Thứ bảy, 18/01/2025 | 15:05
RSS

TH true MILK lần đầu 'Nam tiến', xây dựng trang trại bò sữa công nghệ cao vùng biên giới An Giang

Thứ bảy, 27/02/2021, 16:38 (GMT+7)

Ngày 27/2, Dự án chăn nuôi bò sữa tập trung công nghệ cao với quy trình khép kín lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được khởi công ở huyện biên giới Tri Tôn – Tỉnh An Giang.

Từ “thủ phủ bò sữa TH” ở Nghệ An, 5 năm qua tập đoàn TH tiếp tục ngược miền Bắc, xuôi miền Nam để tạo vùng nguyên liệu sữa tươi mới. Ngày 27/2, Dự án chăn nuôi bò sữa tập trung công nghệ cao với quy trình khép kín lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được khởi công ở huyện biên giới Tri Tôn – Tỉnh An Giang.

Dự án này không chỉ là bước tiến mới của Tập đoàn TH mà còn là bước chuyển mình mạnh mẽ của An Giang về phát triển nông nghiệp công nghệ cao 4.0. 

TH true MILK lần đầu 'Nam tiến', xây dựng trang trại bò sữa công nghệ cao vùng biên giới An Giang

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cùng các vị quan khách và lãnh đạo tập đoàn TH thực hiện nghi thức khởi công Dự án Chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao tại tỉnh An Giang.

TH true MILK lần đầu 'Nam tiến', xây dựng trang trại bò sữa công nghệ cao vùng biên giới An Giang

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đánh giá cao những đóng góp nổi bật cho nền nông nghiệp Việt Nam của TH suốt hơn 10 năm qua.

Dự án bò sữa tại An Giang lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

An Giang - vùng đất đầu nguồn của Đồng bằng sông Cửu Long, với 2 nhánh sông Tiền và sông Hậu chảy qua địa phận tỉnh khoảng 100 km, mang phù sa bồi đắp nên các cánh đồng màu mỡ, phì nhiêu, nước ngọt quanh năm, là điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Là tỉnh nông nghiệp An Giang đã chọn 08 nhóm sản phẩm: lúa gạo, thủy sản, chăn nuôi, rau màu, cây ăn trái, hoa kiểng, dược liệu, nấm ăn - nấm dược liệu để phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao. 

Địa phương này cũng là một trong những nơi tiên phong đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khi từ năm 2012, tỉnh ủy An Giang đã ban hành Nghị quyết phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giai đoạn 2012 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh An Giang triển khai hành động bằng quyết sách về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Với quyết tâm biến thế mạnh nông nghiệp thành động lực tăng trưởng cho kinh tế, tỉnh xác định nông nghiệp là nền tảng của nền kinh tế; dịch vụ, du lịch và công nghiệp là động lực cho phát triển. Do đó, An Giang đã và đang thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và tăng cường công tác xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp.

Vừa qua, tỉnh An Giang đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho nhiều dự án có quy mô lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tiêu biểu Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung của Tập đoàn TH tại huyện Tri Tôn với tổng vốn đầu tư  2.655 tỷ đồng, đây là dự án chăn nuôi bò sữa tập trung công nghệ cao với quy trình khép kín lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tính đến thời điểm hiện tại. 

Phát biểu tại buổi Lễ khởi công Dự án chăn nuôi bò sữa tập trung công nghệ cao với quy trình khép kín lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của Tập đoàn TH sáng ngày 27/2, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang - ông Nguyễn Thanh Bình cho biết: Tỉnh ủy, UBND tỉnh cam kết đồng hành với nhà đầu tư nói chung và Tập đoàn TH nói riêng để dự án đạt đúng tiến độ và hiệu quả như mong muốn. Ông bày tỏ tin tưởng với năng lực và kinh nghiệm của Tập đoàn TH, doanh nghiệp sẽ triển khai và hoàn thành dự án theo đúng tiến độ. Sự thành công của TH sẽ là nguồn cảm hứng cho các doanh nghiệp khác tiếp tục nghiên cứu, tham gia đầu tư khai thác, đánh thức tiềm năng, thế mạnh tỉnh An Giang, đưa tỉnh ngày càng phát triển văn minh, giàu đẹp.

TH true MILK lần đầu 'Nam tiến', xây dựng trang trại bò sữa công nghệ cao vùng biên giới An Giang

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, ông Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại lễ khởi công.

Đưa tinh hoa từ Dự án sữa đạt kỷ lục thế giới vào vận hành tại Dự án An Giang

Theo kế hoạch, Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tại An Giang của Tập đoàn TH triển khai trong 4 năm (2020-2024) là bước đi tiếp theo của TH trong chiến lược phát triển đàn bò sữa, giữ vững vị thế doanh nghiệp đứng đầu trong phân khúc sữa tươi. Các hạng mục của Dự án được xây dựng, vận hành trên diện tích hơn 178 ha; vùng nguyên liệu liên kết với người dân có diện tích 3.000 ha. Quy mô đàn bò nuôi tập trung là 10.000 con, nhà máy chế biến sữa tươi sạch công suất 135 tấn/ngày. 

Chứng kiến sự kiện quan trọng này của tỉnh An Giang và Tập đoàn TH, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình bày tỏ niềm vui mừng và tin tưởng mô hình chăn nuôi bò sữa do Tập đoàn TH vận hành sẽ trở thành mô hình điển hình, có quy mô lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Về hình mẫu, mô hình này sẽ thành công, góp phần, đồng hành với Chính phủ hoàn thành Mục tiêu 500.000 con bò sữa trên cả nước sớm hơn 5 năm so với Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Tại Dự án An Giang, TH sẽ tiếp tục ứng dụng Công nghệ cao, công nghệ 4.0 và tinh hoa khoa học quản trị từ Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa đạt kỷ lục thế giới của TH tại Nghệ An, với quy trình khép kín và sự chăm chút tỉ mỉ để tạo ra những ly sữa đạt chuẩn quốc tế. 

Dự án chăn nuôi bò sữa tập trung công nghệ cao khép kín của TH không chỉ mở ra một chương mới trong nông nghiệp công nghệ cao của An Giang nói riêng, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, mà còn phát triển các sinh kế mới cho bà con nông dân. Trong chuỗi sản xuất khép kín của TH, nông dân sẽ tham gia vào khâu trồng cây nguyên liệu thức ăn thô xanh cho bò sữa, năng suất và giá trị trên một đơn vị canh tác sẽ được tăng lên đáng kể. 

Tri Tôn là huyện miền núi tỉnh An Giang có thế mạnh vùng đồng cỏ lớn, người dân theo nghề chăn nuôi bò nhiều thế hệ và có kinh nghiệm chăm sóc đại gia súc. Vì vậy, việc triển khai mô hình chăn nuôi tập trung hay liên kết với người dân của Tập đoàn TH tại nơi đây sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn. 

Bà Thái Hương - Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH - chia sẻ, bà rất thích thú khi nghe câu chuyện người nông dân mắc màn cho bò ngủ để tránh dịch bệnh, yêu quý, bảo vệ đàn bò như con mình. “Với những người nông dân chăm chỉ, quyết liệt và yêu quý con bò như thế, tôi tin tưởng rằng mô hình liên kết này sẽ mang lại thành công cho doanh nghiệp và bà con. TH sẽ đưa người nông dân đi cùng, cùng phát triển và xóa đói giảm nghèo một cách bền vững. Đó cũng chính là một ý nghĩa của Hạnh phúc đích thực – True Happiness mà Tập đoàn TH theo đuổi. 

Ngay trước Lễ Khởi công, sáng 27/2, lãnh đạo tỉnh An Giang và lãnh đạo Tập đoàn TH đã tham gia Lễ phát động Tết trồng cây tại khu di tích cách mạng O Tà Sóc, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, theo tinh thần của Chỉ thị 45/CT-TTg của Thủ tướng về tổ chức Tết trồng cây, tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng trên toàn quốc.

TH true MILK lần đầu 'Nam tiến', xây dựng trang trại bò sữa công nghệ cao vùng biên giới An Giang

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cùng Nhà sáng lập Tập đoàn TH - Bà Thái Hương trồng cây tại khu di tích cách mạng Ô Tà Sóc.

Hàng nghìn cây xanh trồng tại Lễ Phát động là món quà Tập đoàn TH tặng An Giang. Là một nhà đầu tư lớn đến với An Giang bằng dự án chăn nuôi tập trung lớn nhất ĐBSCL, TH luôn mong muốn phát triển kinh tế xã hội hài hòa với thiên nhiên và môi trường, phát triển bền vững, theo đúng tôn chỉ “Trân quý Mẹ Thiên nhiên” và giá trị cốt lõi “Thân thiện với môi trường” hướng tới mô hình kinh tế xanh của Tập đoàn, làm xanh tươi các vùng dự án của TH, cũng như hưởng ứng sáng kiến trồng mới 1 tỷ cây xanh của Chính phủ.

 

PV
Theo Giáo dục & Thời đại