Quê ngoại tôi là một làng thuần nông thuộc tỉnh Hà Tây cũ, nay là xã Tri Thuỷ, huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội
Quê nghèo, chẳng có gì ngoài tấm lòng mộc mạc của những người nông dân chân lấm tay bùn, chịu thương chịu khó. Về tín ngưỡng, họ ngoại nhà tôi thuộc Giáo xứ Hàng Nguyên, nơi có đền thờ ông Thánh Giuse nổi tiếng linh thiêng khắp vùng Bìm - Bái.
Các cụ cao niên kể lại rằng, trước cửa đền có đặt một hòm công đức để giáo dân gần xa phát tâm. Trẻ chăn trâu có đứa tinh nghịch luồn tay vào khe lấy tiền nhưng kỳ lạ là chẳng thể nào rút tay ra nổi. Chỉ khi buông đồng tiền ra và thành tâm sám hối thì mới có thể rời đi trong nỗi sợ hãi khôn cùng.
Đền ông Thánh thiêng nên người dân trong vùng không chỉ đến cầu lộc cầu tài mà khi có chuyện thị phi còn đưa nhau ra thề thốt. Tương truyền có bà mua trứng gà của người trong thôn nhưng chẳng chịu trả tiền còn già mồm cãi cố. Quan trần không xử nổi, hai bà liền lôi nhau đến chốn linh thiêng. Vừa ngớt lời thề quay ra đến cửa thì bà mua trứng gian bỗng thổ huyết rồi nằm liệt giường đến chết.
Còn có bà đi thuyền qua sông nổi lòng tham móc ruột tượng của bà ngồi cạnh. Nghi ngờ nhưng không chứng cứ, họ cũng đưa nhau ra chốn cửa đền. Lời thề vừa thốt ra thì trời giữa trưa nổi sấm, bà ăn trộm tâm thần hốt hoảng, phát điên cười khóc cả đời.
Cách đền ông Thánh không xa là cây đa Giời Ơi từng là nơi gieo rắc nỗi kinh hoàng cho người dân xứ Đạo. Bà ngoại tôi kể lại rằng, vào những năm 60 của thế kỷ trước, người dân cứ đi đêm về qua cây đa là bị bọn lục lâm thảo khấu ẩn nấp nơi đây nhảy ra đánh ngất để cướp tiền. Trước khi ngất đi, người bị nạn chỉ kịp kêu lên một tiếng "Ối giời ơi!" là quên trời quên đất.
Giờ đây cây đa đã trở thành cây di sản Việt Nam và được người dân trong vùng thờ phụng. Tản mạn cuộc sống dưới gốc cây trăm tuổi này, bỗng thấy bình yên lạ.
Là ngoại tôi sinh được 4 người con trai. Số bà khổ, lấy chồng chưa kịp có con thì chiến tranh loạn lạc, ly tán, người chồng mới cưới chết mất xác ở đâu bà cũng không được rõ. Bà đến với ông ngoại tôi khi ông cũng đã có 2 người vợ vắn số và sinh được 6 người con. Ngày trẻ, mẹ tôi đi xem bói Kiều, ông thầy gần trăm tuổi phán, bà ngoại tôi lúc khuất núi chỉ còn 2 gậy chống. Lúc đấy hẳn là mẹ tôi không tin nhưng hiện giờ thì mọi chuyện diễn ra đúng thế.
Cậu hai và cậu ba của tôi thường xuyên xích mích. Cậu hai nát rượu, không ngày nào không say xỉn và gây sự với các anh chị em trong nhà. Mẹ mang bầu tôi 6 tháng cũng bị cậu trong cơn say vác dao đuổi chém vào chân. May mắn tôi vẫn khoẻ re trong bụng mẹ.
Tuy vậy, khi tôi còn nhỏ, cậu hai lại rất thương tôi. Không hợp với mẹ tôi nhưng mỗi khi có đồ nhậu ngon cậu lại để phần cho tôi vài miếng thịt. Đợi tôi đi học về qua cửa là cậu gọi tôi vào ăn. Lần nào cậu cũng dặn: "Đừng nói với mẹ nghe không!"
Cậu ba thì ngược lại rất thương người chị tật nguyền là mẹ tôi và thường xuyên lấy trộm kẹo ở quán nước của bà ngoại rồi ném vào ô cửa sổ nhỏ nhà tôi. Hạnh phúc lớn nhất của tuổi thơ tôi là khi đang ngồi ngẩn ngơ ngắm mây qua cửa sổ thì bất ngờ một cơn mưa kẹo rào rào xuất hiện. Nhớ lại vẫn thấy thật ngọt ngào.
Ngày cậu hai và cậu ba cãi nhau, cậu ba giận dữ bỏ ra ngoài. Gặp cô bạn học ở đầu ngõ khu tập thể, cậu bảo: "Mai tao chết mày nhớ mua bánh cắt cúng tao nhé!". Cô bạn bật cười giơ tay đánh cậu.
Sáng hôm sau, cả nhà ngoại bàng hoàng phát hiện cậu ba tôi thắt cổ chết trong tư thế quỳ trước ban thờ. Cậu cả phải dùng rượu xoa bóp và khấn mãi thì thân thể cậu ba mới duỗi thẳng ra. Trong lá thư tuyệt mệnh cậu để lại nói rõ nỗi hận của cậu với cậu hai. Cậu ba còn khẳng định, sẽ khiến cậu hai phải chung số phận. Đám tang cậu vừa phát, cô bạn gần nhà đã bê một mâm bánh cắt đến thắp hương, nước mắt ướt nhèm mâm bánh. Năm đó cậu tôi vừa 23.
Mười ba năm sau, khi tôi đang đi học xa nhà thì nghe tin cậu hai mất. Cậu thắt cổ trên bể nước sau nhà. Vẫn dáng quỳ như cậu ba tôi.
Theo quy định của xứ Đạo, hai cậu tự huỷ hoại thân thể do Chúa ban cho nên không được đưa vào nghĩa trang của xứ mà phải nằm riêng ở ruộng ngô xa nhất. Mâu thuẫn đến quyên sinh nhưng khi rời cõi tạm này, hai cậu lại được ở bên nhau bầu bạn. Âu cũng là định mệnh an bài.
Về thăm quê, viếng mộ đầu năm, tản mạn cuộc sống, thấy cảnh cũ vẫn đây mà nhân sinh thì người còn người mất. Bà ngoại tôi cũng đã bước vào tuổi 90. Mộ hai cậu vẫn nằm bình yên ở góc nghĩa trang để thời gian gột rửa hận thù. Thắp cho các cậu nén nhang, bỗng thấy mắt cay xè khi chợt thèm vị ngọt của chiếc kẹo sữa đơn sơ vụt bay qua ô cửa sổ năm nào.