Thứ năm, 21/11/2024 | 23:56
RSS

Tài xế xe khách mua GPLX ô tô trên mạng với giá 3 triệu đồng để hành nghề

Chủ nhật, 12/07/2020, 16:08 (GMT+7)

Không mất thời gian cho một khoá học với những phần thi lý thuyết, thực hành trong một quy trình khắt khe, chỉ với một cuộc điện thoại, thậm chí là một tin nhắn ngã giá, nhiều người đã dễ dàng mua hoặc bán giấy phép lái xe (GPLX) trên mạng.

Theo báo CAND, ngày 12/7, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ Công  an tỉnh An Giang đang củng cố hồ sơ, xử lý theo quy định pháp luật đối với Trần Huy Cường (SN 1983, trú tại khóm Đông Hưng, phường Đông Xuyên, TP Long Xuyên) về hành vi sử dụng GPLX không đúng quy định và vi phạm không thắt dây an toàn khi điều khiển xe chạy trên đường.

Vào sáng 11/7, trong lúc thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên tuyến Quốc lộ 91 (đoạn thuộc phường Vĩnh Mỹ, TP Châu Đốc), Tổ công tác Trạm Cảnh sát giao thông Châu Phú thuộc Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ Công  an tỉnh An Giang phát hiện xe ôtô khách BKS 66B – 002.93 do tài xế Trần Huy Cường điều khiển, vi phạm không thắt dây an toàn.

Tổ công tác tiến hành dừng phương tiện kiểm tra. Qua kiểm tra, Tổ công tác phát hiện GPLX của tài xế Cường có nhiều đặc điểm nghi vấn không phải do cơ quan có thẩm quyền cấp. 

Tài xế xe khách mua GPLX ô tô trên mạng với giá 3 triệu đồng để hành nghề
Bằng lái xe giả. Ảnh: CAND

Khai thác nhanh và bằng các biện pháp nghiệp vụ, tài xế Cường thừa nhận GPLX đang sử dụng được mua trên mạng với giá 3 triệu đồng. Tổ công tác tiến hành lập biên bản tạm giữ GPLX và phương tiện.

Trong quá khứ, các Sở GTVT tiếp nhận rất nhiều trường hợp đến đổi GPLX nhưng khi tra cứu trên cơ sở dữ liệu thì toàn bộ là GPLX giả. GPLX đã quản lý từ lúc học đến lúc sát hạch, và có cơ sở dữ liệu quản lý của Tổng Cục Đường bộ Việt Nam nên mọi người có thể tra cứu dữ liệu đó để phát hiện giấy phép lái xe thật, giấy phép lái xe giả.

Tại TP.HCM, ông Ngô Đình Quang - Trưởng phòng sát hạch GPLX, cho biết chỉ riêng tháng 5/2019, qua xác minh 444 GPLX, đơn vị đã phát hiện ra 71 GPLX giả. Hiện nay, tỉ lệ thi đậu để được cấp GPLX ôtô tại Tp.HCM là khoảng 60%. Có những người biết lái xe nhưng không đăng ký học đến nơi đến chốn mà tìm cách mua GPLX giả.

Trước đó, theo số liệu của Phòng Quản lý sát hạch cấp giấy phép lái xe, thành phố cũng đã phát hiện gần 800 giấy phép lái xe giả trong năm 2018 với tỉ lệ GPLX giả hạng A1 chiếm khá nhiều, sau đó hạng B2, hạng C, hạng D… 

Nguyên nhân việc mua bán và sử dụng GPLX giả ngày càng công khai, gia tăng được nhận định là do không ít người không đảm bảo các quy định để được dự thi, sát hạch GPLX cũng như e ngại làm hồ sơ, thủ tục, lại sợ thi trượt hoặc đã trượt nhiều lần trong các kỳ thi sát hạch, cấp GPLX.

Bên cạnh đó, với giá trị thấp hơn nhiều lần so với bằng thật, khi bị xử phạt vì vi phạm luật giao thông, hầu hết những người có bằng lái giả đều không nộp phạt và bỏ luôn bằng lái.

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN