Thứ bảy, 18/01/2025 | 17:07
RSS

'Phương Tây có vũ khí chặn đứng Oreshnik'

Thứ tư, 27/11/2024, 10:38 (GMT+7)

Tổng thống Ukraine Zelensky vừa gây bất ngờ khi tuyên bố, phương Tây có vũ khí có thể chặn đứng đòn tấn công của tên lửa siêu thanh Oreshnik.

Tên lửa đạn đạo Iskander-M của Nga.

Tuyên bố của Tổng thống Volodymyr Zelensky được hãng thông tấn Reuters đăng tải sau Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga sử dụng tên lửa đạn đạo siêu thanh tầm trung Oreshnik tấn công Nhà máy Chế tạo máy phương Nam (Yuzhmash) ở thành phố Dnipro của Ukraine.

"Ukraine đang phối hợp với các đối tác để tìm cách phản ứng và Kiev đang cần thêm hệ thống phòng không đủ mạnh. Đối tác phương Tây của chúng tôi có những vũ khí đủ sức chống lại mối đe dọa từ Oreshnik", ông Zelensky tuyên bố.

Tuyên bố của ông Zelensky đã rất rõ ràng nhưng thông tấn Anh dẫn nguồn tin quân sự phương Tây thừa nhận, đánh chặn Oreshnik vẫn là thách thức quá lớn với cả NATO và cường quốc Mỹ hiện nay.

Ngay sau cuộc tấn công đầu tiên của Oreshnik, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố tên lửa siêu thanh này có thể lao đến mục tiêu với tốc độ 12.000 km/h, gấp 10 lần âm thanh.

"Các hệ thống phòng thủ hiện có trên toàn cầu, gồm cả lá chắn được Mỹ triển khai ở châu Âu, không thể chặn loại vũ khí này", ông Putin tuyên bố.

Cùng với đó, Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine (GUR) nói rằng tên lửa Oreshnik chỉ mất rất ít thời gian để bay từ điểm phóng ở vùng Astrakhan tới mục tiêu tại thành phố Dnipro, đạt tốc độ khoảng 13.600 km/h ở giai đoạn tiếp cận mục tiêu.

Giám đốc điều hành công ty tư vấn rủi ro Sibylline ở Anh, Justin Crump nhận xét: "Nếu thông tin này là chính xác, tốc độ của Oreshnik nằm ở ngưỡng trên của vũ khí siêu vượt âm.

Rất ít khí tài đạt được tốc độ như vậy. Tên lửa bay càng nhanh, thời gian đến mục tiêu càng ngắn và hạn chế đáng kể năng lực phản ứng của đối phương".

Tên lửa đạn đạo truyền thống thường bay tới mục tiêu theo quỹ đạo dạng parabol dễ dự đoán, nhưng tốc độ rất lớn khi lao xuống khiến chúng nằm trong số mục tiêu khó đánh chặn nhất.

Tên lửa đạn đạo hiện đại như Oreshnik còn có thể thay đổi độ cao và đổi hướng, tạo ra đường bay phức tạp nhằm gây khó khăn cho các hệ thống phòng không tiên tiến.

"Đây không phải vấn đề mới mẻ, nhưng vẫn là thách thức không nhỏ với các cường quốc quân sự. Đó là lý do ông Putin nhấn mạnh vào yếu tố tốc độ khi công bố thông tin về loại tên lửa mới này", giám đốc Crump nói.

Chuyên gia quân sự Ukraine là Ivan Kyrychevsky cũng thừa nhận nước này không sở hữu radar có thể phát hiện loại mục tiêu bay nhanh như Oreshnik, cũng không có hệ thống phòng không đủ sức bắn hạ chúng.

"Các đối tác phương Tây có thể đã phát hiện vụ phóng trước Ukraine bởi Nga đã thông báo cho họ trước khi vụ phóng diễn ra", ông nói.

Chuyên gia công nghệ tên lửa Fabian Hoffmann ở Đại học Oslo tại Na Uy, cho rằng một số hệ thống phòng thủ tên lửa do Mỹ và Israel chế tạo đủ sức đối phó với Oreshnik.

"Tên lửa SM-3 phóng từ lá chắn Aegis, Tổ hợp Phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và Arrow 3 có thể giải quyết mối đe dọa này", ông nói, nhưng không nêu thêm chi tiết về phương án đánh chặn.

Kiev đang tìm cách sở hữu hệ thống THAAD hoặc hối thúc Washington nâng cấp các tổ hợp Patriot trong biên chế hiện nay. Dù vậy, không có dấu hiệu nào cho thấy điều này sẽ diễn ra trong tương lai gần, theo Interfax-Ukraine.

Cùng với tốc độ siêu thanh, Oreshnik của Nga còn có khả năng mang nhiều đầu đạn ứng dụng công nghệ phương tiện hồi quyển tấn công đa mục tiêu độc lập (MIRV). GUR nhận định tên lửa Oreshnik mang được 6 đầu đạn, mỗi đầu đạn lại chứa 6 đầu đạn con.

Chuyên gia Hoffmann cho biết thêm, bên phòng thủ sẽ phải huy động lượng lớn tên lửa để bắn hạ toàn bộ 36 đầu đạn trên mỗi quả Oreshnik, nhất là khi cần phóng hai đạn cho mỗi mục tiêu để bảo đảm khả năng đánh chặn.

"Điều này cực kỳ tốn kém và gần như là bất khả thi. Chi phí sẽ trở thành vấn đề đáng lo ngại hơn nhiều", Hoffmann cảnh báo.

Phủ định quan điểm phương Tây có thể ngăn chặn được tên lửa siêu thanh Nga, Tom Karako, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Mỹ, khẳng định:

"Số lượng đầu đạn và tốc độ như vậy khiến nỗ lực đối phó trở nên khó khăn, thậm chí là vô phương ngăn chặn. Có thể coi đòn tập kích bằng tên lửa Oreshnik là lời cảnh cáo đối với cả Ukraine lẫn các nước châu Âu".

Giám đốc Justin Crump cũng có cùng quan điểm, cho rằng Nga đang phát cảnh báo đến phương Tây khi sử dụng loại tên lửa có tốc độ cao và sức sát thương vượt trội so với những khí tài từng tham chiến tại Ukraine trước đây.

"Tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander vốn là một trong những vũ khí có uy lực hàng đầu ở xung đột Ukraine, với khả năng xuyên thủng lưới phòng không đối phương. Những hệ thống có tốc độ cao, hiện đại và tầm xa hơn như Oreshnik sẽ càng khiến mối đe dọa tăng theo cấp số nhân", Justin Crump nói.

Duy Kiên
Theo Giáo dục & Thời đại