Thứ tư, 20/11/2024 | 22:21
RSS

Sinh viên dùng thời gian rỗi làm gì?

Thứ năm, 24/10/2024, 12:19 (GMT+7)

Các con số thống kê cho thấy SV ít khi đặt mục tiêu rõ ràng, lập danh sách việc cần làm hoặc lên kế hoạch cụ thể cho thời gian rảnh rỗi của mình...

Sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM tham gia thi đấu và cổ vũ tại Hội thao sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM năm 2024. Ảnh: VNUHCM

Một nghiên cứu của Đại học Quốc gia TPHCM khảo sát hơn 21.600 sinh viên cho thấy, phần lớn họ có thời gian rỗi từ 2 đến 4 giờ mỗi ngày và dành thời gian này cho việc giải trí đơn thuần hơn là phát triển bản thân.

Phần lớn sinh viên rảnh rỗi 1 - 4 giờ mỗi ngày

Nghiên cứu của Trường Đại học quốc tế mang tên “Mối quan hệ giữa việc sử dụng thời gian rảnh rỗi với hiệu quả học tập và sự hài lòng về cuộc sống đại học của sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM” được công bố tại lễ khai khóa Đại học Quốc gia TPHCM hôm 20/10.

PGS.TS Nguyễn Phương Thảo, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, đã khảo sát ý kiến của hơn 21.600 sinh viên, ở các trường đại học thành viên Đại học Quốc gia TPHCM, bao gồm Bách khoa, Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Những sinh viên này đang sinh sống tại ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM. Các nhóm ngành chiếm đa số bao gồm: Nhóm ngành kỹ thuật (24,74%); ngôn ngữ, kinh tế - quản trị (18,43%); công nghệ thông tin (17,47%).

Nội dung khảo sát gồm: Thói quen, mục đích và thái độ đối với thời gian rỗi của sinh viên; Sự hài lòng của sinh viên đối với cuộc sống đại học; các câu hỏi đánh giá hiệu quả học tập của sinh viên và ý kiến về các chính sách hỗ trợ sinh viên. Dữ liệu thu được chủ yếu từ các sinh viên năm nhất (29,22%); năm 2 (26,74%); năm 3 (24,38%); năm 4 (16,01%).

Kết quả, phần lớn sinh viên có thời gian rỗi từ 2 đến 4 giờ mỗi ngày (chiếm 66,71%); 22,95% sinh viên có thời lượng thời gian rỗi từ 1 đến 2 giờ mỗi ngày; 10% sinh viên có ít hơn 1 giờ rỗi.

Khảo sát cho thấy sinh viên chủ yếu dành thời gian rảnh rỗi để nghỉ ngơi, thư giãn và giải trí bằng các hoạt động như xem phim, nghe nhạc, sử dụng mạng xã hội. Đây là hoạt động được lựa chọn nhiều nhất, cho thấy nhu cầu thư giãn và giảm stress sau những giờ học tập căng thẳng. Sinh viên cũng quan tâm đến việc phát triển bản thân, tuy nhiên, mức độ quan tâm này còn khá khiêm tốn so với các hoạt động khác. Việc mở rộng mạng lưới xã hội không được sinh viên chú trọng nhiều.

Các con số thống kê cũng cho thấy sinh viên ít khi đặt mục tiêu rõ ràng, lập danh sách việc cần làm hoặc lên kế hoạch cụ thể cho thời gian rảnh rỗi của mình cũng như còn hạn chế trong việc quản lý thời gian, tìm hiểu sở thích và sắp xếp các hoạt động một cách hợp lý.

PGS.TS Nguyễn Phương Thảo chỉ ra mối quan hệ giữa việc sử dụng thời gian rảnh rỗi với hiệu quả học tập và sự hài lòng về cuộc sống đại học. Các phân tích của nhóm nghiên cứu cho thấy việc sinh viên có mục đích tích cực đối với quỹ thời gian rỗi của mình đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao mức độ hài lòng về cuộc sống đại học. Người học dành ưu tiên cho “Phát triển bản thân” sẽ có sự hài lòng đối với cuộc sống đại học cao hơn so với các sinh viên dành ít ưu tiên.

Hoạt động “nghỉ ngơi” có độ lớn tác động đứng ngay sau “phát triển bản thân” trong việc ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về cuộc sống đại học. Điều này cho thấy rằng, bên cạnh việc sử dụng thời gian rỗi để phát triển kỹ năng và kiến thức, việc dành thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn cũng rất quan trọng.

Đối với hiệu quả học tập, các hoạt động phát triển bản thân thúc đẩy sinh viên tập trung hơn trong lớp học, từ đó nâng cao hiệu quả học tập so với các sinh viên ít chú trọng đến vấn đề này.

Bên cạnh đó, việc trải nghiệm những điều mới mẻ có tác động lớn đến hiệu quả học tập của sinh viên. Điều này phản ánh tính chất của môi trường đại học, phương pháp học tập chủ yếu là tự học và tự trải nghiệm, vì vậy việc tham gia vào các hoạt động mới và đa dạng giúp sinh viên mở rộng hiểu biết và phát triển kỹ năng cá nhân.

Cuối cùng, kết quả từ nghiên cứu cho thấy sự hài lòng của sinh viên đối với cuộc sống đại học có tác động tích cực tới khả năng tập trung của sinh viên trong lớp. Bên cạnh đó, yếu tố này cũng có tác động tích cực trong việc làm giảm sự lo lắng về bài kiểm tra, thi cử, điểm số và áp lực khi so sánh với bạn bè. Số liệu này cho thấy tác động tích cực của sự hài lòng đến hiệu quả học tập của sinh viên.

PGS.TS Nguyễn Phương Thảo, đại diện nhóm nghiên cứu trình bày kết quả nghiên cứu tại lễ khai khóa Đại học Quốc gia TPHCM hôm 20/10. Ảnh: Lê Nam

Cân bằng giữa giải trí và phát triển bản thân

Từ kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu đưa ra những đề xuất, kiến nghị với người học. Cụ thể, sinh viên đang dành nhiều ưu tiên cho các hoạt động giải trí, mà chưa tập trung các hoạt động phát triển bản thân.

Do đó, đề xuất sinh viên chủ động thực hiện một số các nội dung: Cần quan tâm đến việc cân bằng giữa nghỉ ngơi, giải trí và phát triển bản thân; chủ động tham khảo lịch học để xây dựng kế hoạch học tập, trau dồi kỹ năng theo giai đoạn ngắn hạn, dài hạn; tham gia các khóa đào tạo hoặc buổi báo cáo chuyên đề về quản lý thời gian rỗi và các kỹ năng quan trọng khác như lãnh đạo, rèn luyện tư duy đổi mới, thúc đẩy bản thân...

Ngoài ra, sinh viên cũng cần xây dựng lộ trình học tập, hoạt động ngoại khóa với những KPI cụ thể để có thể đánh giá được hiệu quả thực hiện kế hoạch của bản thân và sử dụng thời gian hiệu quả hơn. Tăng cường các hoạt động tập thể, đoàn hội, gia tăng tinh thần cộng tác, xây dựng lý tưởng học tập và kế hoạch tương lai cho bản thân.

“Đối với các trường đại học, nhóm nghiên cứu khuyến nghị, kết quả phân tích cho thấy sinh viên có tâm lý tự ti, lo lắng khi thấy bạn bè có thành tích học tập tốt hơn. Nhằm giải quyết vấn đề này, các phòng ban, đơn vị đào tạo nhà trường cần có biện pháp khuyến khích sinh viên xây dựng các nhóm học tập, có thể được hỗ trợ bởi các sinh viên khóa trên, nhằm thúc đẩy trao đổi, gắn kết giữa các sinh viên. Bên cạnh đó, các sinh viên trưởng nhóm cũng nhận được các phúc lợi từ trường hoặc ký túc xá…”, theo PGS.TS Nguyễn Phương Thảo.

Theo kết quả nghiên cứu trên, trong môi trường đại học, sinh viên đối mặt với nhiều áp lực trong quá trình học tập. Đa số cho rằng, họ cảm thấy áp lực khi so sánh với bạn bè và áp lực thi cử. Điều này cho thấy “áp lực đồng trang lứa” tại môi trường đại học. Vượt qua các khó khăn nêu trên, sinh viên vẫn giữ được sự tự tin và quyết tâm học tập thông qua việc cảm thấy có tiến bộ và đạt kết quả tốt nếu nỗ lực, đồng thời tự tin mình có thể hoàn thành công việc hiệu quả.

Lê Nam
Theo Giáo dục & Thời đại