Thứ bảy, 18/01/2025 | 12:17
RSS

Rộn ràng ngày Tết Độc lập vùng ven biển

Thứ ba, 03/09/2024, 11:23 (GMT+7)

Ở huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định), ngoài Tết Nguyên đán, Ngày hội Văn hoá - Thể thao truyền thống diễn ra vào đúng Tết Độc lập là dịp được mong chờ nhất. Người dân ở đây mỗi dịp này, vẫn quen gọi là “đi chơi mùng 2 tháng 9”.

Về Hải Hậu tham dự ngày Tết Độc lập: Dịp lễ mong chờ nhất năm

Với những người Hải Hậu xa quê, luôn ngóng từng ngày để về đi chơi hội 2/9. Còn tại quê nhà, từ những ngày đầu tháng 8, không khí của ngày Tết Độc lập len lỏi vào từng đường làng ngõ xóm. Đường xá được trang hoàng sạch sẽ, cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay khắp xóm làng.

Trong tiềm thức của tôi, một người con lớn lên ở mảnh đất Hải Hậu, việc “đi chơi mùng 2 tháng 9” chẳng biết đã xuất hiện trong đầu từ năm mấy tuổi. Hồi còn nhỏ, tôi cũng như nhiều đứa trẻ khác bây giờ, được ngồi trên cổ bố hoặc được mẹ dắt tay đi xem hội.

Các em học sinh tại Hải Hậu xếp chữ trong buỗi lễ khai mạc ngày hội Văn hóa - thể thao truyền thống. Ảnh: Vượng Lê

Lớn hơn một chút, sẽ theo bạn bè, đạp xe từ xã tiến về trung tâm huyện, la cà từ sáng tới tận tối muộn, đi hết chỗ này đến chỗ khác, chen chúc qua trong biển người để xem văn nghệ hoặc xem thi đấu các môn thể thao: bóng đá bóng chuyền, bơi chải,...

Tôi hỏi nhiều đứa bạn cùng trang lứa và cả những đứa em nhỏ tuổi hơn - thế hệ những người sinh ra khi đã có Ngày hội Văn hóa - Thể thao truyền thống đều mặc định, ở mọi nơi trên cả nước, sẽ đều có ngày hội đông vui như thế vào dịp nghỉ lễ 2/9. Nhưng tới khi trưởng thành, được đi đây đi đó vào dịp nghỉ lễ mới biết rằng, đó là một Ngày hội độc đáo của quê hương mình.

Ông Trần Quang Nhuệ, Phó trưởng Phòng Văn hoá Thông tin huyện Hải Hậu chia sẻ, từ những năm 1978, khi Hải Hậu được công nhận là “điển hình văn hoá của cả nước”, các phong trào văn hoá, thể thao đã bắt đầu nhen nhóm theo hình thức tự phát. Tới năm 1982, là năm đầu tiên Ngày hội Văn hóa - Thể thao truyền thống chính thức được tổ chức và diễn ra liên tục kể từ đó tới nay, chỉ gián đoạn hai năm 2020, 2021 do dịch Covid-19.

Hàng ngàn người chen chúc nhau để được tham dự lễ khai mạc tại nhà văn hóa huyện Hải Hậu. Ảnh: Vượng Lê

Ngay từ những năm đầu tiên tổ chức, quy mô ngày hội đã rất lớn, thu hút được rất nhiều người tới tham dự. Trong ký ức của bà Trần Thị Tâm (69 tuổi, một người dân Hải Hậu), năm 1984, khi ấy bà Tâm 29 tuổi, từ Hà Nội về quê sinh sống. Bà Tâm bị ấn tượng bởi không thể ngờ quê mình lại có một ngày hội lớn như thế.

“Không ai có thể nghĩ rằng quê hương mình lại có một lễ hội lớn như vậy. Tôi trở về từ Hà Nội sau vài năm và quá bất ngờ, bởi tại thủ đô cũng không diễn ra ngày hội có quy mô và khí thế như vậy. Hàng năm, tôi đều gác lại hết công việc của mình để đi chơi hội”, bà Tâm chia sẻ.

Sau 42 năm diễn ra, điều thay đổi trong ngày Tết Độc lập ở Hải Hậu, có lẽ là cơ sở vật chất khang trang hơn, còn tinh thần của người dân thì vẫn sục sôi, ngóng đợi tới 2/9 như những năm đầu.

Chính hội sẽ diễn ra đêm 1/9 và sáng 2/9. Trong khoảng thời gian này, dòng người nườm nượp đổ về khu vực trung tâm nhà văn hóa huyện lên tới vài nghìn, vài chục, thậm chí là hàng trăm nghìn người. Từ người già, người trẻ nô nức kéo nhau đi trẩy hội và tham gia cổ vũ các hoạt động thi đấu thể thao.

Phạm vi bán kính 1km của trung tâm huyện, trong đó có quốc lộ 37B, các phương tiện giao thông phải tạm di chuyển bằng những con đường khác. Điều này cũng đã thành thông lệ từ nhiều năm nay.

Một số hình ảnh ấn tượng tại buổi diễu hành trong lễ khai mạc ngày hội Văn hóa - Thể thao truyền thống của Hải Hậu. Ảnh: Vượng Lê

Khoảnh khắc ấn tượng nhất tại trong Ngày hội Văn hóa - Thể thao truyền thống của Hải Hậu là đoàn người đi diễu hành theo từng khối. Mỗi khối diễu hành lại mang một nét đặc trưng riêng, là điển hình của các xã, thị trấn trong huyện; chẳng hạn, các xã ven biển như xã Hải Triều, Hải Lý có khối diễu hành đi cà kheo để tái hiện công việc mưu sinh trên biển. Bên cạnh đó là nhiều khối diễu hành ấn tượng khác như khối sư tử, khối múa rồng, khối trống cà rùng,..

Ngày hội đoàn kết toàn dân Hải Hậu

Theo ông Trần Quang Nhuệ, huyện Hải Hậu làm nên được Ngày hội Văn hóa - Thể thao lớn như vậy là dựa vào tinh thần gắn kết cộng động; từ thuở xa xưa hơn 500 năm trước, khi cha ông mở đất, quy tụ nhiều người từ nhiều nơi để quai đê lấn biển. Người Hải Hậu qua lao động sản xuất, kết tinh rất nhiều những nét văn hóa điển hình của làng quê Bắc Bộ.

“Ban đầu, huyện dự định 5 năm sẽ tổ chức một lần. Nhưng sau năm 1982, người dân theo nếp quen, cứ kéo đến nườm nượp. Nếu không có người đứng ra lãnh đạo, người dân vẫn có thể tự tổ chức. Đó là lý do mà mà ở Hải Hậu, ngày hội này đã thành thông lệ, hằng năm đều diễn ra và đã trở thành truyền thống”, ông Nhuệ bộc bạch.

Đi cà kheo - môn nghệ thuật rất ấn tượng của ngư dân Hải Hậu. Ảnh: Vượng Lê

Về Hải Hậu những ngày tháng đầu tháng 8 đều rất dễ dàng cảm nhận được điều đó. Hằng năm, UBND 34 xã, thị trấn trong địa bàn huyện đều xây dựng Kế hoạch tổ chức Ngày hội tại địa phương từ rất sớm. Mỗi xã, thị trấn đều tổ chức Hội thi văn nghệ quần chúng; tổ chức thi đấu ít nhất 5 môn thể thao (Bóng chuyền hơi, Cờ vua, Cờ tướng, Cầu lông, Bóng bàn, Bóng đá, Bóng chuyền nam, Kéo co, Bơi chải,...); thời gian từ 1/8 đến hết ngày 19/8. Từ ngày 20/8, các nội dung thi đấu trên sẽ diễn ra ở quy mô cấp huyện giữa các xã, thị trấn.

Ông Lương Văn Hiền (chủ tịch UBND xã Hải Hưng) cho biết, số lượng người tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao của xã Hải Hưng mỗi dịp 2/9 khoảng 3000 người (chiếm khoảng hơn 1/10 dân số của xã). Tại xã Hải Trung, ông Nguyễn Ngọc Toản (chủ tịch UBND xã Hải Trung) chia sẻ, chỉ tính riêng số lượng VĐV tham gia thi đấu cấp huyện đã là hơn 100 người, chưa tính số lượng VĐV tham gia tranh tài từ cấp địa phương.

Những ngày này, có những gia đình 3 thế hệ cả tháng toàn thấy đóng cửa; bởi cả bố và con tham gia các hoạt động thể thao, mẹ tham gia biểu diễn văn nghệ, ông thi đấu cờ tướng, bà tham gia tập dưỡng sinh.

Với người Hải Hậu, được tham gia thi đấu, biểu diễn dịp 2/9 là một niềm vinh dự vô cùng lớn. Dù có phải bỏ công bỏ việc, hay tạm gác lại những công việc cá nhân trong vòng một tháng cũng sẵn sàng.

Còn với những người không tham gia thi đấu, cũng là nguồn động lực tinh thần vô cùng lớn. Hai bên bờ sông khu vực thi đấu bơi chải, các khán đài thi đấu bóng chuyền, bóng đá,... lúc nào cũng chật kín người cổ vũ và các tiếng hò reo.

Bơi chải là môn thể thao thu hút đông đảo người xem và cổ vũ nhất mỗi dịp lễ 2/9 tại Hải Hậu. Ảnh: Vượng Lê

Nhiều học sinh, sinh viên dịp lễ 2/9, gác lại việc đi chơi để tham gia hoạt động “Hải Hậu Xanh”, hỗ trợ lực lượng chức năng trong việc phân làn đường, điều tiết giao thông và đảm bảo an ninh trật tự. Anh Nguyễn Minh Tâm (chủ nhiệm CLB Hải Hậu Xanh) cho biết, dịp 2/9 hằng năm, đều có khoảng 400-500 học sinh, sinh viên đăng ký tham gia các hoạt động này.

Ông Lê Văn Sơn, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Hải Hậu đánh giá, thành công nhất của trong công tác tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao của huyện, là khích lệ tinh thần quần chúng nhân dân, hăng hái tham gia tập luyện. Theo ông Sơn, với quy mô tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao như ở Hải Hậu có thể lên tới hàng trăm tỉ đồng. Nhưng Hải Hậu “xã hội hóa” được các hoạt động văn hóa, thể thao đó.

“Hàng nghìn diễn viên, vận động viên quần chúng đều phải mất thời gian công sức hàng tháng trời để tập luyện. Họ chỉ được hỗ trợ có thể là chi phí ăn uống và một chút tiền bồi dưỡng, cũng không đáng kể. Nhưng cái họ nhận được, là sự hưởng thụ về mặt tinh thần, là vinh quang, là danh dự”, ông Sơn chia sẻ.

Phạm Thứ
Theo Báo Dân Việt