Thứ sáu, 22/11/2024 | 11:57
RSS

Tông chết người trên đường truy đuổi xe vi phạm: CSGT có phạm tội?

Thứ hai, 22/01/2018, 13:20 (GMT+7)

Trong vụ việc CSGT tông chết người khi truy đuổi xe vi phạm ở Bến Tre, các luật sư cho rằng, muốn xác định trách nhiệm pháp lý thuộc về ai thì cần phải làm rõ nguyên nhân tai nạn xuất phát từ đâu.

CSGT tông chết người trên đường

Hiện trường xe CSGT tông xe máy khiến 1 người chết xảy ra vào tối 19/1.

Liên quan đến vụ việc CSGT tông chết người băng qua đường trên đường truy đuổi xe vi phạm tại Bến Tre, phóng viên VTC News có cuộc phỏng vấn với các luật sư về trách nhiệm pháp lý giữa các bên.
CSGT có phạm tội không?

Luật sư Nguyễn Tấn Thi (Văn phòng luật sư Hoa Sen, TP.HCM) cho biết, theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 3, Luật Xử lý vi phạm hành chính, việc truy đổi của CSGT không phải là hành vi có lỗi, không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông mà là hành vi thi hành pháp luật

Tuy nhiên, khi CSGT truy đuổi hoặc người vi phạm bỏ chạy thì đều có hành vi tham gia giao thông. Trong trường hợp này cần xem xét việc lái xe của CSGT hoặc người bị truy đuổi.

Mặc khác, nếu tai nạn xảy ra có liên quan hành vi tham gia giao thông của người khác thì cũng cần xác định người đó có vi phạm hay không và hành vi vi phạm đó có là nguyên nhân gây ra tai nạn hay không.

“Trong thực tế, để xác định lỗi là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông là không hề đơn giản. Hơn nữa, tai nạn xảy ra trong khi CSGT thi hành công vụ là rất phức tạp.

Nếu yêu cầu CSGT không được quyền truy đuổi người không chấp hành lệnh dừng xe thì sẽ dẫn đến pháp luật không được thực thi nghiêm túc, không phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời những hậu quả do hành vi vi phạm gây ra”, luật sư Thi nêu quan điểm.

Theo luật sư Thi, trường hợp sau quá trình điều tra, khám nghiệm hiện trường, giám định mà xác định CSGT có lỗi khi lái xe truy đuổi, mà lỗi này là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn thì họ có thể bị phạm vào tội Vô ý làm chết người do quy phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính quy định tại Điều 129 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Còn luật sư Đặng Văn Sơn (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, theo quy định hiện nay thì CSGT chỉ được phép dừng xe của người vi phạm chứ không có quy định CSGT được truy đuổi người vi phạm giao thông.

Tuy nhiên, việc truy đuổi đó nếu có căn cứ cho rằng người tham gia giao thông có hành vi vi phạm pháp luật như đang thực hiện hành vi phạm tội hoặc sau khi phạm tội bị phát hiện là phù hợp với quy định của pháp luật.

Nhưng việc truy đuổi cũng cần phải đảm bảo tính mạng sức khoẻ cho chính mình và cho những người tham gia giao thông.

“Để xử lý người vi phạm giao thông, cần làm rõ hành vi phạm tội của họ như có căn cứ dấu hiệu nào đó hay không, có hành vi chống người thi hành công vụ hay không.

Nếu chỉ không chấp hành giao thông như vượt đèn đỏ, đi sai làn đường… không chấp hành hiệu lệnh của CSGT thì người tham gia giao thông chỉ bị xử lý hành chính.

Trong khi truy đuổi người vi phạm giao thông mà CSGT gây hậu quả, thiệt hại cho người khác thì CSGT vẫn phải chịu trách nhiệm về tội Làm chết người trong khi thi hành công vụ theo Điều 127 Bộ luật Hình sự 2015 hoặc tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ người khác trong khi thi hành công vụ theo Điều 137 Bộ luật Hình sự 2015.

Để xác định trách nhiệm của 2 chiến sĩ công an, cơ quan điều tra sẽ làm rõ tính chất, mức độ, hành vi để xem xét theo quy định của pháp luật”, luật sư Sơn phân tích.

Người băng qua đường bị tông chết vi phạm ra sao?

Phân tích các tình tiết của vụ tai nạn trên, luật sư Phạm Cương (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, tai nạn trên được coi là lỗi hỗn hợp (cả hai bên đều có lỗi), nhưng lỗi nặng hơn thuộc về người bị nạn.

“Trong vụ việc trên, người điều khiển xe máy từ đường nhỏ băng qua đường lớn (đường ưu tiên) không quan sát có xe mô tô của CSGT đang lao tới dẫn đến tại nạn. Do đó, lỗi chính thuộc về người điều khiển xe máy.

Còn việc chiến sĩ CSGT thi hành công vụ, đuổi bắt hai thanh niên có dấu hiệu vi phạm Luật an toàn giao thông đường bộ là đúng pháp luật. Nhưng khi tham gia giao thông thì mọi người đều phải tuân thủ pháp luật (kể cả CSGT).

Trong trường hợp này, CSGT có lỗi là tăng tốc độ đuổi bắt đối tượng, đã không quan sát phía trước có đường ngang, có người đang băng qua đường dẫn đến tai nạn”, luật sư Cương cho hay.

“Trong vụ việc trên xuất hiện tình tiết người dân bị tử vong đang trong quá trình đi ngang qua đường, nên cần làm rõ hành vi đi ngang qua đường nói trên có đúng làn đường, đúng luật giao thông hay không.

Trong trường hợp người băng qua đường vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ thì tùy trường hợp cụ thể sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015”, luật sư nói.
Luật sư Phạm Cương cho rằng, mặc dù nạn nhân của vụ tai nạn đã chết nhưng nạn nhân là người có lỗi, do đó, cũng phải chịu một phần trách nhiệm dân sự về hành vi của mình.

Trả lời về việc trường hợp này ở các nước phát triển thì CSGT vô can, thậm chí người đã chết phải bồi thường cho nhân viên công lực, luật sư Phạm Cương khẳng định, nếu nói rằng CSGT sẽ vô can trong mọi trường hợp là không đúng, vì chính CSGT lại càng phải chấp hành luật giao thông, họ chỉ vô can khi họ không vi phạm luật và họ sẽ được bồi thường thiệt hại nếu lỗi do người tham gia giao thông khác gây hậu quả cho họ.

Đồng quan điểm với luật sư Phạm Cương, luật sư Nguyễn Minh Long (Văn phòng luật sư Dragon, Hà Nội) cho rằng, nếu xác định lỗi thuộc về người dân đang băng qua đường thì CSGT sẽ không phải bồi thường dù người đó đã bị xe CSGT tông chết.

Luật sư Nguyễn Minh Long phân tích: “Theo quy định tại điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh khi một người có hành vi xâm phạm đến sức khỏe tính mạng, tài sản của người khác gây thiệt hại.

Tuy nhiên, trong trường hợp chứng minh được thiệt hại phát sinh hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, tức là người qua đường thì CSGT không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại”. 

Hai kẻ bỏ chạy gián tiếp gây tai nạn bị xử lý ra sao?

Đối với 2 thanh niên gián tiếp gây ra vụ tai nạn khi vi phạm giao thông nhưng không chấp hành hiệu lệnh dừng của CSGT mà tăng ga bỏ chạy, các luật sư cho rằng, phía công an phải nhanh chóng truy lùng để xử lý 2 người này.

Về hình thức xử lý, luật sư Nguyễn Minh Long cho hay, 2 người vi phạm giao thông rồi bỏ chạy sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật và có tình tiết tăng nặng vì đã cố ý chống lệnh người thi hành công vụ. Mức xử phạt ra sao thì còn phải căn cứ dựa vào kết luận hành vi vi phạm cụ thể. 

Trước đó, như VTC News đưa tin, tối 19/01, tổ tuần tra giao thông - CSGT Công an huyện Châu Thành (Bến Tre) làm nhiệm vụ trên tuyến đường xã Hữu Định (huyện Châu Thành) phát hiện 2 thanh niên đi trên một xe máy có dấu hiệu vi phạm luật giao thông nên ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra.

Tuy nhiên, 2 thanh niên không chịu dừng xe mà cố tình tăng ga bỏ chạy. Sau đó, Thượng uý Nguyễn Văn Sáng và 1 chiến sĩ CSCĐ lên xe đặc chủng đuổi theo hai thanh niên nói trên để yêu cầu hợp tác làm việc.

Trên đường truy đuổi, xe đặc chủng do Thượng uý Nguyễn Văn Sáng cầm lái tông trực diện vào xe máy BKS: 71S5 -1601 do anh Nguyễn Văn Bình (40 tuổi, ngụ ấp 1 xã Sơn Đông, TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre) cầm lái đang băng qua đường.

Cú tông mạnh khiến anh Bình chết tại chỗ, Thượng úy Sáng và chiến sĩ CSCĐ cũng bị thương nặng phải nhập viện cấp cứu. Riêng 2 thanh niên có dấu hiệu vi phạm giao thông đã chạy thoát khỏi hiện trường.


Điều 127. Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ 
1. Người nào trong khi thi hành công vụ mà làm chết người do dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm. 
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 8 năm đến 15 năm: 
a) Làm chết 2 người trở lên; 
b) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai. 
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. 
Điều 137. Tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ 
1. Người nào trong khi thi hành công vụ dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. 
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: 
a) Đối với 2 người trở lên, mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên; 
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; 
c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ. 
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

 

QUANG HẢI - TUẤN LINH - QUANG TUYỀN
Theo VTC News