Thứ bảy, 18/01/2025 | 13:40
RSS

Thương mại điện tử Việt Nam tăng chóng mặt: Temu "thổi lửa" cuộc cạnh tranh, người tiêu dùng được lợi gì?

Thứ sáu, 25/10/2024, 16:00 (GMT+7)

Mặc dù thị trường thương mại điện tử Việt Nam ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ trong quý 3/2024 nhưng chắc chắn sự gia nhập của sàn thương mại điện tử Trung Quốc Temu sẽ gây áp lực không hề nhỏ.

Phân khúc giá rẻ chiếm lĩnh thị trường thương mại điện tử Việt Nam

Trong báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến quý 3/2024 mới được Metric phát hành, 9 tháng đầu năm 2024, thị trường thương mại điện tử Việt Nam cụ thể là tổng doanh thu của 5 sàn Shopee, Lazada, TikTok Shop, Tiki, Sendo tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực với tổng doanh số đạt 227,7 nghìn tỷ đồng, tăng 37,66% so với cùng kỳ 2023; sản lượng đạt 2,430 triệu sản phẩm, tăng 49,8% so với 9 tháng đầu năm 2023; số shop đang hoạt động là 580,3 nghìn shop, giảm khoảng 1% so với cùng kỳ năm 2023.

Toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến quý 3/2024.

Shopee và TikTok Shop tiếp tục tăng trưởng dương về cả doanh số và sản lượng so với quý 3/2023 và cả quý 2/2024. Tiktok Shop đã đạt mức tăng trưởng doanh số gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, thể hiện chiến lược hiệu quả trong việc kết hợp giữa mô hình mua sắm và giải trí Trong khi đó, Lazada và Sendo vẫn ghi nhận giá trị âm so với quý 2/2024 và cả 9 tháng đầu năm 2023. Tiki, mặc dù vẫn tăng trưởng âm so với hồi năm ngoái nhưng đã có khởi sắc hơn so với quý liền kề, với 38%.

Đáng chú ý, thị trường trong quý 3/2024 ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ của các sản phẩm thuộc phân khúc giá rẻ. Các sản phẩm có giá dưới 200.000 đồng đã chiếm hơn một nửa tổng doanh số toàn thị trường, với mức tăng 9% thị phần so với năm ngoái. Phân khúc dưới 100.000 đồng đã tăng 5% thị phần, trong khi phân khúc từ 100.000 - 200.000 đồng tăng thêm 4%.

"Điều này cho thấy sức hút lớn của các sản phẩm giá rẻ đối với người tiêu dùng, phản ánh xu hướng tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều biến động", Metric đánh giá.

Metric dự báo trong quý 4/ 2024, tổng doanh số trên 5 sàn bán lẻ trực tuyến lớn nhất Việt Nam hiện nay sẽ đạt mức 80,6 nghìn tỷ đồng với 870 triệu sản phẩm được bán ra; tăng tưởng tháng 10,11,12 lần lượt là 10%, 20%, 35% so với cùng kỳ 2023. Một phần do Tết 2025 đến sớm (29/1/2025), do vậy mua sắm chuẩn bị Tết sẽ rơi mạnh nhất vào cuối tháng 11 và tháng 12/2024, dự đoán doanh số trên sàn tăng mạnh nhất vào khoảng thời gian này.

Temu "thổi lửa" cuộc cạnh tranh trên sàn thương mại điện tử Việt Nam, người tiêu dùng được lợi gì?

Nhận thấy tiềm năng của thương mại điện tử Việt Nam, Temu và các nền tảng của Trung Quốc đã rốt ráo thâm nhập. Rất rõ ràng, Temu tập trung vào các hàng hoá giá rẻ cộng thêm giao hàng siêu tốc khiến người tiêu dùng không thể không tiếp cận. Các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc vốn đã rẻ, nhanh, giờ có thêm Temu sẽ mang đến bức tranh thương mại điện tử thêm phần khốc liệt.

Thị trường thương mại điện tử Việt cạnh tranh khốc liệt khi có thêm Temu và các nền tảng Trung Quốc.

Vấn đề đặt ra có nhiều nền tảng thương mại điện tử vào Việt Nam, người tiêu dùng sẽ được lợi gì? Chị Mai Linh (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, chị không thể "cưỡng lại" các chương trình giảm giá tới 60% và tốc độ giao hàng chỉ từ 4-7 ngày của các sàn thương mại điện tử từ Trung Quốc. Các mặt hàng như quần áo, giày dép, đồ gia dụng có mức giá siêu rẻ với mẫu mã đa dạng, rất hợp với thị hiếu.

"Tôi mua bộ 4 món gồm đồng hồ nam chống nước và 3 chiếc vòng tay thạch anh với giá chỉ 31 nghìn đồng, 10 chiếc móc dán tường chỉ 14 nghìn đồng, sạc ô tô một cổng màn hình kỹ thuật số với 4 cổng USD với giá chỉ 29,5 nghìn đồng, giảm giá tới 88%. Đặt hàng từ nhiều shop khác nhau mà được gói chung vào một hộp, như kiểu Temu họ có sẵn hàng ở một kho, mình đặt hàng là họ đóng luôn, giao ngay. Hàng gửi từ Trung Quốc về Việt Nam mà mất có 4 ngày lại miễn phí. Tôi quá ưng", anh Trọng (Hà Nội) nói.

Nói về sự cạnh tranh của các sàn thương mại điện tử, ông Trần Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Viking Việt Nam, chia sẻ với PV Dân Việt rằng, Temu nói riêng và các nền tảng thương mại Trung Quốc đang gây khó thực sự cho các doanh nghiệp Việt bởi họ bán hàng trực tiếp từ nhà máy tới tay người dùng, cắt đến hơn 50% khâu trung gian, tức giá thành bán ra sẽ rẻ hơn nhiều so với giá ở cửa hàng.

"Cuộc chơi đang tăng lên độ khó cao. Thị trường thương mại điện tử Việt Nam rõ ràng vốn khốc liệt sẽ càng khốc liệt, đó là cuộc chơi mà tính đào thải rất rõ. Các sàn trong nước, các nhà bán lẻ phải thay đổi mạnh mẽ về chiến lược kinh doanh, phải tái cấu trúc để thích nghi với cuộc chơi mới", ông Sơn nói.

Tuy nhiên người tiêu dùng cũng không nên quá vui mừng trước những lời quảng cáo rầm rộ như của Temu bởi nhiều sản phẩm ở Temu nâng giá lên rồi để giảm giá ảo nhằm thu hút người mua là chính. Trong khi đó, anh Trọng cho biết, các món đồ anh đã thử đặt mua có chất lượng không như mong đợi, không như video quảng cáo.

Nguyễn Thịnh
Theo Dân Việt