Thứ bảy, 18/01/2025 | 14:53
RSS

Thực phẩm xanh ngày càng được quan tâm

Thứ năm, 14/11/2024, 06:49 (GMT+7)

Ý thức nâng cao sức khỏe của người tiêu dùng ngày càng cao. Xu hướng lựa chọn thực phẩm an toàn, có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường trở thành lựa chọn mới của người tiêu dùng.

Dây chuyền đóng gói trứng tự động của Hòa Phát.

Báo cáo về hành vi tiêu dùng và xu hướng tiêu dùng do Hội Doanh nghiệp (DN) hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2023 đã đưa ra nội dung: Người tiêu dùng sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để mua thực phẩm, đồ uống có nguyên liệu đảm bảo "xanh" và "sạch". Lựa chọn an toàn không chỉ đối với thực phẩm, đồ uống, mà còn là xu hướng lựa chọn đối với sản phẩm thuộc nhóm hàng tiêu dùng nhanh nói chung.

Ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) chia sẻ, gần đây, xu hướng thực phẩm an toàn có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường trở nên phổ biến và trở thành xu hướng tiêu dùng hiện đại. Đây là xu thế tất yếu không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.

TS Đỗ Việt Hà - chuyên gia về công nghệ thực phẩm trong buổi nói chuyện về nội dung sản xuất, tiêu dùng thực phẩm gắn với phát triển bền vững cho biết xu hướng chung của thế giới là phát triển sạch, xanh và bền vững. Đây là xu hướng không thể thay đổi trong thời đại văn minh. Trong quá trình sản xuất đòi hỏi DN đầu tư nhiều hơn vào kỹ thuật cao. Để làm được điều đó, phải có chuỗi sản xuất sạch, an toàn từ gốc, để người tiêu dùng được thừa hưởng các giá trị dinh dưỡng của thực phẩm. Đó là cam kết của Việt Nam với thế giới.

Ông Hà cho hay, thế giới đã sử dụng các chế phẩm sinh học. Như ở Anh, người dân sử dụng protein nuôi cấy từ nấm men để làm thịt. Nếu nuôi bò thì cần diện tích gấp 100 lần nuôi men, phát thải gấp 20 lần so với cấy men. Bù lại, nhà sản xuất phải đầu tư lớn dây chuyền sản xuất thông minh. "Nhưng tính ra giá thành protein từ cấy men rẻ hơn thịt bò. Điều này có thể mang đến sản phẩm xanh cho người có thu nhập thấp, giúp giảm nguy cơ bệnh tật" - TS Hà nêu lợi ích.

Tại Việt Nam, các DN cũng đã trao đổi, học hỏi công nghệ thông minh của Israel, Nhật Bản… Công nghệ này kiểm soát được dịch bệnh, các loại sâu, ít sử dụng thuốc trừ sâu, trị bệnh. Ứng dụng công nghệ cao trong chế biến sẽ ít phát thải các chất thải không mong muốn ra môi trường. Thực tế, một số DN đã sử dụng rau, thực phẩm an toàn cho quá trình sản xuất.

Bên cạnh đó, các nhà sản xuất cũng sử dụng bao bì phân hủy nhanh hơn, góp phần bảo vệ môi trường. "Việt Nam hoàn toàn có thể tổ chức sản xuất bằng công nghệ thông minh, kiểm soát được chất lượng, bảo vệ được sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ môi trường" - TS Đỗ Việt Hà nhấn mạnh và chỉ ra xu hướng sắp tới trong ngành thực phẩm sẽ là chuỗi an toàn kiểm soát được từ nguyên liệu, nuôi trồng, bảo quản, phân phối, lưu thông, không gây ô nhiễm môi trường và hạn chế rác thải.

Theo đánh giá chung, thời gian gần đây nông nghiệp Việt Nam đã và đang thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh. Nông nghiệp xanh sử dụng các phương pháp canh tác thông minh, sử dụng phân bón hữu cơ, giảm sử dụng hóa chất và thuốc trừ sâu, áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước, ứng dụng công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, phế thải, nâng cao hiệu quả sản xuất, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển nông nghiệp bền vững.

Chẳng hạn như trong nuôi trồng thuỷ sản đã chú trọng phát triển các vùng, mô hình nuôi ứng dụng công nghệ cao (đặc biệt là nuôi tôm siêu thâm canh), công nghệ thân thiện với môi trường. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã áp dụng mô hình lúa - tôm, lúa - cá khá thành công đảm bảo hiệu quả sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thực tế cho thấy, sản xuất thân thiện với môi trường rất có ích, không chỉ tạo ra sản phẩm sạch, an toàn mà còn góp phần phát triển nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, việc mở rộng các mô hình nông nghiệp xanh đòi hỏi nhiều giải pháp phải được thực hiện đồng bộ. Bởi hiện nay, quy mô sản xuất nhỏ lẻ đang là “rào cản” cho việc áp dụng hình thức sản xuất khép kín, tập trung với diện tích canh tác lớn.

Ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế NNPTNT đưa ra kiến nghị cần thực hiện đào tạo nghề cho nông dân theo đề án, dự án sản xuất nông nghiệp trên địa bàn gắn với xây dựng nông thôn mới, đảm bảo cho người làm nghề nông nắm vững khoa học, kỹ thuật và các kỹ năng, quy trình sản xuất xanh cần thiết, để nông dân trở thành nông dân “chuyên nghiệp”, có thể làm chủ được quá trình sản xuất sản phẩm hàng hóa. Hỗ trợ các DN nông nghiệp trong đào tạo nghề cho nông dân khi tham gia các hợp đồng liên kết. Chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật cho nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục thực hiện chương trình đưa trí thức trẻ về công tác tại tuyến xã.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, hướng tới nền nông nghiệp bền vững, Bộ đã ban hành hướng dẫn kỹ thuật về phát triển nông nghiệp xanh giai đoạn 2018-2030 với mục tiêu: Xây dựng một hệ thống công nghệ hiệu quả, an toàn, giảm phát thải, tuần hoàn, thông minh và tích hợp để phát triển nông nghiệp xanh, thúc đẩy đổi mới khoa học - công nghệ. Việc này không chỉ hạn chế tình trạng mất an toàn thực phẩm mà còn nâng cao giá trị cũng như vị thế mặt hàng nông sản Việt Nam, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và đưa Việt Nam vào tốp 15 cường quốc xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới...

H.Hương
Theo Đại Đoàn Kết