Chủ nhật, 19/01/2025 | 02:37
RSS

Thiếu kẽm khiến phái mạnh dễ yếu sinh lý

Thứ bảy, 03/06/2017, 16:00 (GMT+7)

Hầu hết trường hợp bị giảm lượng tinh trùng và kích thích tố sinh dục nam thấp là do thiếu kẽm.

Bác sĩ Nguyễn Thế Lương, Phó Giám đốc Bệnh viện Thận Hà Nội cho biết, kẽm cần thiết cho cấu tạo thành phần hoạt động của hormone sinh dục nam testosterone và đóng vai trò quan trọng trong quá trình tổng hợp, cấu trúc, bài tiết nhiều hormone khác. Nó cũng cực kỳ cần thiết cho quá trình sản xuất tinh trùng.  

Kẽm cũng quan trọng đối với tuyến tiền liệt. Hàm lượng kẽm ở tuyến tiền liệt là nhiều nhất so với các tuyến khác. Thiếu kẽm có thể gây phì đại tuyến tiền liệt và viêm tuyến tiền liệt, cùng những thay đổi khác ở tuyến sinh dục này.

thieu kem khien dan ong thieu sinh ly

Hàu rất giàu kẽm, tuy nhiên không vì thế mà ăn quá nhiều hay ăn sống. Ảnh: Plnaim.

Khi khám nam khoa, bác sĩ thường chỉ định bệnh nhân làm xét nghiệm kẽm huyết thanh, kết quả phát hiện khá nhiều nam giới thiếu kẽm. Biểu hiện đầu tiên của thiếu kẽm là giảm ham muốn tình dục, hầu hết trường hợp giảm lượng tinh trùng và kích thích tố sinh dục nam thấp. Trong khi đó nam giới bị mất kẽm rất nhiều. “Mỗi lần xuất tinh, cơ thể sử dụng hết khoảng 5 mg kẽm tương đương với 50% lượng kẽm mà cơ thể người đàn ông cần trong một ngày”, bác sĩ Lương nói.

Thêm vào đó, khẩu phần ăn của người dân Việt Nam chỉ đáp ứng 57% nhu cầu kẽm. Vì thế, tình trạng thiếu kẽm ở cánh mày râu khá phổ biến. Để bổ sung kẽm, nhiều người cho rằng cần ăn thật nhiều hải sản, uống các loại rượu ngâm như ba kích, rượu rắn, rượu tắc kè... Tuy nhiên, theo bác sĩ Trần Khánh Vân, Phó Trưởng khoa Vi chất dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng, chế độ ăn này chỉ giải quyết được phần ngọn. Nhu cầu kẽm với cơ thể là hằng ngày, vì thế không thể bổ sung theo kiểu "no dồn đói góp".

Vì thế bác sĩ đề nghị đưa phác đồ điều trị thiếu kẽm vào phòng khám nam khoa. Nghiên cứu trên thế giới cho thấy, nam giới sử dụng thuốc bổ sung kẽm sẽ có sự gia tăng về số lượng cũng như khả năng di động của tinh trùng. Việc bổ sung kẽm có thể từ 2 nguồn: thực phẩm và thuốc uống, trong đó ưu tiên nguồn cung cấp từ thực phẩm. Kẽm có nhiều trong hải sản như hàu, ngao, tôm, cua; các loại thịt gồm thịt bò, gà, heo. Các loại hạt ngũ cốc thường ít kẽm và cơ thể khó hấp thu. Nếu muốn uống thuốc để bổ sung kẽm thì cánh mày râu nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Dương Vũ
Theo Vnexpress