Theo thông tin từ tờ báo Sponichi (Nhật Bản), CLB Sint-Truiden - đội bóng hiện đang chơi ở giải VĐQG Bỉ, sẽ là bến đỗ mới của Công Phượng trong thời gian tới: "Vào ngày 29/6 vừa qua, CLB Sint-Truiden đã có được chữ ký của cầu thủ người Việt Nam Nguyễn Công Phượng. Theo một nguồn tin có liên quan, thông tin này sẽ sớm được công bố ở Việt Nam".
Nếu điều này trở thành sự thật, Công Phượng sẽ là cầu thủ bóng đá Việt Nam đầu tiên thi đấu tại Bỉ, và là cầu thủ thứ hai của dải đất hình chữ S xuất ngoại thi đấu tại châu Âu, sau đàn anh Lê Công Vinh.
Thực tế, trong hơn một thập kỷ qua, bóng đá Việt Nam chứng kiến khá nhiều trường hợp cầu thủ xuất ngoại thi đấu nhưng rất ít người trong số họ có được thành công như mong đợi.
Cựu tiền đạo đội tuyển Việt Nam Lê Huỳnh Đức (hiện là HLV của SHB Đà Nẵng) chính là người tiên ra nước ngoài thi đấu của các cầu thủ Việt Nam. Năm 2001, Huỳnh Đức khi ấy là tiền đạo hàng đầu của bóng đá Việt Nam và là chân sút xuất sắc của khu vực Đông Nam Á, đã sang Trung Quốc thi đấu. Huỳnh Đức đầu quân cho Câu lạc bộ Chongquin Lifan với một bản hợp đồng cho mượn có thời hạn 4 tháng.
Bóng đá Việt Nam có nhiều cầu thủ từng xuất ngoại thi đấu nhưng không có được thành công
Dù là chuyến xuất ngoại mang nặng tính thương mại (Lifan đã tài trợ 60 xe đặc chủng cho Công an TP.HCM từ thương vụ này), song Huỳnh Đức cũng thi đấu khá tốt tại môi trường mới và ghi được 4 bàn thắng sau 4 tháng thi đấu cho Chongquin Lifan.
Trong số những cầu thủ xuất ngoại thi đấu của bóng đá Việt Nam hơn một thập kỷ trước, trường hợp của tiền vệ Lương Trung Tuấn có lẽ thuộc dạng đặc biệt nhất.
Dính nghi án bán độ tại HAGL năm 2003, Trung Tuấn bị VFF treo giò 3 năm. Cầu thủ này bất đắc dĩ phải chuyển Thái Lan thi đấu cho Cảng Thái Lan với mức lương bèo bọt 400 USD/tháng để duy trì phong độ, trước khi trở về Việt Nam và dần mất hút những năm tháng sau.
Tương tự Lương Trung Tuấn, tiền đạo Việt Thắng từng bị VFF treo giò 3 năm và sang Câu lạc bộ Porto B năm 2005 ăn tập, nhằm duy trì cảm giác và tích lũy kinh nghiệm để trở lại tranh tài ở V.League những năm tháng sau đó, song cũng không có được thành công như mong đợi.
Lê Công Vinh có lẽ là cầu thủ Việt Nam hiếm hoi thành công nhất khi ra nước ngoài thi đấu. CV9 đầu quân cho Leixoes của Bồ Đào Nha (năm 2009) và Consadole Sapporo của Nhật Bản (năm 2013). Ở mỗi đội bóng của mình, tiền đạo xứ Nghệ đều ít nhiều đặt dấu ấn với việc ghi được 2 bàn thắng, đồng thời nhận mức lương rất cao thời điểm đó.
Năm 2016, thành viên ưu tú của khóa một, học viện HAGL JMG, Nguyễn Tuấn Anh từ HAGL sang Yokohama FC (Nhật Bản) với nhiều kỳ vọng. Nhưng rồi, những chấn thương hành hạ khiến tiền vệ gốc Thái Bình có chuyến xuất ngoại không như ý muốn. Cũng trong thời gian này, Lương Xuân Trường cũng thất bại tại CLB Incheon United và về nước trong nặng lẽ ngay sau đó.
Giống như Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng được đặt nhiều kỳ vọng khi đầu quân cho CLB HollyHock của Nhật Bản. Tuy nhiên có thể thấy, đây là quãng thời gian đáng quên, một nốt trầm trong sự nghiệp chơi bóng của “Messi Việt Nam”, khi anh chủ yếu ngồi dự bị và chỉ được ra sân thi đấu tại giải trẻ.
Mới đây Công Phượng bất ngờ sớm nói lời chia tay Incheon United sau hơn 4 tháng gắn bó, và dự kiến thử thách bản thân một năm tại trời Âu. Trong khi đó Xuân Trường cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, khi sớm nói lời chia tay với Buriram sau nửa hợp tác.
Trong số các cầu thủ Việt Nam xuất ngoại ở thế hiện tại, chỉ có thủ thành Đặng Văn Lâm là được đội bóng chủ quản trọng dụng. Thủ thành việt Kiều vẫn được ra sân đều đặn trong màu áo Muathong United mỗi dịp cuối tuần.
Tuy vậy đội bóng của anh thi đấu vô cùng kém thuyết phục khi liên tục đứng cuối bảng xếp hạng của Thai League còn Văn Lâm lọt Top những thủ môn để lọt lưới nhiều nhất giai đoạn đầu của giải đấu vô địch Thái Lan. Dù được ra sân đều đặn nhưng chắc hẳn Văn Lâm cũng chẳng thể vui khi CLB của mình thi đấu rất bết bát.