1. Loạt ca khúc tuyên truyền về phòng chống Covid-19 ra đời thu hút sự chú ý của người nghe, xem tại Việt Nam và thế giới.
Trong số đó có thể kể đến các ca khúc nổi bật như "Ông bà anh thời Covid-19" (Lê Thiện Hiếu), "Đôi mắt nCoV" (Sa Huỳnh), "Đại dịch corona" (Vũ Minh Vương), "Việt Nam ơi! Đánh bay Covid" (Minh Beta), "Tiêu diệt corona" (Xẩm Hà Thành), "Cùng bé đánh giặc Corona" (Nguyễn Mai Long và Kiều Anh Tuấn) …
"Ghen Cô Vy" nổi tiếng toàn thế giới.
Đặc biệt ca khúc "Ghen Cô Vy" do Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường của Bộ Y tế hợp tác với nhạc sĩ Khắc Hưng, hai ca sĩ Min, Erik và vũ công Quang Đăng thực hiện trong một dự án truyền thông nhằm chung tay đẩy lùi dịch bệnh đã trở nên nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà cả trên toàn thế giới. Cụ thể, chương trình Last Week Tonight trên HBO - một trong những show truyền hình có tầm ảnh hưởng lớn nhất ở Mỹ - đã nhắc đến sáng tác của các nghệ sĩ Việt Nam. Tạp chí âm nhạc lớn nhất nước Mỹ Billboard đánh giá Ghen Cô Vy" là ca khúc có giai điệu "bắt tai một cách kỳ quái", đặc biệt hấp dẫn hơn với "vũ điệu rửa tay" MV "Ghen Cô Vy" cũng xuất hiện trên đài truyền hình BFMtv của Pháp và được tôn vinh là "ca khúc của năm", và "đã cứu Việt Nam khỏi virus corona". Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF cũng ngưỡng mộ "Ghen Cô Vy" khi nhận định: "Chúng tôi yêu thích điệu nhảy rửa tay của vũ công đến từ Việt Nam".
Quả nhiên, âm nhạc có thể giúp vơi bớt những mất mát, tổn thất và tăng thêm tinh thần đoàn kết để con người cùng nhau chung sức chống lại dịch bệnh.
2. Năm đau buồn của làng nghệ Việt khi chứng kiến sự ra đi của nhiều nghệ sĩ tên tuổi
NSƯT Nguyễn Chánh Tín.
Bất ngờ năm 2020 nhiều nghệ sỹ tên tuổi ra đi trong sự tiếc thương của công chúng. NSƯT Nguyễn Chánh Tín - người đóng đại tá Nguyễn Thành Luân của "Ván bài lật ngửa", đột ngột qua đời rạng sáng 4/1/2020 ở nhà riêng, thọ 68 tuổi. Ngày 28/3, Mai Phương qua đời tại nhà riêng ở TP.HCM sau thời gian chiến đấu kiên cường với căn bệnh ung thư phổi. Sự ra đi của nữ diễn viên ở tuổi 35 khiến mọi người không khỏi thương xót. Sau hơn nửa năm mắc ung thư tuỵ, trưa 19/9 nhạc sĩ Phó Đức Phương đã qua đời trong sự bàng hoàng của nhiều nghệ sĩ và khán giả sau thời gian chống chọi với bệnh ung thư tụy, hưởng thọ 76 tuổi. Sau hơn 3 tháng chống chọi với bệnh viêm màng não, ca sĩ Tuấn Phương qua đời ngày 7/10 tại Bệnh viện nhiệt đới Trung Ương.
Nghệ sĩ Chí Tài.
NSND Lý Huỳnh qua đời tại nhà riêng vào sáng ngày 22/10 sau một thời gian dài chữa bệnh, hưởng thọ 78 tuổi. Nhạc sĩ Văn Ký - tác giả ca khúc "Bài ca hy vọng" và các nhạc phẩm nổi tiếng cách mạng - mất sáng 26/10 vì ung thư, thọ 92 tuổi. Nghệ sĩ Ánh Hoa - diễn viên gạo cội của màn ảnh miền Nam qua đời sáng 1/11.Bà ra đi sau thời gian chống chọi với bệnh tai biến mạch máu não, hưởng thọ 79 tuổi. Ngày 9/12 khán giả Việt Nam bàng hoàng khi nhận tin danh hài Chí Tài qua đời đột ngột tại một bệnh viện ở TP.HCM. Trước đó, ông bị đột quỵ ở chung cư tại quận Phú Nhuận, được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi.
3. Hoa hậu Việt Nam 2020 tìm ra người kế tục vương miện của Tiểu Vy
Đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam diễn ra vào tối 20/11/2020 đã trao giải thưởng Hoa hậu, Á hậu 1 và Á hậu 2 cho 3 cô gái xinh đẹp đều là sinh viên đại học. Vượt qua Á hậu 1 Phạm Ngọc Phương Anh - sinh viên Trường đại học RMIT Tp. Hồ Chí Minh và Á hậu 2 Nguyễn Lê Ngọc Thảo - sinh viên Trường đại học Hutech, Tp. Hồ Chí Minh, Đỗ Thị Hà sinh năm 2001, sinh viên trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, đã giành giải thưởng cao nhất – Hoa hậu.
Hoa hậu Việt Năm 2020 Đỗ Thị Hà.
Đỗ Thị Hà đăng quang đồng thời với danh hiệu Người đẹp Truyền thông qua số lượt bình chọn vượt trội. Học lực của nàng Hoa hậu cũng thuộc hàng tốt trong lớp. Điểm thi đại học của Hoa hậu là 32,17 điểm cho 3 môn xét tuyển (điểm tiếng Anh được nhân đôi). Trước đó, cô là học sinh lớp chọn A1 trường THPT Hậu Lộc 3, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Cô từng tham gia đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh bộ môn tiếng Anh của nhà trường. Ngoài ra, cô còn được thầy chủ nhiệm tin tưởng giao nhiệm vụ làm lớp phó văn nghệ. Tại trường đại học, ngoài việc hoàn thành chương trình học, cô cũng tích cực tham gia vào các hoạt động dành cho sinh viên như ghi danh vào Đội Lễ tân NEU, đi tình nguyện đến vùng sâu vùng xa,...
4. Sự lên ngôi của nhạc Rap, MV Drama và các show trực tuyến trong bối cảnh dịch dã
Việc hạn chế các hoạt động đông người phòng ngừa dịch bệnh lây lan đã khiến các hoạt động giải trí trực tuyến nở rộ. Theo Vietnam Network, tính đến tháng 1/2020, có 68 triệu người dùng Internet tại Việt Nam và trong đó hơn 70% sử dụng các dịch vụ giải trí như nghe nhạc, xem video… Ngoài phim truyền hình dài tập chiếu mạng thì thị trường âm nhạc online cũng được mùa với các MV xuất sắc, chinh phục người nghe như: "Có chắc yêu là đây" (Sơn Tùng M-TP), "Hoa nở không màu" (Hoài Lâm), "Em không sai chúng ta sai" (Erik), "Yêu một người sao buồn đến thế" (Noo Phước Thịnh), "Hơn cả yêu" (Đức Phúc) … Kênh youtube của các ca sĩ này đều có lượt truy cập cao kể từ thời điểm những MV kể trên chính thức được phát hành trên mạng giải trí trực tuyến hàng đầu thế giới.
Show trực tuyến của Hồ Ngọc Hà
Năm 2020, xu hướng MV nổi trội nhất là drama chủ đề ngoại tình, người thứ 3, có thể kể đến: "Anh ta bỏ em rồi" (Hương Giang); "Sao anh không ăn" (Thủy Tiên); "Chưa hề dừng lại" (Elly Trần); "Không thể cùng nhau suốt kiếp" (Hòa Minzy); "Gặp nhưng không ở lại" (Hiền Hồ)…
Khi mọi hoạt động giải trí đóng băng trong mùa dịch COVID-19, nhiều nghệ sĩ đã tiến hành tổ chức các show diễn trực tuyến nhằm phục vụ cho khán giả trong thời gian giãn cách xã hội. Các liveshow, mini-show trực tuyến trở thành xu hướng tất yếu không chỉ ở Việt Nam mà là trên toàn thế giới. Noo Phước Thịnh có "Noo's chill night", Hồ Ngọc Hà có chuỗi private show "Love songs", các ca sĩ như Tuấn Hưng, Đức Tuấn, Bảo Anh, Ngô Kiến Huy, Vũ Cát Tường… cũng có chương trình hát tại nhà để phục vụ khán giả.
Rap Việt trở thành chương trình có số lượt CCU cao nhất thế giới.
Rap lên ngôi và giữ vị trí độc tôn nhạc Việt 2020 là điều khó chối cãi. Đúng như kỳ vọng của dàn giám khảo, HLV 2 cuộc thi Rap, sau chương trình, thể loại Rap lần đầu tiếp cận đại chúng trong lịch sử hơn 20 năm vào Việt Nam. Khán giả có cái nhìn khác về Rap, các định kiến như: Rap chỉ có dung tục, thóa mạ lẫn nhau; Rap chỉ là phần phụ họa trong một bài hát; ... dần bị xóa bỏ.
Đáng nói nhất phải kể đến Rap Việt. Ngay từ những tập đầu tiên, Rap Việt đã gây được sự chú ý của người xem nhờ nội dung hấp dẫn và những màn vũ đạo sôi động đẹp mắt. Trong một thời gian ngắn, hai tập đầu của Rap Việt đã leo lên vị trí đầu danh sách những chương trình có nhiều lượt xem nhất trên Youtube. Sau gần 3 tháng phát sóng, đêm chung kết của cuộc đua giành ngôi vị quán quân Rap Việt đã đạt được sức nóng cực đại với hơn 1.1 triệu lượt xem cùng lúc. Điều này giúp Rap Việt trở thành chương trình có số lượt CCU cao nhất thế giới ở thời điểm đó.
5. Những tác phẩm điện ảnh Việt mang đậm tính dân tộc được đầu tư sản xuất công phu
Dường như vô tình, năm 2020 các bộ phim điện ảnh Việt có chiều hướng khác lạ so với những năm trước đó chủ yếu tập trung vào thể loại phim hài, phim remake mang tính giải trí. Năm nay, các bộ phim điện ảnh tập trung khai thác tính dân tộc và được đầu tư sản xuất rất công phu như một cuộc chay đua nhầm.
Dự án "Trương Vương" do Trương Ngọc Ánh và Janet Ngô thực hiện.
"Trưng Vương" là dự án do Trương Ngọc Ánh thực hiện cùng Janet Ngô – nhà sản xuất người Australia. Đây là dự án hai người đã nung nấu từ vài năm trước với ý tưởng xây dựng một tác phẩm văn hóa lịch sử mang đậm bản sắc Việt. Êkip đã làm việc với các nhà sự học và họa sĩ để tìm hiểu, sáng tạo trang phục, hoa văn, vật dụng, vũ khí thời Hai Bà Trưng. Họ cũng sẽ hợp tác các đơn vị nước ngoài về kỹ xảo. Ngoài bản chiếu rạp, dự án cố một số phim hoạt hình ngắn đi kèm để giới thiệu nhân vật và hâm nóng cho phim chính.
Bộ phim "Cậu Vàng" lấy cảm hứng từ những tác phẩm văn học của nhà văn Nam Cao. Đây là phim đầu tiên của Việt Nam lấy một chú chó làm một trong những nhân vật trung tâm, điểm kết nối các nhân vật khác. "Cậu Vàng" do cố NSND Bùi Cường - người đóng vai Chí Phèo trong phim "Làng Vũ Đại ngày ấy" - biên kịch. Phim là tâm nguyện cuối đời của Bùi Cường, được con rể ông là đạo diễn Trần Vũ Thủy thực hiện.
Dự án "Vinaman".
"Vinaman" là dự án phim siêu anh hùng do nữ diễn viên - nhà sản xuất Ngô Thanh Vân bắt tay thực hiện cùng đạo diễn Việt Max. Cô đã không ngừng sáng tạo, tìm hiểu lịch sử để xây dựng nên môt người hung đại diện cho con người Việt Nam, cho văn hóa và lòng tốt. Ngô Thanh Vân làm bộ phim này với mong muốn giới thiệu văn hóa, con người Việt Nam cho bạn bè quốc tế. Lịch sử Việt Nam có rất nhiều vị anh hùng. Điều đó khiến Ngô Thanh Vân thấy rằng đã đến lúc, Việt Nam cần có phim siêu anh hùng.
Bộ phim "Kiều" được chuyển thể từ Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du đã được Mai Thu Huyền ấp ủ suốt 10 năm. Năm 2020 sẽ là kỉ niệm 200 ngày mất của đại thi hào Nguyễn Du, điều này càng thôi thúc nữ diễn viên "Ngọn nến trong đêm" thực hiện dự án này.
Với mong muốn làm nên một tác phẩm nghệ thuật mang những cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ, độc đáo chưa từng hoặc ít xuất hiện trên các bộ phim trước đây, đồng thời giới thiệu đến người dân Việt Nam nói riêng và bạn bè quốc tế nói chung những cảnh đẹp quê hương xứ sở, việc tả cảnh thực từ thi phẩm văn học kinh điển chuyển thể sang màn ảnh rộng sẽ là một thách thức lớn đối với êkíp sản xuất phim "Kiều". Êkíp sản xuất đã có hành trình dài hơn 2000 km từ miền Bắc về miền Trung, đến những nơi vách núi cheo leo, rừng sâu hun hút, thác nước hoang sơ,… để "đóng cọc" bối cảnh phim "Kiều".
"Kiều" được bấm máy tại Huế, Cao Bằng, Quảng Trị, Quảng Bình và Phú Thọ. Đặc biệt, phim "Kiều" có đến 70% bối cảnh được quay tại Huế. Nối tiếp thành công từ 2 bộ phim điện ảnh gần đây được thực hiện tại Huế là "Gái Già Lắm Chiêu 3" và "Mắt Biếc", phim "Kiều" nhận được sự ủng hộ rất lớn từ lãnh đạo các ban ngành như: UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô, Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh Thừa Thiên Huế, Viện Nghiên cứu phát triển,...
"Gái già lắm chiêu" V lấy cố đô Huế làm bối cảnh phim.
"Gái già lắm chiêu V - Những cuộc đời vương giả". Không chỉ tiếp tục khiến khán giả choáng ngợp bởi những thước phim xa hoa hoành tráng, đội ngũ sản xuất còn khéo léo lồng ghép vào đó nhiều hình ảnh, chi tiết ý nghĩa gắn liền với đời sống tinh thần, tâm linh người Việt. Luôn muốn đem tới góc nhìn mới mẻ về xứ Huế, nên tại tác phẩm lần này, bộ đôi đạo diễn Bảo Nhân & Nam Cito quyết định sẽ khai thác vùng đất thần kinh ấy qua lăng kính lộng lẫy, uy quyền khác hẳn màu sắc thượng lưu, trưởng giả phô trương trong "Gái già lắm chiêu 3".
Vì vậy, cả hai đã lựa chọn quần thể cố đô Huế - khu di tích hội tụ biết bao tinh hoa, bản sắc văn hóa dân tộc - làm bối cảnh quay. Kế tiếp, chiếm thời lượng lên hình nhiều nhất phim, Cung An Định xuất hiện trong clip dưới tên gọi Bạch Trà Viên – căn biệt thự mà 3 chị em Lý Gia sinh sống. Được mệnh danh là "hòn ngọc trăm năm", chỗ ở của gia đình vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu nổi tiếng bởi kiến trúc hết sức đặc sắc, pha trộn giữa kiểu đền đài Âu Châu cùng loạt họa tiết chạm trổ, hoa văn trang trí của Châu Á. Qua đó, chúng ta có thể cảm nhận rõ gu thẩm mỹ tinh tế, cũng như phong cách sống sang trọng, quyền quý nơi ba chị em nhà họ Lý.