Thứ ba, 08/10/2024 | 06:52
RSS

Tổng Giám đốc LVC tiết lộ thủ đoạn chiếm đoạt dự án The Mark của Công ty DWS

Thứ năm, 29/09/2022, 08:53 (GMT+7)

Phát hiện dấu hiệu bất thường, doanh nhân người Hàn Quốc đã sang Việt Nam cung cấp cho đối tác HDTC những tài liệu quan trọng về việc Công ty LCV và P&D bị ép phá sản, qua đó vạch trần thủ đoạn tinh vi thâu tóm dự án của nhóm người Trung Quốc…

Lật tẩy chiêu bài tinh vi

Năm 2003, Tổng Công ty địa ốc Sài Gòn (Resco) trúng đấu giá khu đất 29.310m2 tại Khu dân cư Tân Mỹ (phường Tân Phú, Quận 7, TP HCM) với giá 230 tỷ đồng. Năm 2005, Resco chuyển nhượng dự án này cho Công ty Cổ phần Phát triển Kinh doanh nhà (HDTC) với giá 280 tỷ đồng. 

Sau đó, HDTC tìm đối tác phát triển dự án nên có hai doanh nghiệp Hàn Quốc là Công ty Lucky Vietnam (LVC) và Công ty P&D Korea (P&D) xin được cùng đầu tư dự án. Khi định giá lại thì khu đất có giá 330 tỷ, tương đương 20.868.000 USD. Từ các thỏa thuận ban đầu, HDTC ký biên bản ghi nhớ với đối tác và thành lập công ty liên doanh VK Housing để triển khai dự án với tên thương mại The Mark. Sau khi ký ghi nhớ thì đối tác đặt cọc cho HDTC 1,5 triệu USD. Đến 2007, Sở KHĐT TP HCM đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho ba doanh nghiệp bao gồm HDTC, Công ty LVC, Công ty P&D.

Ngay sau khi thành lập, VK Housing điều chỉnh quy hoạch, tăng diện tích sử dụng đất, tiền sử dụng đất cũng tăng lên nên VK Housing làm thủ tục vay ngân hàng. Khi đó không vay ngân hàng Việt Nam mà vay đối tác tổ chức tín dụng là Công ty DWS Star Bridge Limited Liability (Công ty DWS) và dùng lô đất dự án The Mark làm tài sản thế chấp. Số tiền cho vay theo thỏa thuận ban đầu là 55 tỷ Won. VK Housing dự kiến dùng 15 tỷ Won đóng tiền sử dụng đất và tất cả các chi phí liên quan đến dự án, 40 tỷ Won còn lại dùng để đầu tư xây dựng dự án.


Ông Song, Jae Yup (phải), Tổng Giám đốc LVC đã sang Việt Nam gặp đại diện HDTC để cung cấp các hồ sơ pháp lý liên quan đến hành vi gian dối hồ sơ để thâu tóm doanh nghiệp của Công ty DWS.

Đầu năm 2010, VK Housing và đối tác ký hợp đồng tín dụng, hai bên thống nhất lãi suất 10%/năm, lãi suất quá hạn là 21% (trong khi lãi suất quá hạn tối đa của Việt Nam là 15%). Công ty DWS yêu cầu ba bên trong liên doanh phải ký hợp đồng bảo lãnh. Nếu VK Housing không trả được thì ba đối tác trong liên doanh phải trả khoản vay này. Trước đây HDTC đã góp quyền sử dụng đất vào VK Housing, nhưng do phải đóng thêm tiền sử dụng đất bổ sung, cộng thêm phía đối tác chưa thanh toán cho HDTC nên HDTC vẫn đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Bởi vậy, Công ty DWS yêu cầu dùng sổ đỏ này làm tài sản bảo lãnh, ủy thác cho ngân hàng Wooribank đứng ra nhận bảo lãnh sổ đỏ đứng tên HDTC làm tài sản đảm bảo. 

Thực hiện xong các thủ tục, khoản vay được giải ngân. Nhưng thực tế bên cho vay chỉ giải ngân 15 tỷ Won. Trong 15 tỷ Won thì bị thu trước 10% một năm tiền gốc và lãi (1,5 tỷ Won) và số tiền cam kết thu xếp vốn là 8% (1,2 tỷ Won), cộng thêm chi phí công chứng, chi phí đi lại 200.000 Won (tổng cộng các chi phí này là là 2,9 tỷ Won). Trên thực tế, VK Housing chỉ nhận được 12,1 tỷ Won. Với số tiền này, VK Housing dùng 105 tỷ đồng đóng tiền sử dụng đất bổ sung, trả cho HDTC 1 triệu USD. Còn lại bao nhiêu là ông Lee Chung Suk, người đại diện pháp luật VK Housing lấy đi đánh bạc hết và sau đó cá nhân ông này bị khởi tố. 

Vào năm 2009 – 2011 thị trường bất động sản đóng băng, không có thanh khoản nên bên cho vay bất ngờ “khóa” khoản vay, không tiếp tục giải ngân, tuyên bố không cho VK Housing vay nữa. Do vậy, dự án không thể tiếp tục triển khai. Sau một năm hết hạn thì VK Housing bị yêu cầu trả gốc và lãi, lúc này dự án không thể triển khai nên các thành viên trong liên doanh cũng hết dòng tiền để thanh toán. 

Từ đây, Công ty DWS đâm đơn khởi kiện. Đáng lẽ phải kiện bên vay là VK Housing nhưng Công ty DWS lại khởi kiện bên bảo lãnh, trong khi bên bảo lãnh không vay đồng nào. Nếu yêu cầu VK Housing trả nợ, lúc đó VK Housing sẽ bán tài sản trả nợ, còn lại bao nhiêu thì chia cho các đối tác trong liên doanh. 

Cũng từ đây, âm mưu “thọc sâu” vào khu đất dự án The Mark trị giá 79 triệu USD tại quận 7 của “chủ nợ” dần hé lộ. 

Theo đó, biết LVC và P&D mất khả năng tài chính nên Công ty DWS đã khởi kiện để ép hai doanh nghiệp này phá sản, từ đó mua được tài sản giá rẻ và nhanh chóng thâu tóm công ty và trở thành chủ khu đất dự án The Mark. 

Ông Song, Jae Yup, Tổng Giám đốc LVC (ông Song là người sở hữu 18% cổ phần tại LVC - tương đương 4 triệu USD), cho biết, thay vì yêu cầu tòa án tuyên doanh nghiệp phá sản, ông từng đề nghị bán lại số cổ phần này cho Công ty DWS với giá 4 triệu USD, sau đó hạ xuống 2 triệu USD, rồi “đại hạ giá” còn 1 triệu USD nhưng Công ty DWS nhất quyết không mua. Ông Song, Jae Yup cũng giải thích với Công ty DWS, nếu LVC phá sản thì theo hợp đồng, đối tác còn lại trong liên doanh là HDTC được quyền ưu tiên mua, còn nếu mua cổ phần của ông thì DWS được kế thừa tiếp tục làm. Nhưng Công ty DWS không chịu và muốn lấy không công ty nên ép cho cho LVC phá sản. Ông nói “động tác” khởi kiện yêu cầu tòa tuyên phá sản là nằm trong âm mưu chiếm đoạt cổ phần đã được Công ty DWS toan tính rất kỹ lưỡng.

Bởi vậy, từ yêu cầu của Công ty DWS, ngày 22/07/2015, Toà án Quận trung tâm Seoul có Quyết định tuyên bố phá sản số 2014Hahap100130 (phá sản với P&D) và số 2014HaHap10029 (phá sản với LVC).

Ngày 16/3/2016, Toà án Quận trung tâm Seoul giao cho ông Kwon Soon Chul - quản tài viên - phát mãi tài sản thông qua việc ký hợp đồng chuyển nhượng 62% vốn điều lệ VK Housing thuộc quyền sở hữu của P&D và 18% vốn điều lệ VK Housing thuộc quyền sở hữu của LVC cho Công ty DWS.

Theo quy định của pháp luật Hàn Quốc, sau khi mua tài sản phá sản thì Công ty DWS phải thực hiện thủ tục xin công nhận từ tòa án Hàn Quốc. Thời hạn là từ ngày ký hợp đồng đến hết ngày 31/12/2017, sau thời gian này thì hợp đồng vô hiệu. Sau khi được toà án Hàn Quốc công nhận, Công ty DWS phải đưa hợp đồng  chuyển nhượng sang Việt Nam thông báo cho HDTC biết, nếu đồng ý mua thì DWS sẽ bán lại cho HDTC quyền mua tài sản của hai doanh nghiệp phá sản và HDTC phải thanh toán nợ cho DWS. Trường hợp HDTC từ chối thì quyền ưu tiên mua của HDTC không còn, lúc đó DWS sẽ thông báo cho tòa án Việt Nam công nhận quyền mua, khi tòa án Việt Nam công nhận thì DWS sẽ trở thành cổ đông của VK Housing. 

Tuy nhiên, cả 3 thủ tục này DWS không thực hiện mà sau đó âm thầm giả mạo hồ sơ gửi lên Sở KHĐT TPHCM để thay đổi đăng ký kinh doanh. Từ hành vi giả mạo này, VK Housing thực hiện thủ tục điều chỉnh pháp nhân nước ngoài trong liên doanh. Cụ thể, sau khi tuyên bố mua xong vốn điều lệ của hai công ty P&D và LVC, DWS lập tức thay thế 2 pháp nhân cũ là P&D và LVC để làm thành viên góp vốn tại VK Housing. Từ công ty cho vay, DWS đã “biến hình” thành chủ sở hữu dự án. 

“DWS chỉ là chủ nợ, không phải là nhà đầu tư dự án, không phải là thành viên góp vốn nên việc "lấn sân" vào quá trình điều hành, thay đổi tình trạng pháp lý của doanh nghiệp liên doanh là trái với quy định”, ông Song, Jae Yup khẳng định.

Sau khi phát hiện thủ đoạn thâu tóm doanh nghiệp của DWS, ông Song, Jae Yup sang Việt Nam gặp lãnh đạo HDTC cung cấp toàn bộ hồ sơ, bản án, chứng cứ liên quan đến các hành vi trái pháp luật ép công ty phá sản mà bên cho vay thực. Ông Jong Suk Lee khẳng định không mua bán, chuyển nhượng cổ phần cho DWS. 

Từ tài liệu do ông Song, Jae Yup cung cấp, HDTC phát hiện DWS giả mạo hồ sơ nên khởi kiện ra tòa. Thực chất DWS là bên cho vay, hiện nay HDTC đã chuyển trả hết tiền vay, và DWS không phải là cổ đông. Công ty này chỉ là bên cho vay, sau đó ép bên vay phá sản để mua lại công ty để trở thành cổ đông. 

Ông Song, Jae Yup tiết lộ, đứng sau thương vụ thâu tóm này có bóng dáng của nhóm nhà đầu tư Trung Quốc tại Công ty Sintek Fastners Pte. Theo ông, sau khi DWS ép phá sản thành công và mua lại phần vốn góp của LVC và P&D tại liên doanh VK Housing, một thời gian sau Công ty Sintek Fastners Pte đã qua Hàn Quốc mua lại cổ phần của DWS, đồng thời mua lại quyền đòi nợ của hai công ty P&D và LVC để dễ bề thâu tóm liên doanh, thâu tóm dự án. Ông Song, Jae Yup khẳng định, ông chưa bao giờ ủy quyền, ký hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp của LVC cho DWS và DWS đã mạo chữ ký của ông. “Nếu ở Hàn Quốc, việc giả mạo này sẽ bị truy tố trước pháp luật, sẽ bị bỏ tù”, ông Song, Jae Yup cho biết.

Công lý được thực thi

Ngày 11/9/2019, Tòa án Nhân dân cấp cao tại TP.HCM đã tuyên án vụ án tranh chấp quyền sở hữu doanh nghiệp và sở hữu dự án theo hợp đồng liên doanh giữa nguyên đơn là Công ty Kinh doanh Phát triển nhà (HDTC) và bị đơn là Công ty DWS.

Theo nội dung vụ án, HDTC và 2 công ty Hàn Quốc là P&D và Công ty LVC cùng liên doanh thành lập Công ty VK Housing để thực hiện dự án khu nhà thương mại và chung cư The Mark tại quận 7, TP.HCM.


VK Housing là chủ đầu tư dự án The Mark

Đến năm 2015, Công ty P&D và Công ty LVC bị tuyên bố phá sản theo quyết định của tòa án tại Hàn Quốc. Năm 2016, quản tài viên được tòa án Hàn Quốc chỉ định đã nhân danh P&D và LVC ký các hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của 2 công ty Hàn Quốc trong Công ty VK Housing cho Công ty DWS. Ngày 21/4/2016, Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và đầu tư TPHCM cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (thay đổi lần 2) cho Công ty VK Housing. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp Việt Nam và điều khoản trong hợp đồng liên doanh, thì quyền ưu tiên mua lại phần vốn góp này thuộc về thành viên của liên doanh tại VK Housing, cụ thể ở đây là HDTC. Tuy nhiên, Công ty DWS đã âm thầm mua lại phần vốn của đối tác trong liên doanh để nhằm mục tiêu thâu tóm liên doanh, thâu tóm khu đất tại quận 7. Không đồng ý, HDTC khởi kiện yêu cầu tòa án Việt Nam không công nhận việc chuyển nhượng vốn của P&D và LVC cho Công ty DWS.

Căn cứ vào lời khai cũng như tài liệu thu thập được, HĐXX chấp nhận yêu cầu khởi kiện của HDTC không công nhận hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp tại VK Housing từ công ty P&D và LVC cho thành viên DWS, tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng góp vốn đề tên P&D ký với DWS ký ngày 16/3/2016 và hợp đồng chuyển nhượng đề tên LVC ký với DWS ngày 16/3/2016 về việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của P&D và LVC tại VKHousing cho thành viên DWS là các hợp đồng vô hiệu, không có hiệu lực thi hành.

Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của HDTC về việc yêu cầu Tòa án hủy quyết định hành chính liên quan đến việc thay đổi quyền sở hữu vốn góp tại VK Housing từ P&D và LVC qua DWS. Tuyên bố biên bản họp Hội đồng Thành viên số HDTV 29 -2016 ngày 23/03/2016, giấy xác nhận số 01/2016/GXN – VP ngày 23/04/2016, giấy xác nhận số 02/2016/GXN – VP ngày 23/04/2016 do VK Housing xác lập là các giao dịch dân sự vô hiệu nên không có hiệu lực thi hành.

Hủy bỏ giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (thay đổi lần 2) của Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM đã cấp cho VK Housing ngày 21/4/2016 và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư số 2162333062 ngày 29/04/2016 của Sở Kế hoạch và đầu tư TPHCM.

Trong thời gian chưa có người kế thừa, thụ hưởng phần vốn góp của Công ty P&D và phần vốn góp của Công ty LVC tại VK Housing, tạm giao cho HDTC có quyền thực hiện các quyền quản lý với tư cách thành viên của Công ty liên quan đến phần vốn góp nêu trên.

Ông Song, Jae Yup nói rất vui mừng vì HDTC đã khởi kiện và thắng kiện. “Tòa án Việt Nam xét xử rất công tâm, khách quan, giúp chúng tôi vạch trần được âm mưu thâ tóm, chiếm đoạt cổ phần của cổ đông”, ông Song, Jae Yup phấn khởi cho biết.

Trước thông tin DWS sẽ khởi kiện quốc tế, ông Song, Jae Yup cho biết DWS không thể khởi kiện HDTC vì hợp đồng mua bán chỉ mua qua quản tài viên, chưa có tòa án tại Hàn Quốc công nhận các hợp đồng mua bán đó. Tòa án cũng chưa công nhận DWS là cổ đông nên “chủ nợ” DWS không có khả năng khởi kiện. “Việc mua bán này chưa được tòa án Hàn Quốc và Việt Nam công nhận nên không có cơ sở để khởi kiện. Không có luật quốc tế nào bảo hộ cho những hành động gian dối của DWS cả, DWS không có căn cứ pháp lý để khởi kiện HDTC, và nếu khởi kiện thì DWS cũng chắc chắn thua kiện”, ông Song, Jae Yup khẳng định. 

Thu Lý
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại