Thứ sáu, 22/11/2024 | 12:12
RSS

Thang cuốn - nơi tiềm ẩn những tai nạn chết người

Thứ sáu, 21/04/2017, 11:22 (GMT+7)

Những vụ tai nạn kinh hoàng do sử dụng thang cuốn không đúng cách khiến cho mọi người không khỏi rùng mình.

Thang cuốn là hình thức di chuyển phổ biến trong các trung tâm thương mại, tòa nhà cao tầng, chung cư, sân bay. Thế nhưng, những tai nạn kinh hoàng liên quan đến thang cuốn khiến cho mọi người không khỏi rùng mình.

Báo Gia đình và xã hội đưa tin, vào ngày 6/4/2017, một vụ tai nạn liên quan đến thang cuốn đã xảy ra tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM. Nạn nhân trong vụ tai nạn là một bé trai 17 tháng tuổi bị thang cuốn trong phòng chờ kéo gần đứt lìa cổ tay.

Sau khi hoàn thành thủ tục, mẹ con chị Ngọc Anh lên phòng chờ ngồi đợi chuyến bay, bé trai tự chạy đi chơi. Đến 15h55, một số hành khách phát hiện cháu bé ngã xuống thang cuốn cảm ứng tự động, cổ tay bị thang cứa gần đứt lìa.

Trước đó, vào ngày 9/8/2015, một bé trai khoảng 3 tuổi được bố mẹ cho đi cùng để dự tiệc cưới tại tầng 3 tòa nhà 335 trên đường Cầu Giấy, Hà Nội  Trong lúc bố mẹ không chú ý, cháu bé đã đi ra ngoài khu vực cầu thang cuốn để chơi. Sau nhiều lần bước lên, bước xuống thang cuốn, cháu bé đã bị kẹt 1 phần mũi giày chân vào thang.

Rất may, tại thời điểm xảy ra tai nạn có rất nhiều người qua lại khu vực đó nên đã xúm lại cứu cháu bé thoát khỏi thang cuốn. Dù cháu bé chỉ bị thương nhẹ ở chân, song bố mẹ đã vô cùng sợ hãi khi phát hiện con trai mình bị kẹt chân vào thang cuốn.

Vụ tai nạn thang cuốn tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Báo Gia đình và Xã hội

Hay như một vụ tai nạn khác xảy ra vào ngày 22/10/2012, anh Bùi Hoàng Văn trú ở xã Hưng Đông (TP Vinh - Nghệ An) đưa vợ và con đi mua sắm tại siêu thị Big C Vinh (Nghệ An). Trong lúc đi từ tầng 3 xuống tầng 2, cháu Bùi Hoàng Hải (3 tuổi), con anh Văn, đã bị chiếc thang cuốn giữ lại, mắc kẹt đùi phải vào điểm tiếp nối cuối của thang cuốn. Chỉ đến khi đội cứu nạn dùng máy thủy lực phá thang cuốn, cháu bé mới được cứu ra ngoài.

Theo thông tin được đăng tải trên trang Sống mới, số liệu năm 2011 cho thấy có khoảng 33.000 thang cuốn đang hoạt động tại Mỹ, ít hơn nhiều so với thang máy. Nhưng các tai nạn liên quan đến thang cuốn thường xuyên xảy ra hơn hẳn, gấp 15 lần so với tai nạn thang máy.

Nghiên cứu về 305 vụ tai nạn thang cuốn trên khắp thế giới trong đó 29% số vụ gây tử vong, David Cooper, chuyên gia về thang cuốn và thang máy ở Anh kết luận rằng, đây là một điều đáng báo động, bởi nhiều người trong ngành không nhận ra rằng đây là vấn đề lớn. Tuy nhiên, nhiều người từng làm việc với nhà sản xuất cũng như người mua thang cuốn đã xác nhận rằng thang cuốn cần phải được thiết kế an toàn hơn.

Năm 1998, Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng Hoa Kỳ (CPSC) đã tìm kiếm dữ liệu về sự cố và các trường hợp tử vong liên quan đến thang cuốn. Kết quả, ủy ban này nhận thấy rằng có khoảng 5.800 tai nạn do thang cuốn trong thời kỳ từ 1994-1997 và còn liên tục tăng lên. Tai nạn thang cuốn khiến 27 người chết, trong đó 21 vụ là do té ngã. Từ năm 1992-2003, có 24 người chết khi đi thang cuốn, trong đó 16 người tử vong do ngã.

Rủi ro của thang cuốn tập trung nhiều ở hai nhóm tuổi: trẻ em 5 tuổi trở xuống và người lớn từ 65 tuổi trở lên. Năm 2010, Tạp chí Y học Hồng Kông công bố nghiên cứu về thương tích thang cuốn trong số 104 bệnh nhân, trong đó gần 60% số bệnh nhân từ 65 tuổi trở lên, tất cả đều bị thương do trượt hoặc ngã, vết thương bổ biến nhất là chấn thương đầu. Một nghiên cứu năm 2006 cũng xác định rằng 26.000 tai nạn thang cuốn có liên quan tới trẻ em đã xảy ra từ năm 1990 đến năm 2002, trong đó hơn 50% là do ngã.

Một nguyên nhân thường gặp khác của tai nạn thang cuốn là do mắc kẹt giữa hai bậc thang khi chúng di chuyển và khớp lại với nhau. Thang cuốn là loại hình vận tải đòi hỏi phải bảo trì thường xuyên. Nếu các công ty cắt giảm chi phí bảo trì thang cuốn để tăng lợi nhuận, khả năng bị tai nạn sẽ tăng lên.

Không nên để trẻ dưới 5 tuổi đi thang cuốn

Những điều cần lưu ý khi đi thang cuốn:

Khi chuẩn bị bước vào thang cuốn: quan sát đèn hiển thị chiều chuyển động được gắn ở hai đầu thang để đi vào đúng lối vào của thang.

Hướng mặt ra phía trước và bám vào tay vịn trước khi đi vào và bước chân lên bậc thang cuốn đang chuyển động. Khi bước vào thang, chú ý bước vào khoảng cách giữa 2 bậc, không được bước vào vạch kẻ ngang có trên thang cuốn vì đó là đường gấp tạo thành 2 bậc.

Trong khi đứng trên bậc thang, hành khách nên đứng cả hai chân lên cùng một bậc, không nên đứng trên hai bậc khác nhau. 

Khi đứng, lưu ý không đứng quá sát mép thang cuốn, tránh trường hợp bị mắc giày, dép vào cạnh thang.

Không được phép chạy, trêu đùa nhau hay ngồi trên thành tay vịn của thang cuốn. Lưu ý đứng phía tay phải của thang để đảm bảo không cản trở hành khách khác đi thang. 

Người lớn nên cầm tay và đặt trẻ em đứng vào khoảng giữa của bậc thang cuốn. Trẻ em dưới 6 tuổi tốt nhất nên được bế để đảm bảo an toàn.

Nếu mặc quần áo hoặc váy có tính chất xòe rộng cần chú ý về trang phục. Rất nhiều trường hợp tai nạn thang máy xảy ra do quần áo bị kẹt dưới băng chuyền.

Khi gần lên đến nơi, bạn cần lưu ý nhìn xuống phía dưới chân bậc thang cuốn. Lúc còn khoảng 1/2 bậc thang thì bước cao và dứt khoát về phía mặt đất.

Sử dụng tay vịn đúng cách, không được tựa lưng vào tay vịn hay quay ngang người, quay lại phía sau - tránh tình trạng mất thăng bằng hay kịp thời xử lý khi có sự cố.

Tuyệt đối không mang theo xe nôi, thùng hàng nặng lên cùng thang cuốn để bảo đảm sự an toàn cho mình và người xung quanh.


Theo Đời sống Plus