Chủ nhật, 19/01/2025 | 01:31
RSS

Tiếc đứt ruột hàng trăm hecta 'bờ xôi ruộng mật' bỏ hoang 2 năm nay

Thứ năm, 08/03/2018, 13:34 (GMT+7)

Hơn 2 năm qua, hàng trăm hecta “bờ xôi ruộng mật” ở các xã Song An, Hòa Bình, Nguyên Xá (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) biến thành những bãi đất hoang cỏ mục ngút trời.

Tiếc đứt ruột hàng trăm hecta 'bờ xôi ruộng mật' bỏ hoang 2 năm nay

Hàng trăm ha “bờ xôi ruộng mật” nay thành bãi chăn bò

Lẽ ra, diện tích đất đó phải là những vùng nguyên liệu xanh ngút ngàn phục vụ cho chăn nuôi bò; hay những khu nhà kính, nhà lưới trang hoàng của nông nghiệp công nghệ cao...

Cơ sự ấy bắt nguồn từ chủ trương “trải trảm đỏ” mời gọi các nhà đầu tư vào nông nghiệp mà tỉnh Thái Bình triển khai từ năm 2016. 

Vỡ mộng tích tụ ruộng đất

Ra Tết, trong khi nông dân khắp nơi ở tỉnh lúa Thái Bình rập rập xuống đồng, lúa xuân nhiều nơi hiện đã lên màu xanh mướt thì những cánh đồng thuộc liên xã Song An, Nguyên Xá và Hòa Bình cỏ dại mọc um tùm. Song An và Nguyên Xá là hai xã thuộc loại nhiều ruộng của huyện Vũ Thư.

Ruộng đồng nơi đây bờ xôi ruộng mật đúng nghĩa. Bờ thửa đã dồn đổi chạy thẳng tắp, kênh mương bê tông hóa, rộng cả mét. Trục đường giao thông nội đồng liên xã cũng đã được bê tông hóa, chạy dài thênh thang 2-3 km.

 Thế nhưng tới vụ ĐX năm nay, đã là năm thứ ba ruộng đồng trù phú năm nào trở thành bãi chăn bò. Giữa cái se lạnh cuối chiều, thay vì cảnh nông dân í ới gọi nhau lấy nước, cắt cỏ bờ, bón phân cho lúa, những ngôi mộ vô chủ nằm chơ vơ giữa những bãi cỏ hoang tàn không một bóng người, cảnh hoang vắng thấy lạnh cả sống lưng.

Thực hiện chủ trương tích tụ đất đai, tiến lên SX hàng hóa lớn của tỉnh Thái Bình, đầu năm 2016, Cty TNHH Một thành viên Chăn nuôi Việt Hùng (Cty Việt Hùng, thuộc Tập đoàn Hòa Phát) là một trong những DN đầu tiên vào huyện Vũ Thư thuê đất của nông dân để trồng ngô làm nguyên liệu thức ăn cho dự án chăn nuôi bò tại tỉnh Thái Bình.

Một cán bộ ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình kể rằng, hồi chọn địa điểm đầu tư trồng ngô nguyên liệu, người của Cty Việt Hùng thuê cả ca-nô khảo sát dọc dải đất phù sa ven sông Hồng ngăn cách hai tỉnh Thái Bình và Nam Định, suốt từ cầu Tân Đệ trở xuống, máy quay flycam lướt vè vè trên đầu.

Cuối cùng, họ chọn khu vực đồng đất rộng mênh mông thuộc các xã ven sông Hồng của huyện Vũ Thư, trọng tâm là hai xã Song An, Nguyên Xá.

Ông Lương Văn Đỉnh, Chủ tịch UBND xã Song An nhớ lại: Chẳng biết phía Cty khảo sát thổ nhưỡng thế nào, nhưng khu vực đồng đất mà họ quyết định hợp đồng thuê của dân đa số là đất trồng lúa truyền thống, chân ruộng quá trũng.

Tiếc đứt ruột hàng trăm hecta 'bờ xôi ruộng mật' bỏ hoang 2 năm nay

Sau một vụ SX thất thu, DN tích tụ đất bỏ hoang hóa 2 năm qua

Mặc dù xã đã khuyên ngăn rằng đất ấy không thể trồng được ngô, nhưng Cty vẫn cứ khăng khăng quyết. Những cuộc họp triển khai tích tụ ruộng đất cho Cty Minh Hùng thuê được dồn dập triển khai ở cả 3 xã Hòa Bình, Song An và Nguyên Xá.

Theo đó, tổng cộng 48,5 ha ruộng đã được nông dân các xã đồng ý ký hợp đồng cho Cty Minh Hùng thuê (gồm Hòa Bình 3ha, Nguyên Xá 19,8 ha và Song An 25,7 ha). Máy móc được đưa về, san phẳng bờ thửa.

Theo hợp đồng được Cty ký kết với các hộ dân, Cty sẽ trả tiền thuê đất với mức 600 nghìn đồng/sào/năm, thời hạn thuê đất từ 5-6 năm (2 năm trả tiền thuê đất một lần). Thế nhưng chưa kịp hết thời hạn ấy, DN đã phải “bỏ của chạy lấy người”.

Ông Đỉnh ngán ngẩm kể: Khi biết họ triển khai trồng ngô trên đất ruộng của thôn, chúng tôi đã ái ngại, bởi ruộng quá trũng, chưa mưa đã ngập. Nông dân thôi, ai cũng biết cây ngô cần nước nhưng lại không chịu được úng, trong khi đó, họ cày đất xong thì cứ thế đưa ngô xuống vãi, mà chẳng làm hệ thống thủy lợi tiêu thoát nước cho bài bản.

Thực tế thì sau đó, trong tổng số hơn 25ha mà Cty Minh Hùng thuê của xã Song An, chỉ có một diện tích rất nhỏ ở chân đất cao là có thể trồng ngô. Đã thế, do Cty đóng tít tận huyện Hưng Hà, lại không có văn phòng tại huyện Vũ Thư, nên thi thoảng mới cử cán bộ kỹ thuật về ngó nghiêng cho xong...

Hậu quả là chỉ sau một vụ đầu, do úng nước nên cây ngô phát triển rất lẹt đẹt, cây cao cây thấp, vàng quạch, gần như chẳng cho thu hoạch đáng kể. Kế hoạch bất thành, từ cuối năm 2016, Cty Minh Hùng đành bỏ hoang hàng chục ha ruộng đã thuê cho cỏ mọc.  

Rắc rối chia lại ruộng

Tại xã Nguyên Xá, tình cảnh cũng chẳng khá hơn. Ông Hoàng Văn Khảng, Chủ tịch UBND xã Nguyên Xá cho biết: Trong tổng số gần 20 ha đất thuê lại của dân, chỉ có khoảng 8ha là có thể trồng được ngô, nhưng thu hoạch chẳng đáng là bao. Vì vậy chỉ sau vụ đầu, Cty Minh Hùng đã bỏ hoang toàn bộ diện tích đất đã thuê.

Tiếc đứt ruột hàng trăm hecta 'bờ xôi ruộng mật' bỏ hoang 2 năm nay

Cánh đồng lúa bạt ngàn ở Vũ Thư. Ảnh St

 Trước tình hình này, tháng 5/2017, Cty Minh Hùng đã có văn bản chính thức gửi các xã xin được chấm dứt hợp đồng, trả lại ruộng cho dân SX. Tuy nhiên, hậu quả của dự án dang dở này đã kéo theo hàng loạt hệ lụy. Theo ông Khảng, mặc dù đã trả tiền thuê đất cho dân trong 2 năm 2016-2017.

Ttuy nhiên do hợp đồng không quy định cụ thể trách nhiệm của DN khi chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, nên nhiều hộ dân trong xã đã có ý kiến khiếu nại, yêu cầu Cty Minh Hùng phải bồi thường, UBND xã đã phải thuyết phục mãi dân mới xuôi.

Một vấn đề đau đầu hơn, do ruộng đất đã bị san hết bờ thửa, nên mặc dù DN đã chi tiền cho các xã để thuê máy cày hoàn trả lại mặt bằng, nhưng việc triển khai chia lại ruộng để dân tái SX gặp vô vàn rắc rối.

Ông Đặng Xuân Thỏa, trưởng thôn Lam Sơn (xã Song An), một trong những thôn có diện tích đất cho Cty Minh Hùng thuê nhiều nhất kêu trời cho biết: Sau khi DN cày trả lại mặt bằng, vụ mùa 2017, thôn đã phải mất mấy ngày mới đo đạc, chia lại được ruộng cho các hộ.

Lãnh đạo thôn, xã sau đó đã phải hô hào vận động người dân ra cấy lúa trở lại. Đất đã được làm sẵn, nhưng hô hào mãi cũng chẳng có ai cấy. Mấy năm nay, lao động trong thôn đã đi làm khu công nghiệp vãn cả, một số hộ trước đó đã bỏ ruộng lác đác.

Vì vậy nhân sự kiện này, dân họ bỏ ruộng luôn, không thèm cấy nữa. Bên cạnh đó, diện tích đất bị bỏ hoang quá lâu khiến chuột tràn về trú ngụ, các diện tích lúa còn canh tác xung quanh bị chuột phá quá trời nên tình trạng bỏ ruộng cứ lan ra như một vệt dầu loang.

Sau sự đổ bể của Cty Minh Hùng (thuộc Tập đoàn Hòa Phát), từ cuối năm 2017, một “ông lớn” khác trong ngành nông nghiệp là Tập đoàn TH hiện đã vào “tiếp quản”, phối hợp với huyện Vũ Thư triển khai việc thuê lại chính các diện tích đất đã bị bỏ hoang của Cty Minh Hùng thuê trước đây.

Tuy nhiên, diện tích không chỉ có hơn 48 ha ở 3 xã như trước đây, mà sẽ mở rộng thêm, lên tới 100ha. Trong đó, xã Song An mở rộng từ 27,5 ha trước đây lên 44,5 ha (tăng thêm 17ha); xã Nguyên Xá tăng từ 19,8 ha trước đây lên 22 ha.

Theo đó từ vụ mùa 2017 đến nay, diện tích ruộng đất đang bỏ hoang tới thời điểm này của các xã Hòa Bình, Song An và Nguyên Xá cũng đang lan rộng ra tới hàng trăm ha để đón đầu cho Tập đoàn TH thuê.

Ông Đặng Xuân Thỏa, trưởng thôn Lam Sơn, xã Song An lo lắng: “Nghe đâu, Tập đoàn TH sẽ triển khai dự án trồng rau sạch quy mô rất lớn ở đây, chứ có biết mô tê cụ thể gì đâu. Trước Tết, Tập đoàn TH có nói là sẽ triển khai chia tiền thuê đất cho dân ăn Tết, nhưng tới giờ vẫn chưa thấy họ chi tiền.

Còn đất thì tới nay vẫn cứ bỏ hoang đấy, chứ đã thấy họ triển khai làm gì đâu. Nếu lần này, việc cho Tập đoàn TH thuê đất không thành, dân trong xã sẽ bùng lên, thành chuyện lớn chứ chẳng chơi” – ông Thỏa ái ngại.

 

Lê Bền
Theo NNVN