Bưởi “lạ” chẳng có gì lạ
Dạo quanh một vòng khu bốc vác, sang tải hàng hóa trước cửa khẩu quốc tế Lào Cai, PV dễ dàng tìm được loại bưởi “lạ” vàng bóng như một tờ báo đăng tải.
Loại bưởi “lạ” vàng bóng một tờ báo đăng tải…
Tuy nhiên, số lượng được bày bán không nhiều. Một tiểu thương tại đây khẳng định, đây là loại bưởi được nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam trong khoảng 2 năm nay.
Năm ngoái, do số lượng ít nên giá khá cao. Ngược lại, năm nay lượng nhập nhiều hơn nên giá hạ đôi chút. Tại đây, bưởi được bán lẻ cho khách với giá dao động 20 – 23 nghìn đồng/kg.
“Loại bưởi vàng này chia làm hai loại. Một loại dây băng đỏ, to đẹp mã, bán đắt hơn. Một loại dây đen, xấu hơn, giá chỉ 15 nghìn đồng/kg.
Ngày hôm nay tôi lấy một bao, bán từ sáng giờ còn khoảng chục quả. Loại bưởi này chủ yếu nhập rồi xuất bán về các tỉnh dưới xuôi, tại Lào Cai chỉ tiêu thụ một lượng nhỏ”, tiểu thương này cho biết.
Để khẳng định thêm về nguồn gốc và chất lượng của loại bưởi này, PV đã liên lạc với lãnh đạo Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 8 (Cục BVTV – Bộ NN-PTNT) đóng tại TP. Lào Cai.
Lãnh đạo đơn vị này cho biết hiện đang đi công tác và sẽ thông tin lại. Báo NNVN sẽ tiếp tục tới độc giả vấn đề này.
Theo một tiểu thương khác, với những người buôn bán nông sản, loại bưởi này không có gì xa lạ vì bên Trung Quốc trồng rất nhiều.
Những dịp cận Tết, rất nhiều người tìm đến mua, có khi đặt nguyên bao để đem đi biếu. Loại bưởi này có ưu điểm là to, mẫu mã đẹp, ăn ngon, múi nhiều nước nhưng không dễ dập nát.
Một chủ cửa hàng hoa quả tươi ở phường Bình Minh, TP. Lào Cai cho biết, cũng mới nhập và bày bán loại bưởi này. Về chất lượng, mẫu mã và giá cả, loại bưởi này tỏ ra vượt trội hơn một số loại bưởi truyền thống.
Đặc sản xuất khẩu của Trung Quốc
Trong quá trình tìm hiểu, PV gặp được ông Trịnh Thành, người Trung Quốc, sinh sống và làm việc tại TP. Lào Cai. Ông Thành là người trực tiếp trồng nên rất am hiểu về loại bưởi này.
Theo ông Thành, loại bưởi này có nguồn gốc xuất xứ từ Đài Loan. Sau khi du nhập về Trung Quốc thì được trồng rất nhiều tại tỉnh Phúc Kiến. Chính vì vậy người dân Trung Quốc quen gọi là bưởi Phúc Kiến.
…chính là bưởi Phúc Kiến, được bày bán, nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai
Sau nhiều năm du nhập, bưởi Phúc Kiến hiện được trồng rất nhiều tại các tỉnh trải dài từ Phúc Kiến, Hồ Nam, Hà Nam xuống tới Vân Nam, giáp biên giới Việt Nam.
Ông Thành cho biết, tại Trung Quốc, bưởi Phúc Kiến thực sự được trồng ồ ạt từ 3 năm qua. Với những mô hình lớn theo dạng HTX, chính quyền Trung Quốc có chính sách hỗ trợ giống, phân bón, cử cán bộ kỹ thuật xuống hướng dẫn trực tiếp.
Theo ông Thành, bưởi Phúc Kiến là một trong những nông đặc sản nổi tiếng của Trung Quốc. Bưởi Phúc Kiến lại chia làm 3 loại là: bưởi vàng, bưởi lai cam và bưởi tam hồng. Trong đó, đắt nhất là bưởi tam hồng, có giá vài trăm nghìn một quả ngay tại vườn.
Vùng trồng bưởi vàng Phúc Kiến tại Trung Quốc
Ông Trịnh Trung Việt (em ông Thành) thì cho biết, tháng 10 – 11 là đợt thu hoạch rộ của bưởi vàng Phúc Kiến nên việc xuất hiện trên thị trường Việt Nam là điều hết sức bình thường.
Về bảo quản, ông Việt khẳng định, bưởi Phúc Kiến hoàn toàn được thu hái tươi để bán. Nếu bán qua Tết, bưởi sẽ được bọc một lớp nilon mỏng rồi bảo quản trong các kho chứa.
Tại Trung Quốc, bưởi Phúc Kiến là đặc sản dùng để biếu người thân mỗi dịp Tết. Nhiều Cty đã đóng gói từng cặp bưởi trong các túi xách tay để bày bán.
Còn theo ông Thành, cách cửa khẩu Lào Cai khoảng 20km, cả một vùng bưởi Phúc Kiến với diện tích hàng nghìn mẫu được trồng mới 2 năm nay sắp cho bói.
Ngay tại TP. Lào Cai, anh em ông Thành góp vốn cùng người dân đưa giống bưởi Phúc Kiến này trồng thử nghiệm được 2 năm. Tới nay, một vài cây bưởi Phúc Kiến lai cam đã cho bói quả, chất lượng, mẫu mã đẹp không kém trồng tại bản địa.
Những trái bưởi Phúc Kiến khi còn xanh
Hình ảnh về “Bưởi lạ vàng bóng” một tờ báo đăng tải sáng 4.11
Bưởi Phúc Kiến mấy năm nay trồng nhiều, ngoài tiêu thụ nội địa còn xuất khẩu sang các nước Đức, Nga, các nước châu Âu. Lượng qua Việt Nam chỉ một phần rất nhỏ.
Những thị trường này kiểm dịch rất nghiêm ngặt nên không thể ngâm tẩm hay dùng chất bảo quản. Hàng sang Việt Nam cũng vậy, nếu không an toàn thì phía Trung Quốc cũng không cho xuất chứ đừng nói là qua được cửa khẩu”, ông Thành khẳng định.