Thứ sáu, 29/03/2024 | 06:31
RSS

Suy ngẫm từ 'lời kêu cứu của người vợ' khi chồng ăn nhậu, say xỉn

Chủ nhật, 10/06/2018, 06:39 (GMT+7)

Trên mạng xã hội xuất hiện một bài viết với tiêu đề “lời kêu cứu từ một người vợ” khiến dư luận dậy sóng. Chỉ trong ít giờ đã có hơn 500 lượt chia sẻ, hàng ngàn lượt like và hàng trăm lượt bình luận.

Lời kêu cứu của một người vợ …

Suy ngẫm từ lá thư người vợ kêu cứu khi chồng ăn nhậu, say xỉn

Bằng thái độ vừa mềm dẻo, vừa cương quyết, với lý lẽ là để bảo vệ sức khỏe cho chồng, bảo vệ hạnh phúc gia đình, muốn con cái có nơi nương tựa,… người vợ trong bài viết đã nói lên tâm trạng của rất nhiều phụ nữ trong xã hội hiện nay. Chính vì thế, bài viết đã nhận được hàng ngàn lượt bình luận ủng hộ quan điểm trên. 

Với ngôn từ chừng mực, có chiều sâu, bày tỏ thái độ ở nhiều góc cạnh, đề cập đến nhiều thành phần, bài viết đã lột tả được hết tâm trạng bức xúc của một người vợ có chồng thường xuyên nhậu nhẹt say xỉn, bê tha, thiếu trách nhiệm với gia đình.

Có thể, đã phải rất nhiều đêm nằm ôm con mà không thể chợp mắt nổi, chờ đợi với tâm trạng lo lắng, bực bội mà người chồng vẫn “chén chú chén anh” với đám bạn nhậu, nên người vợ trong bài viết này mới dám “gay gắt” như vậy.

Chúng tôi dùng từ “dám” ở đây là bởi, thứ nhất, cái quan niệm “đàn bà xây tổ ấm” nó đã ăn sâu vào trí não người phụ nữ Việt hàng ngàn năm qua, khiến cho nhiều chị em ngại không lên tiếng; thứ hai, để giữ thể diện cho chồng trước bạn bè, nhiều người vợ cũng vì thế mà chẳng dám bày tỏ quan điểm của mình, dù rằng điều đó là chính đáng.

Suy ngẫm từ lá thư người vợ kêu cứu khi chồng ăn nhậu, say xỉn 3

Nhưng người vợ trong hoàn cảnh này đã không thể kiềm chế được nữa khi chứng kiến sự bê tha đến tột cùng của người chồng say xỉn, cả đêm nằm ngủ ngoài hành lang. Ý thức được mức độ nguy hiểm của sự việc, nó có thể ảnh hưởng đến tính mạng người chồng nếu gặp một “trận mưa bất chợt” hoặc một cơn “gió độc”, ảnh hưởng đến gia đình, đến tương lai con cái nên người vợ đã phải lên tiếng.

Với lý lẽ ấy, cùng hàng loạt câu hỏi được đặt ra, nào là “ai sẽ lo cho vợ con anh, ai sẽ buồn, chia sẻ động viên vợ con anh nếu xảy ra chuyện không may” với người chồng, với những lời trách móc nhẹ nhàng các “đệ tử lưu linh” là bạn nhậu của chồng, người vợ trong bài viết đã thức tỉnh nhiều người. 

Có thể, hình ảnh người chồng nằm ngủ ngoài hành lang sẽ làm người chồng xấu hổ, ngại ngùng với bạn bè, người thân, nhưng để bảo vệ cho chồng, người vợ đã “mặc kệ tất cả bởi vì mình hiểu rõ điều gì là quan trọng nhất với gia đình”.

Hay là lời kêu cứu của toàn xã hội?

Suy ngẫm từ lá thư người vợ kêu cứu khi chồng ăn nhậu, say xỉn 4

Với cách thể hiện quan điểm đa chiều, người vợ trong bài viết là người khá hiện đại. Cô không cho rằng, bia rượu là xấu nếu biết điểm dừng. Cô cũng khẩn thiết đề nghị các đệ tử lưu linh “xin đừng ép nhau uống” nếu ai đó đã có ý định muốn dừng. Đó chính là cách tốt nhất bạn bè bảo vệ nhau, chia sẻ nhau, cảm thông cho nhau. Tình bạn như vậy mới đáng quý, đáng trân trọng.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam là một trong những quốc gia xếp hàng đầu thế giới về mức độ tiêu thụ bia rượu. Cụ thể, năm 2017, Việt Nam tiêu thụ tới 4 tỷ lít bia, đứng thứ 2 Đông Nam Á, thứ 10 Châu Á, thứ 29 thế giới. Trước đó, năm 2016, Việt Nam đứng thứ 16 thế giới.

Đó là một bảng xếp hạng không đáng tự hào. Việc lạm dụng bia rượu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, sức lao động cũng như năng suất, chất lượng lao động. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng 7% của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia; 56,7% của Philippines và bằng 87,4% năng suất lao động của Lào. Nếu không có sự thay đổi kịp thời, chúng ta thậm chí còn thua xa Lào trong những năm tới. Thật đáng buồn thay.

Suy ngẫm từ lá thư người vợ kêu cứu khi chồng ăn nhậu, say xỉn 5

Cùng với sự tụt lùi về hiệu suất lao động, văn hóa và đạo đức xã hội cũng tụt lùi theo. Mỗi năm có hàng ngàn gia đình tan vỡ do liên quan đến bia rượu, hàng trăm vụ tai nạn giao thông do bia rượu, hàng chục vụ án liên quan đến chất cồn, còn các vụ bạo hành gia đình thì diễn ra như cơm bữa.

Các thiết chế văn hóa, các quy phạm pháp luật liên quan đến bia rượu đã được chính phủ ban hành liên tiếp những năm gần đây, nhưng tình hình vẫn chưa có gì sáng sủa, nếu không muốn nói là có chiều hướng xấu đi.

Thiết nghĩ, trước khi có sự chuyển biến vĩ mô, mỗi chúng ta hãy tự nhận thức về tác hại của rượu bia mà biết điểm dừng, tích cực tuyên truyền bạn bè, người thân và xã hội về hậu quả của bia rượu. Qua đó góp phần thúc đẩy xã hội phát triển, đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc.


Xem thêm Clip: Lương y chia sẻ công thức pha nước uống từ nghệ giúp khỏi hẳn bệnh đau dạ dày

Anh Phương
Theo Đời sống Plus/GĐVN