Thứ bảy, 18/01/2025 | 08:47
RSS

Qua 17 ngày an toàn, Hà Nội vẫn có nguy cơ xuất hiện ca mắc COVID-19 từ hoạt động nhập cảnh

Thứ sáu, 05/03/2021, 08:30 (GMT+7)

Theo Sở Y tế, Hà Nội đã qua 17 ngày không ghi nhận ca mắc mới, 18 địa điểm đã kết thúc phong tỏa nhưng nguy cơ xuất hiện ca mắc vẫn cao do hoạt động nhập cảnh.

Sự kiện:
Covid-19

Chiều 4/3, tại cuộc họp BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 Hà Nội, ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, từ 16/2 đến nay, Hà Nội đã qua 17 ngày không ghi nhận ca mắc mới và toàn bộ 18 địa điểm liên quan tới ca mắc đã kết thúc phong tỏa.

Trong giai đoạn 4 (từ 27/1), Hà Nội có 1.140 trường hợp F1; 12.829 F2, tất cả đều được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm và kết quả có 30 trường hợp dương tính virus SARS-CoV-2, còn lại đều âm tính.

Hiện Hà Nội còn cách ly tập trung 3 trường hợp, 1.137 trường hợp đã hết cách ly.


Theo ông Hoàng Đức Hạnh, Hà Nội có nguy cơ xuất hiện các ca mắc mới do các chuyên gia vẫn nhập cảnh vào Việt Nam và hoạt động nhập cảnh trái phép còn diễn ra tại một số địa phương.

Ông Hạnh cho biết, Sở Y tế chỉ đạo CDC Hà Nội tập huấn cho hơn 60 lái xe thực hiện đưa đón chuyên gia của các khu cách ly tập trung và hệ thống khách sạn vào ngày hôm nay (4/3).

Mặc dù dịch bệnh trên địa bàn đã cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên, ông Hạnh nhận định, trong thời gian tới, Hà Nội có thể ghi nhận thêm các ca mắc mới do dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, các chuyên gia vẫn nhập cảnh vào Việt Nam, hoạt động nhập cảnh trái phép còn diễn ra tại một số địa phương…

Hơn nữa, mặc dù đã hết cách ly theo Chỉ thị 16 nhưng người dân Hải Dương có thể đi đến các tỉnh thành khác và có thể có nguy cơ khi những người này có mang mầm bệnh mà không có triệu chứng.

Cuối cùng là sinh viên các tỉnh sẽ trở lại Hà Nội học tập, trong đó có thể có những trường hợp đến từ các tỉnh thành có dịch.

Do đó, song song với việc phát triển kinh tế thì cần phải tiếp tục tăng cường thực hiện các quy định về phòng chống dịch bệnh như khuyến cáo của Bộ Y tế.

Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác giám sát dịch tại cửa khẩu, tại các cơ sở khám chữa bệnh và tại cộng đồng nhằm chủ động phát hiện và xử trí sớm các trường hợp mắc. Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường việc phân luồng, khám sàng lọc, xét nghiệm để phát hiện kịp thời ca bệnh. Tổ chức xét nghiệm cho nhân viên y tế tại các khoa phòng có yếu tố nguy cơ. Chủ động xây dựng kịch bản chi tiết tại nhà trường, cơ sở giáo dục khi học sinh, học viện, sinh viên đi học trở lại, đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh.

Sở Y tế cũng yêu cầu các địa phương rà soát, kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung, các di tích trên địa bàn, các điều kiện để sẵn sàng mở cửa trở lại khi được phép.

Tại cuộc họp, bà Trần Thị Nhị Hà – Giám đốc Sở Y tế cho biết, mặc dù Việt Nam đã có vaccine nhưng Hà Nội vẫn phải kiên định thực hiện các biện pháp phòng dịch, ít nhất là đến hết năm 2021.

Bà Hà nhấn mạnh: "Dịch được kiểm soát, chúng ta có thể yên tâm nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch nhưng phải dựa trên sự thận trọng, dựa trên những cơ sở có phân tích cụ thể".

Về tiêm chủng, Chính phủ đã phân công cho Bộ Y tế tiếp nhận, viện trợ, mua, phân bổ cho các địa phương, đến nay, Bộ Y tế chưa có kế hoạch cụ thể về vấn đề này, nên trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ có báo cáo cụ thể về kế hoạch tiêm vaccine và hướng dẫn các quận huyện khi có kế hoạch cụ thể từ Bộ Y tế.

Bà Hà cho hay: "Sở Y tế đã có những buổi kiểm tra đột xuất thì đến nay, vẫn có những cơ sở hành nghề ngoài công lập chưa nghiêm túc trong việc phòng, chống dịch. Đặc biệt là công tác phân luồng, sàng lọc, phát hiện kịp thời những trường hợp nghi ngờ. Tuần qua, chúng tôi đã cho dừng thêm 2 phòng khám đa khoa trên địa bàn quận Ba Đình do không đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch".

 

Bảo Loan
Theo Giadinh.net