Thị trường lao động tiếp tục duy trì đà phục hồi chậm
Tại Họp báo về tình hình lao động quý I/2023 diễn ra sáng 6/4, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Trung Tiến cho biết thu nhập bình quân tháng của người lao động quý I là 7,0 triệu đồng, tăng 197.000 đồng so với quý trước và tăng 640.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao gấp 1,41 lần khu vực nông thôn (8,6 triệu đồng so với 6,1 triệu đồng).
Đáng chú ý, thu nhập bình quân của người lao động tăng ở cả ba khu vực kinh tế. Trong đó, khu vực dịch vụ có tốc độ tăng thu nhập cao nhất.
So với cùng kỳ năm 2022, thu nhập bình quân tháng của lao động làm việc trong dịch vụ là 8,3 triệu đồng, tăng 10,1%, tương ứng tăng 766.000 đồng.
Họp báo về tình hình lao động quý I/2023. Thị trường lao động tiếp tục duy trì đà phục hồi chậm.
Lao động làm việc trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản có thu nhập bình quân là 4,1 triệu đồng, tăng 9,2%, tương ứng tăng khoảng 345.000 đồng. Lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 7,9 triệu đồng, là khu vực có tốc độ tăng thấp nhấp trong ba khu vực kinh tế, tăng 9,0%, tương ứng tăng khoảng 655.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.
Xét theo ngành kinh tế, một số ngành kinh tế ghi nhận tốc độ tăng so với quý trước như: Lao động làm việc trong ngành khai khoáng có thu nhập bình quân là 10,3 triệu đồng, tăng 6,7%, tương ứng tăng 640.000 đồng so với quý trước; thu nhập bình quân tháng của lao động trong ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy là 8,2 triệu đồng, tăng 3,8%, tương ứng tăng 300.000 đồng so với quý trước; ngành vận tải, kho bãi lao động có thu nhập bình quân tháng là 9,6 triệu đồng, tăng 2,7%, tương ứng tăng 255.000 đồng so với quý trước.
"Tuy vậy, sự gia tăng thu nhập của người lao động trong quý này không diễn ra ở tất các ngành kinh tế. Trong khi thu nhập bình quân của người lao động một số ngành kinh tế tăng, một số ngành kinh tế khác có sự sụt giảm thu nhập bình quân so với quý trước", đại diện lãnh đạo Tổng cục thống kê thông tin thêm.
Cụ thể, thu nhập bình quân của lao động ngành hoạt động kinh doanh bất động sản là 10,5 triệu đồng, giảm 2,6%, tương ứng giảm 275.000 đồng; thu nhập bình quân của lao động ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước là 9,8 triệu đồng, giảm 1,3%, tương ứng giảm 125.000 đồng; ngành xây dựng lao động có thu nhập bình quân là 7,8 triệu đồng, giảm khoảng 1%, tương ứng giảm 41.000 đồng.
GDP quý I/2023 chỉ tăng 3,32% thấp nhất kể từ năm 2021(ngoại trừ năm 2020) nhưng theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, thị trường lao động đang phục hồi tích cực hơn so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi còn chậm.
Để thị trường lao động phục hồi bền vững, đảm bảo cuộc sống cho người lao động, ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đề xuất, cần tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, phát động các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác thị trường mới, đơn hàng mới cho doanh nghiệp. Cần có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như da giày, dệt may, điện-điện tử...
Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để duy trì việc làm.