Minh họa/INT
Bất lực vì bị làm phiền
Nhằm loại bỏ SIM “rác”, SIM không chính chủ ra khỏi hệ thống, năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các nhà mạng dừng hoạt động đại lý phát triển thuê bao mới thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao.
Theo số liệu thống kê, có tổng số 19,6 triệu thuê bao có thông tin không trùng khớp đã bị xử lý. Mặc dù vậy, vấn nạn cuộc gọi rác vẫn dai dẳng đeo bám người dùng di động tại Việt Nam Nhiều người bày tỏ sự bức xúc và bất lực vì liên tục bị làm phiền bởi những cuộc gọi mang tính chất chào mời, lừa đảo.
Anh Phạm Ngọc Thành (49 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, thời gian gần đây, có nghiên cứu mua căn hộ chung cư hoặc nhà đất. Thế nhưng, trong quá trình tìm hiểu thông tin trên các sàn mua bán bất động sản một số thông tin cá nhân của anh đã bị lộ.
Ngay lập tức nhiều ngày sau đó, anh Thành luôn bị các số máy lạ gọi điện làm phiền. Theo anh Thành, mỗi ngày anh nhận được cả chục cuộc gọi làm phiền đến từ cả đầu số cố định và di động, không trừ khung giờ nào.
“Có khi tôi đang họp, đang nghỉ trưa, đang ăn cơm họ cũng gọi. Ban đầu, hầu hết các cuộc gọi là từ môi giới bất động sản. Tuy nhiên sau đó, tôi nhận được đủ các cuộc gọi chào mời các dịch vụ khác nhau như giao dịch chứng khoán, tham gia sàn ảo, thậm chí cả các dịch vụ mại dâm trá hình được họ nói tế nhị là ‘tâm sự thầm kín’ cũng được chào mời nhiệt tình.
Dù đã từ chối vô số lần, chặn hết các số điện thoại lạ gọi đến nhưng cũng không thể giải quyết triệt để. Giờ cứ thấy số lạ gọi là tôi không nghe nữa, dĩ nhiên trong số đó có cả những người liên hệ vì công việc thật nhưng tôi cũng đành chịu”, anh Ngọc Thành ngán ngẩm kể lại.
Đứng trên góc độ người đi “chào mời”, chị Trần Thị Ngọc Hoa (27 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ, từng có kinh nghiệm hơn 1 năm làm nghề telesale bất động sản. Công việc hằng ngày sẽ bắt đầu bằng việc nhận danh sách khoảng 200 - 250 số điện thoại từ trưởng nhóm, và bấm số điện thoại gọi để chào mời, giới thiệu những dự án bất động sản đang chuẩn bị mở bán, lọc ra danh sách những khách hàng tiềm năng.
“Telesale không phải là người đi tìm và thu thập số điện thoại của khách hàng nên nguồn gốc những số điện thoại đó từ đâu thì tôi không biết. Việc của chúng tôi là làm thế nào để thu hút khách hàng nán lại nghe điện thoại lâu một chút, bởi cuộc gọi phải từ 15 giây trở lên mới được tính là đạt.
Tuy nhiên, hầu hết khi chỉ vừa giới thiệu là telesale, đa phần khách hàng sẽ từ chối, dập máy ngay, thậm chỉ là mắng mỏ nặng lời. Tôi cũng hiểu là nhiều người sẽ cảm thấy bị làm phiền, nhưng đó là công việc nên vẫn phải thực hiện. Mỗi ngày, công việc cứ lặp đi lặp lại như vậy cho đến khi đủ chỉ tiêu”, chị Ngọc Hoa cho biết.
Hoạt động mua, bán SIM rác vẫn diễn ra ngang nhiên trên các nền tảng mạng xã hội
Vấn nạn lừa đảo từ SIM “rác”
Không chỉ đau đầu vì bị làm phiền bởi những cuộc gọi “rác”, người dùng điện thoại còn phải đối mặt với “bẫy” lừa đảo bủa vây. Chị Trần Thị Tùng Lâm – nạn nhân của lừa đảo chiếm đạt tài sản từ SIM “rác” bức xúc chia sẻ câu chuyện bị kẻ xấu giả danh người giao hàng để yêu cầu chuyển khoản.
“Sau khi tìm hiểu, tôi thấy rằng những người này có nhiều hình thức lừa đảo khác nhau như mạo danh công an, luật sư, nhân viên ngân hàng, tuyển dụng công việc thời vụ, làm nhiệm vụ và nạp tiền… Tuy nhiên mẫu số chung là họ đều sử dụng các loại SIM ‘rác’, từ cả các đầu số cố định và di động nhằm gây ‘nhiễu’ trong việc điều tra, truy vết”, chị Tùng Lâm chia sẻ.
Ông Trần Văn Long, CEO Công ty TNHH Think Pro cũng bày tỏ bức xúc khi chính doanh nghiệp của ông cũng bị ảnh hưởng bởi vấn nạn lừa đảo từ SIM không chính chủ.
Theo ông Long, thời gian gần đây, khách hàng từng mua sản phẩm tại công ty phản ánh rằng, có một số đối tượng giả danh nhân viên công ty thường xuyên gọi điện. Họ chào mời mua bảo hiểm đối với các mặt hàng máy tính, máy tính xách tay, máy tỉnh bảng… kèm nhiều ưu đãi hấp dẫn. Ngay lập tức, bộ phận chăm sóc khách hàng của công ty đã phải gửi cảnh báo đến khách hàng, ngăn chặn kẻ xấu trục lợi.
Theo ghi nhận của Báo GD&TĐ, trong các hội nhóm kín trên mạng xã hội, hoạt động mua bán SIM không chính chủ vẫn diễn ra sôi động. Người mua, kẻ bán ngang nhiên rao bán mặt hàng này với mức giá chỉ khoảng 100 nghìn đồng/SIM, đủ các nhà mạng như Viettel, Vinaphone, MobiFone.
Thấy người mua (phóng viên) có vẻ e ngại, người bán khẳng định SIM này đã được đăng ký dưới tên người khác, vì vậy sẽ không bị khóa, vẫn sử dụng bình thường. Thậm chí những người này còn cung cấp số lượng lớn SIM không chính chủ với mức giá “sỉ” khá ưu đãi, chỉ từ 70 nghìn đồng mà chẳng cần quan tâm mục đích của người mua.
Theo chuyên gia pháp lý, để tránh trở thành nạn nhân của lừa đảo trực tuyến, người dân cần phải luôn đề cao cảnh giác, nhận biết các hình thức lừa đảo, trang bị thêm tri thức để tự bảo vệ mình tốt hơn trên không gian mạng. Ngoài ra, không nên cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại, tài khoản ngân hàng của cá nhân, cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa biết rõ nhân thân và lai lịch của người đó.