Đại biểu Cao Đình Thưởng (Tỉnh Phú Thọ) cho rằng, quy hoạch phát triển vùng thì nhà nước phải là chủ thể để quy hoạch tổng thể chứ không để các địa phương tự làm kiểu “trăm hoa đua nở”, dẫn đến việc quy hoạch đầu tư dàn trải, thiếu tính đồng bộ, liên thông, gây thất thoát lãng phí.
Đề nghị việc quy hoạch, phê duyệt quy hoạch cần có sự cân nhắc hết sức thận trọng, phù hợp từng vùng, tạo nguồn lực thúc đẩy nền kinh tế.
Dự án đắp chiếu, tỉnh thành bãi rác
Đại biểu này dẫn chứng: do đánh giá không đầy đủ nên dự án nhà máy sản xuất nguyên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ được khởi công cuối năm 2008, dự kiến hoàn thành cuối năm 2010 với tổng đầu tư 1.385 tỷ đồng, qua 4 lần điều chỉnh, mức đầu tư lên tới 2.484 tỷ đồng nhưng vẫn chưa hoàn thành.
“Có thể nói đây là dự án kém khả thi, nhiều khả năng đắp chiếu, gây nguy cơ phá sản cao, thất thoát lãng phí, mất niềm tin. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương, Tập đoàn dầu khí VN sớm có giải pháp đối với dự án này” - đại biểu Thưởng gay gắt.
Không chỉ dự án lãng phí, nguy cơ đắp chiếu, đại biểu Thưởng còn bày tỏ mối lo ngại về “vấn đề ô nhiễm môi trường đang rất nghiêm trọng, nhức nhối, lan rộng, gây ra những hậu quả hết sức nặng nề cho môi trường sinh thái, sức khỏe người dân”.
Theo ông Thưởng, tại tỉnh Phú Thọ có công ty TNHH môi trường Phú Hà ở huyện Phù Ninh gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Đây là nhà máy được cấp phép nằm ở thượng nguồn sông Lô, ban đầu được tỉnh cấp giấy phép thu gom, xử lý chất thải của tỉnh Phú Thọ và 1 số tỉnh lân cận.
Tuy nhiên, về sau công ty này lại được Bộ TN-MT cấp phép mở rộng phạm vi hoạt động đến tận các tỉnh đồng bằng sông Hồng, bắc trung bộ, miền trung, Tây Nguyên, ĐBSCL mà không có ý kiến của đảng bộ, chính quyền Phú Thọ.
Việc vận chuyển chất thải nguy hại của công ty Phú Hà với các tỉnh trên phạm vi cả nước là không thể kiểm soát được, trong đó có cả chất thải của Formosa đưa ra trong thời gian rất dài.
Công ty tiếp nhận chất thải nguy hại trên phạm vi cả nước, nếu xử lý không nghiêm ngặt thì nguy cơ ô nhiễm trầm trọng, Phú Thọ sẽ thành bãi chứa chất thải của cả nước.
"Như vậy tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm đến nguồn nước trầm trọng, ảnh hưởng đến cả hạ lưu sông Lô. Vì thế đề nghị CP cho kiểm tra dự án này và điều chỉnh dự án theo nguyên tắc chất thải của địa phương nào thì xử lý địa phương đó, trừ trường hợp đặc biệt.
Trước mắt yêu cầu công ty này dừng ngay việc tiếp nhận chất thải ở tỉnh khác” - đại biểu Cao Đình Thường đề nghị.
Vẫn phải ưu tiên đầu tư cho giáo dục
Đại biểu đoàn Lâm Đồng, Triệu Thế Hùng lại bày tỏ sự quan tâm cho công tác giáo dục Trong phạm vi 7 phút được phát biểu, đại biểu này luôn nhấn mạnh: Đầu tư cho phát triển giáo dục. Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Nhà nước quan tâm đầu tư cho giáo dục.
Tuy nhiên thực tế triển khai đầu tư cho thấy đầu tư cho phát triển giáo dục trong thời gian qua chưa thực sự được ưu tiên.
Theo Đại biểu Hùng, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi 930 triệu USD ký kết trong giai đoạn 2011-2015 trong lĩnh vực giáo dục chỉ bằng 3,35% tổng giá trị vốn vay ODA đã ký kết, đứng ở hàng thấp nhất trong 7 nhóm lĩnh vực được liệt kê trong báo cáo của Chính phủ.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban tài chính, ngân sách cũng chỉ ra chi cho giáo dục đã được bố trí theo dự toán nhưng nhiều năm không được thực hiện, không đạt mục tiêu đề ra.
Tình hình trên cho thấy, Quốc hội đã dành vốn cho ngân sách giáo dục, nhưng không tiêu được. Hai là chính sách đầu tư cho giáo dục chậm được ban hành. Thứ ba là vốn ODA không những không được ưu tiên hàng đầu, mà nằm cuối bảng xếp hạng.
Xuất phát từ tình trạng này, theo đại biểu Hùng thì các cử tri đã đề nghị: tình hình nợ công gần chạm trần, có ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến việc cắt giảm đầu tư công, nhưng đề nghị Chính phủ vẫn ưu tiên, đảm bảo 20% cho giáo dục.
Cần xác định rõ phạm vi, trọng điểm đầu tư cho giáo dục. Ưu tiên đầu tư cho giáo dục cần quan tâm đến các chính sách phổi cập học phí, học bổng và các đối tượng chính sách ưu tiên.