Thứ hai, 27/01/2025 | 07:25
RSS

Thương mại điện tử Việt Nam năm 2025 sẽ bùng nổ theo xu hướng nào?

Thứ hai, 27/01/2025, 07:24 (GMT+7)

Xu thế thương mại điện tử (TMĐT) năm 2025 dự kiến sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ với những thay đổi đáng chú ý và được dự báo sẽ đạt những cột mốc quan trọng vào năm 2025.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), năm 2023, quy mô TMĐT của Việt Nam đạt 20,5 tỷ USD. Dự kiến đến năm 2025, con số này có thể đạt 45 tỷ USD, đưa Việt Nam vào top 3 quốc gia có thị trường TMĐT lớn nhất Đông Nam Á.

Thương mại điện tử tại Việt Nam năm 2025 hứa hẹn sẽ tiếp tục bùng nổ.

Báo cáo Xu hướng thị trường bán lẻ Việt Nam 2025 của AppotaPay cũng nhấn mạnh, mặc dù mạng lưới cửa hàng bán lẻ truyền thống tại Việt Nam hiện nay rất rộng lớn, với 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và hơn 9.000 chợ, chiếm tới 75% thị phần bán lẻ, nhưng tốc độ tăng trưởng của TMĐT từ 35 - 45% mỗi năm đang nhanh chóng tái định hình thói quen tiêu dùng.

PGS.TS Trần Minh Tuấn nhấn mạnh rằng, TMĐT sẽ không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số mà còn góp phần đưa Việt Nam đạt được mục tiêu doanh thu bán lẻ lớn hơn, với 10% tổng doanh thu bán lẻ đến từ TMĐT vào năm 2025. Để không tụt lại phía sau, các doanh nghiệp cần chủ động đón đầu các xu hướng tiêu dùng, tận dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Về xu hướng phát triển, livestream bán hàng tiếp tục hứa hẹn bùng nổ. Năm 2024, hình thức livestream bán hàng đã trở thành một kênh mua sắm phổ biến, đặc biệt thu hút giới trẻ trên các sàn TMĐT. Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong những năm tới.

Nhìn rộng ra có thể gọi xu hướng đó là mua sắm trên nền tảng mạng xã hội. Facebook, Instagram, TikTok và YouTube tiếp tục trở thành các kênh bán hàng quan trọng. Tính năng livestream shopping sẽ giúp người bán tương tác trực tiếp với khách hàng.

Xu hướng tiếp theo là sự trỗi dậy của AI và cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng. AI và Machine Learning sẽ giúp các nền tảng TMĐT phân tích hành vi mua sắm, từ đó đề xuất sản phẩm phù hợp hơn.Trong khi Chatbot AI và trợ lý ảo sẽ hỗ trợ khách hàng nhanh chóng, giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi.

Tiếp đến là thương mại điện tử xuyên biên giới: Nhu cầu mua sắm hàng quốc tế tăng, đặc biệt từ Trung Quốc Mỹ và châu Âu. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ tham gia xuất khẩu qua các nền tảng như Amazon, Alibaba, Shopee Global.

Ngoài ra một số xu hướng khác cũng được dự báo lên ngôi trong năm 2025 như: Mua sắm không tiếp xúc và thương mại điện tử nhanh (Quick Commerce), xu hướng bền vững và TMĐT xanh (Người tiêu dùng quan tâm hơn đến các sản phẩm thân thiện môi trường, doanh nghiệp chú trọng vào bao bì sinh thái, giảm phát thải carbon và logistics xanh), thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) trong mua sắm.

Nhìn về khó khăn, sự gia nhập của các sàn TMĐT quốc tế tạo ra áp lực cạnh tranh lớn cho các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên việc hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến TMĐT, như Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi), sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của thị trường.

Nguyễn Thịnh
Theo Dân Việt