự lưu hành đồng thời của cả hai biến chủng được cho là có khả năng lây lan nhanh (biến chủng Ấn Độ và Anh) ở các ca bệnh cộng đồng.

Ông Phong nhấn mạnh: "Ca bệnh đã xuất hiện rải rác tại hơn 50% quận, huyện của TP.HCM, với đặc điểm chủng virus lây nhanh, mạnh nên nguy cơ dịch tiếp tục lây lan tại TP.HCM là rất cao, do mức độ người dân đi lại và giao lưu, tiếp xúc trong lao động, học tập, sinh hoạt; thậm chí có thể lây lan đến các tỉnh thành lân cận".

Đến thời điểm này, ngoài TP.HCM, các tỉnh Tây Ninh, Bạc Liêu, Long An đều đã có ca mắc Covid-19 liên quan đến Hội thánh này.

Ngoài ra, TP còn ghi nhận chuỗi lây nhiễm từ 2 trường hợp dương tính với SARS-CoV2 tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn (BN6444, BN6445). Sau đó vào ngày 28/5 tiếp tục ghi nhận 2 trường hợp dương tính là con trai của 2 vợ chồng nêu trên và 1 đồng nghiệp của người vợ (BN6447). Sáng 29/5 thêm một trường hợp dương tính liên quan đến chùm ca bệnh này.

Hiện nay TP đang mở rộng truy vết, xem có liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng hay không do xảy ra cùng thời điểm.

"Về biểu hiện bệnh, cả 4 ổ dịch mới đây đều được phát hiện qua sàng lọc bệnh nhân đến khám bệnh tại các cơ sở y tế; ngoài ra ổ dịch liên quan đến ca phát hiện tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn không có yếu tố dịch tễ cho thấy có thể dịch đã lan truyền âm thầm trong thành phố mà không phát hiện được dù chúng ta đã rất nỗ lực giám sát", ông Phong nói.

TP.HCM có gần 40.000 người liên quan đến các ca bệnh Hội thánh Phục Hưng

Lấy mẫu xét nghiệm 700 công nhân một công ty trong KCN Tân Bình vì liên quan đến ca Covid-19 Hội thánh truyền giáo Phục Hưng.

Nguy cơ rất cao trong khu công nghiệp, kiến nghị hỗ trợ thành phố tìm nguồn cung vaccine

Theo ông Phong, 55% bệnh nhân lây nhiễm từ sinh hoạt tôn giáo, 25% tại nơi làm việc, 15% trong gia đình và 5% trong quan hệ bạn bè.

Như vậy, ngoại trừ sự lây nhiễm từ sinh hoạt đặc biệt của một tổ chức thì nguy cơ lây nhiễm tại những nơi làm việc khá cao. Đáng kể là sự lây nhiễm trong các tòa nhà văn phòng, thường là môi trường kín, sử dụng máy lạnh trung tâm. Đây là mối lo lớn cho trung tâm kinh tế, công nghệ như TP.HCM.

Về nguy cơ đối với các khu công nghiệp, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết TP.HCM cũng đã ghi nhận 2 ca bệnh làm việc trong 2 khu công nghiệp lớn là Tân Bình và Tây Bắc Củ Chi. Ngoài ra cũng không loại trừ có thể có một số người sinh hoạt ở Hội thánh truyền giáo Phục Hưng cũng làm việc tại các công ty trong khu công nghiệp.

"Việc này cho thấy nguy cơ dịch bệnh lây lan từ cộng đồng dân cư vào khu công nghiệp hoặc ngược lại thông qua người lao động. Có thể vẫn tiếp tục ghi nhận các ổ dịch rải rác, các chùm ca bệnh trong cộng đồng do có nhiều nguồn lây chưa được phát hiện, kiểm soát từ các ổ dịch cũ hoặc từ các địa phương khác hoặc có các nguồn lây nhập cảnh từ nước ngoài chưa được phát hiện", ông Phong nhấn mạnh.

Về giải pháp thời gian tới, ngoài thực hiện nghiêm chỉ đạo của các cấp, TP.HCM sẽ tăng cường quản lý các tổ chức xã hội, tổ chức tôn giáo; truyền thông, vận động để thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi của người đứng đầu và của các hội viên.

Mặt khác, các khu công nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tổ chức khai báo y tế chặt chẽ, theo dõi tình trạng sức khỏe của người lao động; tìm hiểu nguyên nhân người lao động nghỉ làm, qua đó phát hiện sớm ca bệnh.

Doanh nghiệp chủ động điều chỉnh việc vận hành sản xuất để vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa sản xuất, kinh doanh Doanh nghiệp tự xây dựng phương án phòng chống dịch cụ thể của chính đơn vị mình cho các tình huống dịch có thể xảy ra.

TP siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nhất là trong công tác quản lý nhập cảnh, phát huy mạnh mẽ vai trò tổ Covid-19 cộng đồng. Xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép, rút giấy phép những cơ sở lưu trú cho đối tượng nhập cảnh trái phép lưu trú.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng cho biết, số người trên 18 tuổi của TP.HCM hiện là 7,2 triệu. Các nhóm đối tượng do ngân sách hỗ trợ được TP.HCM đăng ký nhận vaccine với Bộ Y tế là 1,6 triệu người. Như vậy, số người trong diện còn lại phải tiêm từ kinh phí do TP.HCM bố trí gồm ngân sách, nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ... khoảng 5,6 triệu người.

TP.HCM kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế hỗ trợ tìm nguồn cung vaccine (đàm phán, cấp phép) và cơ chế tài chính khi mua nhóm vaccine này.

Bạch Dương
Theo Dân Việt