Thứ tư, 24/04/2024 | 01:47
RSS

Tài xế vụ 39 người Việt chết trong container ở Anh nhận tội

Thứ ba, 26/11/2019, 10:07 (GMT+7)

Theo Standard, tài xế xe container đông lạnh nơi phát hiện 39 thi thể người Việt Nam thừa nhận mình nằm trong băng nhóm buôn lậu quốc tế.

Maurice Robinson là người đầu tiên bị bắt sau vụ việc gây chấn động nước Anh và thế giới Thi thể 31 người đàn ông và 8 người phụ nữ hôm 23/10 được tìm thấy trong container trên xe tải của anh ta, trong một khu công nghiệp ở Grays, Essex.

Tại tòa Old Bailey sáng 25/11 (giờ địa phương), Robinson xuất hiện thông qua video nhận tội đối với cáo buộc âm mưu trợ giúp nhập cư bất hợp pháp và một cáo buộc rửa tiền, trong thời gian từ tháng 5/2018 đến ngày 24/10/2019.

Tài xế xe tải người Anh nhận tội âm mưu với hai người đàn ông khác và “những người chưa xác định khác”, vi phạm luật nhập cư Anh, theo các văn bản tại tòa. Anh ta thừa nhận có các hành động "tạo điều kiện cho việc vi phạm luật di trú của nhiều người khác nhau, khi biết hoặc dự định rằng các hành vi đó sẽ tạo điều kiện cho những người đó vi phạm luật di trú; và những người đó không phải là công dân của Liên minh châu Âu."

Công tố viên William Emlyn Jones cho biết cảnh sát vẫn tiếp tục điều tra vụ việc, “phạm vi mở rộng đến một số khu vực pháp lý khác nhau”. Thẩm phán Edis yêu cầu Robinson bị tạm giữ cho đến phiên tòa tiếp theo vào ngày 13/12.

Tài xế nhận tội vụ 39 người Việt chết trong container ở Anh
Chân dung Robinson

Thi thể của 8 phụ nữ và 31 nam giới được tìm thấy trong thùng xe đông lạnh tại một khu công nghiệp phía đông London vào ngày 23/10.

Chiếc xe đầu kéo trước đó đã đến trên một chuyến phà chở hàng từ cảng Zeebrugge của Bỉ. Nhiều nạn nhân đến từ vùng quê nghèo ở miền Trung Việt Nam nơi nguồn thu nhập chính là từ đánh bắt cá, nông nghiệp hoặc làm việc tại nhà máy.

Nhiều gia đình mang nợ hàng nghìn USD để gửi con cái sang Anh, với hy vọng họ sẽ kiếm được việc làm tốt và gửi lại tiền về nhà để trả các khoản vay.

Vụ việc cho thấy những nguy cơ của việc di cư bất hợp pháp ở Anh, nơi các công dân Việt Nam thường làm việc trong các tiệm làm móng hoặc trang trại cần sa bất hợp pháp.

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN