Thứ ba, 21/01/2025 | 08:41
RSS

Phụ kiện 'chết người' trên ô tô đang bán tràn lan tại Việt Nam

Thứ ba, 10/04/2018, 15:03 (GMT+7)

Món phụ kiện đơn giản nhưng có thể "qua mặt" hệ thống cảnh báo thắt dây an toàn trên ô tô đang bày bán rất phổ biến trên thị trường Việt Nam.

Thông thường, các dòng xe ô tô đời mới được trang bị hệ thống cảnh báo thắt dây an toàn, hệ thống này có thể phát ra âm thanh báo hiệu cho lái xe cũng như hành khách biết mình chưa thắt dây an toàn mỗi khi lên xe. Đây là trang bị tiêu chuẩn ở một số thị trường, có xe chỉ cảnh báo ghế tài xế, có xe sẽ cảnh báo cả 2 ghế trước.

Tuy nhiên, nhiều người sử dụng xe ô tô lại cảm thấy hệ thống cảnh báo này rất "phiền", đơn giản chỉ vì họ cảm thấy khó chịu khi phải thắt dây an toàn, kể cả tài xế. Và một món phụ kiện đã ra đời để đáp ứng nhu cầu của những khách hàng này, đó là chốt thay thế dây an toàn, lắp thẳng vào khe cắm có sẵn trên mọi chiếc ô tô.


Phụ kiện đơn giản, rẻ tiền nhưng lại có khả năng gây thương vong khi xảy ra tai nạn

Chốt cắm thay thế dây an toàn này có giá bán rất rẻ trên thị trường, chỉ từ 50.000 - 100.000 đồng tùy loại, và được bán rất phổ biến ở hầu hết các cửa hàng đồ chơi ô tô. Mặt hàng này trớ trêu thay lại bán khá chạy, do tâm lý nhiều người Việt "ngại" thắt dây an toàn khi ngồi trên ô tô. Khi cắm vào, hệ thống điện trên ô tô sẽ nhận diện nó chính là dây đai an toàn đã được cắm, từ đó không phát ra cảnh báo nữa.

Trên thực tế, rất nhiều người Việt chưa có thói quen thắt dây an toàn khi ngồi trên ô tô, tâm lý này vẫn theo họ cho đến khi sở hữu ô tô, họ ngại phải nghe tiếng kêu chói tai mỗi khi xe lăn bánh mà chưa thắt dây an toàn. Do vậy món phụ kiện này như một "giải pháp" để đánh lừa hệ thống cảnh báo an toàn trên ô tô.

Để đáp ứng thị hiếu khách hàng, nhiều cửa hàng kinh doanh phụ kiện ô tô còn có đủ loại chốt với đầy đủ logo của các thương hiệu ô tô phổ biến tại Việt Nam Nhiều người không biết rằng món phụ kiện này sẽ trở thành vũ khí "chết người" nếu không may xảy ra tai nạn khi xe vận hành.

Hệ thống dây đai an toàn trên ô tô thậm chí còn quan trọng hơn cả túi khí, nó có thể cứu lấy mạng sống của người ngồi trên xe khi xảy ra va chạm. Nếu hành khách không thắt dây an toàn thì tác dụng và hiệu quả của túi khí gần như không có, thậm chí hệ thống túi khí trên một số mẫu xe không bung nếu hệ thống dây đai an toàn không được thắt. Việc "qua mặt" hệ thống cảnh báo thắt dây an toàn là việc làm vô cùng nguy hiểm mà nhiều người chưa ý thức được. 


Món đồ chơi này khi cắm vào xe sẽ vô hiệu hóa hệ thống âm thanh cảnh báo thắt dây an toàn

Dây đai an toàn được sáng chế vào cuối những năm 1800, đây là tùy chọn và hiện nay đã trở thành trang bị tiêu chuẩn trên ô tô. Dây đai an toàn bảo vệ người ngồi trên xe bằng cách giữ người lại trong trường hợp tai nạn có khả năng khiến họ bay về phía kính chắn gió. Dây đai an toàn cũng giữ một ai đó an toàn tại chỗ trong trường hợp phanh gấp hoặc va chạm. Còn túi khí bảo vệ tài xế khỏi va đập với vô lăng, giúp giảm thiểu thương vong nếu xe gặp va chạm, lắc hoặc lật.

Theo thống kê, những người gặp tai nạn nhưng đeo dây an toàn có cơ hội tốt hơn để tránh bị tổn thương. Nhiều nơi trên thế giới có quy định nghiêm ngặt về việc đeo dây bảo hiểm trên xe, dù là ngồi ở hàng ghế trước hay sau, đặc biệt đối với trẻ em. Người không đeo dây an toàn không chỉ có nguy cơ bị tổn thương, mà còn có thể gây tổn thương tới người khác trên xe. Trong trường hợp xảy ra tai nạn, người không đeo dây có thể văng trong xe, thậm chí bay ra khỏi xe, gây thương tích cho những hành khách khác.


Thử nghiệm xảy ra tai nạn, người ngồi trong xe văng ra ngoài vì không thắt dây an toàn

Số liệu của Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA), dây đai an toàn giảm thương vong khoảng 50% trong trường hợp tai nạn nghiêm trọng. Túi khí được cung cấp trên xe như thiết bị an toàn thứ cấp nhưng không hề kém phần quan trọng. Túi khí kết hợp dây đai an toàn là cách bảo vệ tốt nhất cho người trưởng thành.

Các nhà làm luật ở nhiều nước trên thế giới đều có chế tài xử phạt đối với những ai không thực hiện việc thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô, kể cả người ngồi phía sau. Tại Việt Nam, số tiền phải đóng cho hành vi như vậy là từ 100.000 - 200.000 đồng, mức phạt này xem ra vẫn còn khá "nhẹ", chưa đủ sức răn đe. 


Xem thêm: Vô tư 'mây mưa' giữa đường nên gặp tai nạn ô tô đâm

Gia Linh
Theo Thanh Niên