Thứ bảy, 18/01/2025 | 18:04
RSS

Tội đưa hối lộ của Shark Thủy có thể bị xử lý như thế nào?

Thứ bảy, 07/12/2024, 15:30 (GMT+7)

Theo luật sư, việc cơ quan chức năng tiến hành khởi tố các đối tượng về tội Nhận hối lộ theo quy định tại Khoản 4, Điều 364 và tội Đưa hối lộ theo quy định tại Điều 354, Bộ luật Hình sự năm 2015 là có căn cứ, đúng pháp luật.

Shark Thủy bị khởi tố thêm tội đưa hối lộ

Như Báo điện tử Dân Việt đã đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang điều tra vụ án hình sự "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty cổ phần tập đoàn giáo dục Egroup (Tập đoàn Egroup), Công ty cổ phần đầu tư và phân phối Egame (Công ty Egame).
Căn cứ kết quả điều tra mở rộng vụ án, ngày 1/12, cơ quan điều tra ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án "Đưa hối lộ, Nhận hối lộ" xảy ra tại Tập đoàn Egroup, Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Nhất Trần (Công ty Nhất Trần) và một số đơn vị liên quan.

Cảnh sát quyết định khởi tố bổ sung với Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch kiểm Tổng giám đốc Egroup về tội "Đưa hối lộ" theo khoản 4 Điều 364. Ông Thủy trước đó đã bị khởi tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Đồng thời, cảnh sát khởi tố Tống Thị Kim Liên, Chủ tịch, Giám đốc điều hành Công ty Nhất Trần về tội "Nhận hối lộ", theo khoản 4 Điều 354.

Hai người khác bị khởi tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" gồm Phạm Thị Thanh Thọ, Kế toán trưởng Tập đoàn Egroup và Nguyễn Thị Hoài Hương, Kế toán Công ty Egame;

Riêng Nguyễn Mạnh Phú, Giám đốc tài chính Tập đoàn Egroup, Kế toán trưởng Công ty Egame bị khởi tố về cả tội "Đưa hối lộ" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Ngoài hành vi lừa đảo, Shark Thủy chịu thêm cáo buộc đưa hối lộ.

Vụ án tại Egroup được khởi tố hồi tháng 3/2024. Khi đó, Nguyễn Ngọc Thủy và Đặng Văn Hiển, Trưởng Ban quan hệ cổ đông Công ty Egame bị cáo buộc phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Thông tin ban đầu thể hiện, trong thời gian từ năm 2015 đến 2023, Nguyễn Ngọc Thủy và đồng phạm sử dụng pháp nhân Công ty Egame thực hiện hành vi gian dối trong việc sử dụng cổ phần Tập đoàn Egroup không có thật để huy động vốn bằng các hình thức giao dịch: Bán cổ phần nhận thanh toán tiền mặt, chuyển khoản; Bán cổ phần thanh toán bằng bất động sản; Vay mượn tiền nhà đầu tư đảm bảo bằng sở hữu cổ phần.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định những nhà đầu tư này là người bị hại trong vụ án nên kêu gọi họ liên hệ làm việc để đảm bảo quyền lợi.

Tội đưa hối lộ của Shark Thủy có thể bị xử lý ra sao?

Liên quan đến vụ việc Shark Thủy bị khởi tố thêm tội đưa hối lộ, trao đổi với PV Báo điện tử Dân Việt, luật sư Đặng Văn Cường– Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết, theo quy định của pháp luật thì quá trình điều tra vụ án hình sự, cơ quan điều tra có thể khởi tố bổ sung thêm các tội danh đối với bị can trong trường hợp ngoài tội danh đã bị khởi tố thì có căn cứ cho thấy bị can còn có hành vi khác vi phạm pháp luật, thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Đưa hối lộ và nhận hối lộ là các tội danh có liên quan đến nhau. Theo đó, người đưa hối lộ là người đã đưa lợi ích vật chất, hoặc lợi ích phi vật chất cho người có chức vụ quyền hạn để đề nghị họ thực hiện công việc theo yêu cầu của mình. Người có chức vụ quyền hạn ở đây thường là những người trong khối cơ quan nhà nước, tuy nhiên khi bộ luật hình sự 2015 mở rộng đối tượng xử lý đối với các tội phạm về tham nhũng thì xử lý cả đối với chủ thể ngoài Nhà nước.

Theo luật sư Cường, hành vi của đối tượng đã tác động tiêu cực đến hoạt động công vụ, ảnh hưởng đến đạo đức công vụ, hoạt động của cơ quan tổ chức, ra gây ra sự bất bình đẳng trong xã hội có thể gây ra bức xúc trong dư luận xã hội.

Bởi vậy, việc cơ quan chức năng tiến hành khởi tố các đối tượng về tội Nhận hối lộ theo quy định tại Khoản 4, Điều 364 và tội Đưa hối lộ theo quy định tại Điều 354, Bộ luật Hình sự năm 2015 là có căn cứ, đúng pháp luật.

Có thể thấy đấu tranh phòng chống tham nhũng trong thời gian qua đã được thực hiện quyết liệt. Hành vi "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ" thì sẽ đều bị xử lý về tội Nhận hối lộ, không phụ thuộc vào việc chủ thể đó là cán bộ Nhà nước hay doanh nghiệp ngoài Nhà nước.

Đối với người đưa hối lộ thì hành vi được xác định là "trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ" thì bị xử lý hình sự theo điều 364, Bộ luật Hình sự.

Cũng theo luật sư Cường, Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục điều tra làm rõ đối với các tội danh đã bị khởi tố để có kết luận điều tra và chuyển hồ sơ cho viện kiểm sát truy tố theo quy định của pháp luật.

Trường hợp, kết quả giải quyết vụ án này mà tòa án kết án đối với các bị cáo về nhiều tội danh thì mức hình phạt cao nhất có thể là tù chung thân đối với nhiều tội danh. Trường hợp các tội danh đều bị kết án là tù có thời hạn thì khi tổng hợp hình phạt không quá 30 năm tù với nhiều tội và không quá 20 năm tù với 1 tội danh.

Vụ án này gây ảnh hưởng và thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của nhiều bị hại, bởi vậy ngoài việc xem xét xử lý hình sự đối với các bị can thì cơ quan tiến hành tố tụng cũng sẽ làm rõ nguyên nhân điều kiện phạm tội, xác định tài sản có liên quan đến tội phạm để truy thu, thu hồi phải trả lại cho người bị hại.

T. Nam - K. Trinh
Theo Dân Việt